Cơ hội để người trẻ khởi nghiệp lĩnh vực thực phẩm

   

Hậu quả của dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị gãy nên cần có giải pháp để gia tăng giá trị sản phẩm, giảm thiểu tối đa mức độ hao tốn nguyên liệu. Đây là cơ hội để những người trẻ sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm.

123138471_4103383449688667_7231362209836447200_o.jpg

Tại buổi tọa đàm “Biến thực phẩm thành động lực đổi mới sáng tạo” do ban tổ chức cuộc thi Hult Prize (cuộc thi khởi nghiệp thường niên dành cho sinh viên trên toàn thế giới, hợp tác cùng với Liên Hiệp Quốc) tổ chức gần đây, các chuyên gia về lĩnh vực thực phẩm và khởi nghiệp đã có nhiều gợi ý về những cơ hội đầy tiềm năng khi khởi nghiệp với lĩnh vực thực phẩm sau dịch Covid-19.

Để có thể đủ lương thực cho dân số

Theo các chuyên gia, để khởi nghiệp trong lĩnh vực này, bạn trẻ cần tập trung giải quyết các vấn đề về thực phẩm còn tồn đọng hiện nay như: an toàn vệ sinh thực phẩm, tình trạng được mùa mất giá và được giá mất mùa, thực phẩm chưa mang hàm lượng dinh dưỡng cao, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, biến đổi khí hậu, dịch bệnh...

Đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ, bà Thái Vân Linh, một trong những “cá mập” của chương trình Shark Tank Việt Nam, cho rằng khi khởi nghiệp trong lĩnh vực này nên có suy nghĩ toàn cầu. Bởi hiện tại dân số toàn cầu khoảng tầm 8 tỉ người, nhưng dự đoán thêm 80 năm nữa thì dân số tăng thêm khoảng 11 tỉ, tuy nhiên diện tích đất sẽ không tăng. Vậy phải nghĩ ra giải pháp nào có thể đáp ứng đủ lượng thực phẩm cho dân số lúc đó. Đó là ý tưởng để các bạn bắt đầu khởi nghiệp.

“Đầu tiên là phải tìm những giải pháp về công nghệ. Công nghệ lúc này cũng có những điểm khác, chẳng hạn trước đây, mình nghĩ muốn trồng thêm nông sản thì phải cần diện tích đất lớn, nhưng bây giờ thay vì mở rộng ra thì có thể trồng cao lên. Nghĩ đến các hình thức trồng trọt không cần đất như mô hình trồng với nước, hay mới đây là hình thức trồng với đá...”, bà Linh gợi ý.

PGS-TS Đàm Sao Mai, cựu Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (thuộc Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), nhận định: “Việt Nam mình có nguồn tài nguyên, có những sản phẩm truyền thống rất mạnh, nhưng làm sao để đưa cái hiện đại vào trong truyền thống”.

Bà Mai minh chứng hiện nay có một bạn trẻ khởi nghiệp với sản phẩm mắm. Bạn trẻ này đã tìm được cách và chắc chắn trong tương lai gần mắm sẽ được công nghiệp hóa để có thể xuất khẩu. “Bạn trẻ đó đã chuẩn hóa được quy trình, đảm bảo được vệ sinh và đưa hương vị gần với hiện đại hơn chứ không phải truyền thống hoàn toàn, và an toàn vệ sinh thực phẩm tốt hơn”, bà Mai chỉ ra.

Ở xứ gạo nhưng lại dùng sữa gạo Hàn Quốc

Đó là vấn đề được các chuyên gia đặt ra để gợi mở những hướng khởi nghiệp cho người trẻ trong lĩnh vực thực phẩm.

Anh Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Công ty CP Food Network, cho rằng chúng ta phải xác định rõ những sản phẩm chủ lực của nước mình và sau đó hãy làm cho chúng trở thành những sản phẩm mạnh nhất thế giới. “Chẳng hạn như sản phẩm chủ lực của nước ta là gạo, nhưng lại không có một sản phẩm sữa gạo nào trên thị trường mà phải uống sữa gạo Hàn Quốc, đây là vấn đề để các bạn suy nghĩ và sáng tạo. Tôi tin rằng chính bạn trẻ là những người sáng tạo lại những mô hình mà ông cha ta từ trước chưa làm được. Hãy sáng tạo và không ngừng sáng tạo”, anh Khởi gửi gắm.

Khi đặt vấn đề xứ gạo nhưng lại sử dụng sữa gạo đến từ nước khác, bà Mai cho rằng thực chất Việt Nam có nguồn tài nguyên rất lớn, nhưng phát triển bền vững như thế nào thì lại là cả một vấn đề. Việt Nam có một nguồn tài nguyên bản địa nhưng làm sao để phát triển, để đưa ra thế giới?

“Tại sao mình lại uống sữa gạo Hàn Quốc trong khi gạo của mình rất nhiều, lại còn phong phú về chủng loại. Tôi biết rất nhiều bạn làm ở phòng nghiên cứu về đủ loại sữa gạo như sữa gạo hồng ngọc, gạo lứt, gạo tím… Tại sao không phát triển thành thương mại hóa được mà vẫn phải uống sữa gạo Hàn Quốc? Chúng ta cần xem lại vấn đề các sản phẩm bản địa của mình để đi ra nước ngoài. Nông sản Việt thực sự là một thế mạnh rất lớn, và những lỗ hổng hiện nay chính là cơ hội cho các bạn trẻ”, bà Mai khẳng định.

Để khởi nghiệp giúp giải quyết được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa của người nông dân, bà Mai khuyên các bạn trẻ có thể lựa chọn những mô hình khởi nghiệp giúp đẩy mạnh công đoạn chọn lọc giống, giống có giá trị. Thay vì bán 1 đồng thì trồng giống tốt bán được 3 đồng, thay vì 3 vụ nhưng gom lại 2 vụ nhưng mà 2 vụ đúng chất lượng...; đấy cũng là cách để giúp người nông dân. Bên cạnh đó, theo bà Mai, bạn trẻ cũng có thể tập trung sử dụng công nghệ chế biến để có thể tận dụng giúp giảm thiểu được những tổn thất, phế liệu của nông sản giúp bà con nông dân.

Nữ Vương - Nguồn Thanh niên