Vinh danh các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo

   

Trong chuỗi sự kiện "Ngày hội doanh nghiệp Công nghệ thông tin và Trí tuệ nhân tạo TPHCM năm 2020", Ban tổ chức tuyên dương và trao giải “Hội thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020” (Hội thi AI 2020).

123138471_4103383449688667_7231362209836447200_o.jpg

Đây là năm đầu tiên Thành phố tổ chức Hội thi AI 2020 nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khuyến khích các cá nhân, nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước đề xuất các giải pháp tiên tiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cuộc sống.

Thông qua Hội thi để tuyên dương, tôn vinh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân có các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo xuất sắc và tiềm năng.Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông khởi động Hội thi AI 2020 từ tháng 6/2020, trong đó tiếp nhận hồ sơ từ ngày 22/6/2020 đến ngày 30/8/2020.

Tổng cộng có 217 đội dự thi với 534 thí sinh ở nhóm 1 (AI-Challenge) và 39 hồ sơ đăng ký dự thi ở nhóm 2 (AI-Solution) có chất lượng cao, nhiều sản phẩm đã được ứng dụng trong xây dựng đô thị thông minh.

Hội thi AI được xét và trao tặng cho 2 nhóm: Nhóm 1 – Cuộc thi Thử thách trí tuệ nhân tạo (AI-Challenge); Nhóm 2 – Sản phẩm Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI-Solution) với 1 Giải nhất, 3 Giải nhì, 4 Giải ba và 13 Giải Khuyến khích.

Cũng trong chuỗi sự kiện, lãnh đạo TP.HCM đã có cuộc đối thoại với sinh viên tiêu biểu trong khuôn khổ ngày hội Doanh nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2020, nhiều sinh viên đã đặt câu hỏi thành phố và quốc gia có chính sách hỗ trợ gì để sinh viên nghiên các các sản phẩm ứng dụng AI.

TP.HCM hỗ trợ gì cho sinh viên?

Sinh viên Nguyễn Đăng Huy, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM chia sẻ AI hỗ trợ khá hữu hiệu cho nhiều lĩnh vực ở TP.HCM như giao thông, y tế, giáo dục. Sinh viên này cho biết đang cùng nhóm nghiên cứu ứng dụng AI tạo ra bác sĩ online có thể giải đáp hàng loạt câu hỏi cho những người gặp vấn đề về tâm lý, trầm cảm.

123718136_4643900972319158_6944660767862506392_o.jpg

Tuy nhiên, nhóm sinh viên lại gặp khó trong tiếp cận nguồn dữ liệu thực tế và nguồn lực để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, có thể ứng dụng vào cuộc sống, giúp các bạn trẻ vượt qua căng thẳng, hạn chế những suy nghĩ và hành động tiêu cực.

Còn Phạm Thị Hồng Ân, sinh viên Trường Đại học Mở TP.HCM đặt câu hỏi đứng trước sự phát triển không ngừng của CNTT và AI thì TP.HCM đã chuẩn bị gì để đáp ứng. Một số sinh viên khác đặt câu hỏi trong đề án đô thị thông minh mà TP.HCM đang triển khai thì AI sẽ được ưu tiên cho những lĩnh vực nào, các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo có lợi thế nào so với các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ,…

Đặt câu hỏi tới lãnh đạo TP.HCM, sinh viên Trần Hồng Nam Phương, Trường Đại học Sài Gòn chia sẻ các bạn sinh viên đều gặp khó khi tiếp cận các chính sách, nguồn lực, kinh phí để thực hiện các đề tài, sáng kiến. “Vậy TP.HCM và Việt Nam có chế độ, chính sách nào để hỗ trợ sinh viên nghiên cứu cũng như giải quyết việc làm sau khi ra trường, nữ sinh viên Nam Phương đặt câu hỏi và đề nghị TP.HCM tổ chức chuỗi phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo trong đề án đô thị thông minh.

TP.HCM lập Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ đây là lần thứ 2 gặp gỡ sinh viên trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đồng thời nhận định tiềm năng trong sinh viên là rất lớn, qua các cuộc thi đã phát hiện nhiều nhân tố giỏi để tiếp tục đào tạo, xây dựng đội ngũ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cho TP.HCM. Ông Phong cũng đề nghị Thành đoàn và Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM tổ chức thêm các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo TP.HCM với sinh viên các lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội nhân văn để lắng nghe các ý kiến tâm huyết, xây dựng thành phố.

123346582_4643900915652497_6530494544076135216_o.jpg

Về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khi triển khai các đề án đô thị thông minh, chuyển đổi số và xây dựng TP.Thủ Đức tương lai thì TP.HCM đã đặt câu hỏi lớn về nguồn nhân lực thực hiện. "Các đề án đặt ra mục tiêu rất lớn, nhưng để thực hiện các mục tiêu đó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực để hiện thức hóa. Nếu không chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực thì đó chỉ là ước vọng. Do vậy, TP.HCM phải chuẩn bị đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trình độ ngang tầm quốc tế.

Để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, đô thị thông minh, AI thì trước hết TP.HCM đang xây dựng và phát triển nguồn lực theo chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao ở từng lĩnh vực cụ thể.

Đồng thời, TP.HCM đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cán bộ quản lý nhà nước để vận hành các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thời gian qua, đề án đô thị thông minh đã giải quyết được một số điểm nghẽn như ngành y tế giải quyết được khám bệnh, hồ sơ khám bệnh điện tử. TP.HCM cũng đang thu hút chuyên gia giỏi, trình độ cao, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài về TP.HCM nghiên cứu, đầu tư.

Hội đồng Tư vấn AI sẽ tư vấn các cơ chế, chính sách để thúc đẩy AI phát triển, trong đó có đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực. Ngoài ra, Sở TT-TT cùng sở KH-CN xây dựng đề án trung tâm nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo điều kiện cho sinh viên thỏa sức hiến kế phát huy kiến thức.

Ông Phong thông tin TP.HCM có hơn 400.000 doanh nghiệp, nhưng đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 tỉ đồng trở lên. Do DN vừa và nhỏ nên khả năng ứng dụng công nghệ và nâng cao trình độ quản trị còn hạn chế. Đối với các DN đủ điều kiện, ông Phong cho rằng cần có chính sách để DN thử nghiệm, triển khai ứng dụng AI.

Ông Phong nêu thực tế nhiều sản phẩm công nghệ được nghiên cứu bởi sinh viên nên sắp tới sẽ thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo TP.HCM là cầu nối để đưa sản phẩm vào thương mại hóa, biến khoa học công nghệ trở thành động lực sản xuất trực tiếp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.