Cuộc ra mắt đầu năm của các Đại sứ STEM
Ngày 11/1, Mạng lưới Đại sứ STEM Việt Nam đã chính thức ra mắt và có những hoạt động đầu tiên chào đón năm mới.
Sáng thứ 7, ngày 11/1, tại trường THCS Đức Thắng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Liên minh STEM đã ra chính thức ra mắt "Mạng lưới Đại sứ STEM Việt Nam" bao gồm các nhà chuyên môn cam kết hoạt động tình nguyện để truyền bá niềm đam mê và kiến thức trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toántới cộng đồng.
Ra đời từ năm 2015, Liên minh STEM - một tổ chức chuyên kết nối những người tình nguyện dành thời gian tham gia các hoạt động khuyến STEM - đã làm được rất nhiều việc ý nghĩa: tập huấn cho khoảng 10.000 giáo viên phổ thông về giáo dục STEM, hỗ trợ thành lập hơn 500 câu lạc bộ STEM khắp cả nước, nhất là tại các trường làng. Bên cạnh đó, Liên minh STEM luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức 6 Ngày hội STEM quốc gia và 5 Ngày hội Toán học mở, thu hút được sự quan tâm của đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Cụm từ “Đại sứ STEM” xuất hiện lần đầu ở Việt Nam cũng chính tại Ngày hội STEM quốc gia 2015 diễn ra tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN. Những gương mặt Đại sứ đầu tiên lúc bấy giờ gồm Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, GS toán học Ngô Bảo Châu, GS toán học Nguyễn Tiến Dũng, KS công nghệ Nguyễn Thanh Sơn, TS khoa học vật liệu Đặng Văn Sơn, TS hóa học Dương Tuấn Hưng, KS ô tô Đỗ Hoàng Sơn…
Tuy nhiên giai đoạn này, phần lớn các Đại sứ mới chỉ mang tính chất hình ảnh, chưa có nhiều hoạt động chính thức. Chia sẻ lý do tại sao trước đó mạng lưới đại sứ “nằm vùng”, TS. Đặng Văn Sơn, Giám đốc học Viện sáng tại S3 và là một trong những thành viên tích cực của mạng lưới, cho biết: “Lúc đó không có bất cứ tổ chức nào hỗ trợ và kết nối các Đại sứ với nhau cũng như với công chúng.”
Nhưng giờ đây, sau nhiều hoạt động thường xuyên và mang tính định kỳ, mạng lưới đã sẵn sàng hơn. Mục tiêu trong năm 2020 là mở rộng số lượng Đại sứ lên 100 người và tổ chức được ít nhất 200 hoạt động cộng đồng về STEM như: Định hướng nghề, hỗ trợ các CLB STEM, bài giảng đại chúng, tập huấn giáo viên...
Mạng lưới Đại sứ STEM vốn là một mô hình quen thuộc ở Vương quốc Anh, do Trung tâm STEM Quốc gia tổ chức và quản lý. Mạng lưới bao gồm những người tình nguyện tham gia các hoạt động khuyến khích các bạn trẻ theo học các ngành STEM và làm các nghề STEM thông qua các buổi nói chuyện, hướng dẫn thực hành hay triển lãm... Các hoạt động này không bó hẹp trong lớp học mà có thể diễn ra ở các câu lạc bộ, các nhóm, các cộng đồng… Hiện Mạng lưới đã có mặt trên khắp nước Anh với khoảng 30 nghìn thành viên và được 24 tổ chức tài trợ kinh phí hoạt động.
Là người từng tích cực vận động cho sự ra đời của Mạng lưới Đại sứ STEM ở Việt Nam, TS Đặng Văn Sơn bày tỏ hy vọng, tới đây Mạng lưới sẽ được sự ủng hộ tích của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học ở các trường đại học, viện nghiên cứu; sự quan tâm tài trợ của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. "Các doanh nghiệp có thể hỗ trợ theo nhiều cách: cung cấp những chủ đề thú vị cho hoạt động của các CLB STEM; giới thiệu các sản phẩm công nghệ của họ; hoặc hỗ trợ vật liệu, thiết bị...," TS Sơn nói.
Cũng trong khuôn khổ lễ ra mắt, một số đại sứ STEM đã tham gia các hoạt động trải nghiệm với hơn 120 học sinh từ 4 trường THCS Đức Thắng, Đông Ngạc, Thụy Phương, Xuân Đỉnh cùng các phụ huynh và giáo viên ở 5 lĩnh vực: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, năng lượng, rác thải và hộ chiếu công dân xanh.
Trong đó, các Đại sứ STEM như TS. Nguyễn Bình (Giám đốc Kỹ thuật của PAM Air), TS. Hàn Huy Dũng (ĐH Bách khoa, Trưởng dự án máy đo không khí AirSENSE), và TS. Dương Tuấn Hưng (Viện Hóa học) đã có các bài nói chuyện về chủ đề “ô nhiễm không khí”, giúp các em học sinh nhận biết mức độ ô nhiễm không khí, cách bảo vệ bản thân cùng gia đình, cách thu thập dữ liệu về không khí, đồng thời khơi gợi tinh thần "nếu là một kĩ sư, chúng ta cũng cần phải quan tâm đến môi trường và hoàn toàn có thể tạo ra các máy móc kĩ thuật giúp giải quyết vấn đề môi trường xung quanh", như TS. Hàn Huy Dũng nhấn mạnh.
Dưới đây là một số hình ảnh về sự kiện:
Ngô Hà