Quyết tâm thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh

Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh chọn chủ đề công tác năm là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.

Đoàn Cơ quan Chuyển đổi số Australia (DTA) làm việc cùng lãnh đạo Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh.

Với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu trong công tác chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, thể hiện qua sự tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, phát triển nền tảng số, chú trọng quản trị dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bảo đảm an toàn thông tin và đẩy mạnh truyền thông chính sách về hoạt động chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ, từng bước góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và mang lại tiện ích người dân trong thực hiện giao dịch, thương mại và thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Trong năm qua, Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành 08 Kế hoạch về triển khai Chuyển đổi số và Đô thị thông minh, triển khai Đề án 06. Ban hành Nghị quyết quy định mức thu lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, miễn phí 98 thủ tục hành chính khi người dân làm trực tuyến từ nay đến hết năm 2025.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức trao quyết định và tặng hoa chúc mừng 2 đồng chí Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh tại lễ ra mắt.

Thành lập Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc UBND Thành phố trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Công nghệ thông tin. Tổ chức Chuỗi sự kiện và tuần lễ hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 với chủ đề “Phát triển hạ tầng số - Sáng tạo ứng dụng số - Thúc đẩy kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2024 lĩnh vực Thành phố Điều hành, quản lý thông minh (IOC).

Thành phố Hồ Chí Minh có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển chính quyền điện tử ở cấp địa phương, chỉ số Dịch vụ Trực tuyến địa phương (LOSI) của Thành phố đã tăng từ vị trí 54/146 năm 2022 lên vị trí 53/152 thành phố tiêu biểu của các quốc gia trên thế giới được khảo sát vào năm 2023.

Thành phố đã tổ chức công bố kết quả xếp hạng chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 (DTI 2023).

Bộ chỉ số đã tác động tích cực giúp các đơn vị phát hiện các điểm yếu, điểm mạnh, đề ra kế hoạch khắc phục để nâng cao chỉ số DTI 2024 tại đơn vị mình. Phát động Giải thưởng “Báo chí viết về chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh” năm 2024;

Khắc phục các ứng dụng rời rạc trước đây, năm 2024, Thành phố tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT trên các nền tảng số dùng chung, đồng bộ và thống nhất theo định hướng và chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thành phố vận hành chính thức 9 nền tảng số gồm:

(1) Hệ thống lắng nghe thông tin trên Mạng xã hội cho các cơ quan nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh;

(2) Hệ thống quản lý khiếu nại tố cáo Thành phố;

(3) Bản đồ thực thi thể chế Thành phố Hồ Chí Minh;

(4) Nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh”;

(5) Nền tảng hỗ trợ hoạt động Hội đồng nhân dân Thành phố ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tại kỳ họp lần thứ 17 - khóa X;

(6) Hệ thống điều phối vận hành Chính quyền số thực hiện chức năng quản lý, giám sát đầu tư công nghệ thông tin Thành phố hiệu quả;

(7) Cổng thông tin 1022;

(8) Hệ thống quản trị thực thi Thành phố Hồ Chí Minh trên nền tảng số;

(9) Bản đồ thực thi thể chế điện tử để giám sát theo thời gian thực chỉ số đo lường chất lượng cung cấp dịch vụ công cho tất cả cơ quan Nhà nước trên địa bàn.

Ngày 14/11/2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức ra mắt App Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua ứng dụng Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn chỉ bằng tương tác một chạm là có thể giao tiếp trực tuyến hai chiều nhanh chóng, hiệu quả giữa chính quyền với người dân và ngược lại.

Ngày 14/11/2024, Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt Ứng dụng Công dân số.

Tỷ trọng kinh tế số Thành phố tiếp tục tăng theo các năm, theo số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông: năm 2021 là 15,38%, năm 2022 là 18,66%, năm 2023 là 21,5%, ước tính năm 2024 Thành phố sẽ đạt 22%.

Về thương mại điện tử, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại điện tử lớn nhất cả nước, với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Thành phố đang triển khai kế hoạch “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.

Lần đầu tiên trong cả nước, Thành phố phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai thí điểm khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng thương mại điện tử và chuyển đổi số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ trên địa bàn quận Phú Nhuận để xây dựng các mô hình phát triển Kinh tế số tại Thành phố.

Kết quả đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt: 71,18%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử: 80,20%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử: 95,21%.

Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả.

Tóm lại, Chương trình Chuyển đổi số năm 2024 của Thành phố đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực:

Người dân tiếp cận thông tin, dịch vụ công dễ dàng hơn. Thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Việc thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến giúp giao dịch thuận tiện hơn. Các ứng dụng thông minh trong giao thông, y tế, giáo dục giúp người dân di chuyển dễ dàng, tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao và hưởng thụ môi trường sống tốt hơn. Người dân có thể tham gia vào quản lý đô thị cũng như đóng góp ý kiến, phản ánh kiến nghị thông qua các kênh trực tuyến như Cổng thông tin 1022, góp phần xây dựng chính quyền minh bạch và hiệu quả.

Đối với doanh nghiệp, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, thủ tục hành chính được đơn giản hóa, minh bạch hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và tăng hiệu quả. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.

Theo LÊ LÂM

(Báo Nhân Dân)