Dự án bò sữa lớn nhất Tây Nguyên đồng hành cùng nông dân vùng biên giới
Hôm nay 18/9, dự án chăn nuôi bò sữa lớn nhất Tây Nguyên được Tập đoàn TH khởi công tại tỉnh Kon Tum. Dự án này sẽ được triển khai theo 2 mô hình, đều hiện đại và đều đã thành công thời gian qua.
Dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, quy mô lớn nhất Tây nguyên vừa được Tập đoàn TH khởi công hôm nay 18-9 tại tỉnh Kon Tum, tổng đầu tư cho dự án 2.544 tỉ đồng, trên diện tích 441ha với quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10.000 con, đàn bò nuôi liên kết với nông dân dự kiến 20.000 con thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao. Bên cạnh đó, TH sẽ xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày.
Đây sẽ là trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch có quy mô lớn số 1 của vùng Tây Nguyên, là bước tiếp theo trong lộ trình tạo dựng bản đồ sữa TH true MILK trải dài khắp đất nước với các trang trại tại Nghệ An, Hà Giang, Phú Yên, Thanh Hóa và sắp tới là An Giang, Cao Bằng, với mục tiêu tới năm 2025, tổng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung và liên kết với nông dân của TH đạt 400.000 con.
Vùng chăn nuôi mới, phù hợp nghề bò sữa
Kon Tum có đất đai rộng lớn, mật độ dân số thấp, đặc biệt là khí hậu cao nguyên mát mẻ - nhiệt độ quanh năm dao động chỉ từ 18-23 độ C, trên nền địa hình cao từ 700-1.200m so với mực nước biển. Những đặc điểm đó rất phù hợp với việc chăn nuôi bò sữa, loài đại gia súc đến từ xứ ôn đới. Đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại huyện Sa Thầy, Kon Tum, TH sẽ biến vùng đất nơi phên giậu đất nước thành một trong những vùng chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa điển hình của cả nước, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội địa phương.
Theo kế hoạch, dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của TH tại Kon Tum được thực hiện theo hai mô hình, đó là mô hình chăn nuôi bò sữa khép kín, tập trung, ứng dụng công nghệ cao - tương tự dự án đã triển khai ở Nghệ An. Bên cạnh đó là mô hình chăn nuôi bò sữa liên kết với người dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao - tương tự mô hình mà TH đã triển khai tại Đà Lạt thông qua Dalatmilk. Đều là 2 mô hình đã thành công của TH.
“Ở Kon Tum tôi có những dự định rất lớn và rất kỳ vọng. Hôm nay tôi xin phép được chia sẻ các khát vọng của mình, đó là làm thế nào để tôn trọng tự nhiên, giữ nguyên rừng và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Chúng tôi nuôi bò sữa , xử lý phân vi sinh để trồng rau sạch. Cùng với đó, chúng tôi trồng thảo dược, làm thực phẩm chức năng… Khí hậu ở Kon Tum rất tốt, chăn nuôi bò sữa ở đây sẽ thuận lợi hơn ở Nghệ An”- bà Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH chia sẻ.
Trước những lợi thế về đất đai và khí hậu ở Kon Tum, bà Hương hi vọng khi dự án được triển khai, bà con nông dân ở đây rồi sẽ trở thành công nhân nông nghiệp công nghệ cao, lương một tháng thấp nhất cũng 6-7 triệu đồng. Như vậy, cộng với lãi suất của tiền đền bù đất đai, cuộc sống người dân nâng lên đáng kể, chưa kể họ còn trồng trọt, chăn nuôi, chẳng hạn như trồng ngô sinh khối, cỏ bán cho TH.
Hi vọng mới từ Kon Tum
Theo ông Nguyễn Ngọc Sâm, bí thư Huyện ủy Sa Thầy, vùng chăn nuôi mới của TH, phát huy lợi thế khí hậu và đất đai, những năm qua huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn và đạt được kết quả đáng khích lệ. Toàn huyện hiện có 12.000ha cao su, 500ha cây ăn quả, 2.500ha cà phê, đàn trâu bò gần 10.000 con…, góp phần ổn định đời sống người dân.
"Phát triển nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện, nhất là khi giá cả thị trường các sản phẩm nông sản chủ lực không ổn định và thời gian kiến thiết đối với cây công nghiệp dài, ảnh hưởng tới đời sống người dân nông thôn" - ông Sâm chia sẻ.
Chính vì vậy, những người dân Sa Thầy rất hào hứng đón nhận dự án này. Dự kiến sẽ có khoảng 2.000-4.000 hộ nông dân của huyện Sa Thầy và các vùng lân cận của tỉnh Kon Tum có thể tham gia dự án, nhận chuyển giao công nghệ, tiếp cận cơ hội cải thiện thu nhập và làm giàu cho gia đình. Thời điểm khởi công dự án tại Kon Tum, đã có trên 20 hộ trong khu vực sẵn sàng ký cam kết tham gia vào mô hình hợp tác xã để nhận chuyển giao công nghệ 4.0 từ Tập đoàn TH.
Tham gia vào hợp tác xã công nghệ cao, bà con nông dân được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để mua bò sữa và xây dựng chuồng trại; được hỗ trợ về thú y; được hỗ trợ cung cấp thức ăn cho bò và bao tiêu hoàn toàn sữa tươi nguyên liệu. Đàn bò chăn nuôi tại nông hộ cũng sẽ được gắn chip để theo dõi mọi hoạt động, phòng bệnh và theo dõi chất lượng, sản lượng sữa.
Đặc biệt, dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của TH tại Kon Tum cũng sẽ đi theo hướng kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình kinh tế đã được triển khai bài bản tại TH, thể hiện ở quy trình sản xuất khép kín "từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch" của TH trong 10 năm qua. Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm, phụ phẩm, thậm chí chất thải của hạng mục này là… đầu vào của hạng mục khác, ví dụ thu gom chất thải của hệ thống chăn nuôi để xử lý bằng hệ thống hầm biogas công suất lớn, ủ phân vi sinh bón cho các vùng nguyên liệu, các đồng cỏ, ngô phục vụ làm thức ăn cho bò sữa…
Mô hình này cũng được cụ thể hóa bằng việc TH tiên phong ứng dụng các giải pháp tiêu dung bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, tích cực tái chế - tham gia khởi xướng các tổ chức như Liên minh danh nghiệp vì môi trường Việt Nam (VB4E), Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
TH cũng có các chính sách bảo vệ tài nguyên đất, nước, sáng tạo các giải pháp về năng lượng, tuân thủ quy chuẩn cao nhất về nguồn nước và xử lý chất thải. Đây chính là mô hình kinh tế mà thế giới đang chuyển mình theo vì sự phát triển bền vững đồng thời rất phù hợp với tôn chỉ "Trân quý Mẹ thiên nhiên; Vì hạnh phúc đích thực" mà TH đã theo đuổi hàng chục năm qua.
HỒNG HÀ - Nguồn Tuổi Trẻ