ĐH Bách Khoa có 20 giảng viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

   

Đại học Bách Khoa trao chứng nhận cho 20 giảng viên nhằm xây dựng nguồn giảng viên có năng lực về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phục vụ đào tạo các môn học liên quan.

117931403_333919881305129_1013793324086588304_o.jpg

Chiều 20/8, 20 cán bộ, giảng viên trường Đại học Bách khoa được Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ (HCMUT-TBI) trao chứng nhận giảng viên nguồn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Buổi lễ bế mạc và trao chứng nhận có sự tham gia của PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng, PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc HCMUT-TBI, TS. Dương Như Hùng - Trưởng khoa Quản lý Công nghiệp và các giảng viên của trường.

Chứng nhận đánh dấu hoàn thành khóa tập huấn do trung tâm kết hợp với các đơn vị tổ chức, mục đích xây dựng nguồn giảng viên có năng lực về khởi nghiệp ĐMST để đào tạo các môn học liên quan trong các trường đại học khu vực TP.HCM.

Khóa học diễn ra từ 10/8 đến 21/8. Đây cũng là khóa học đầu tiên thực hiện cho giảng viên trường Đại học Bách khoa, các khóa tiếp theo sẽ thực hiện cho các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM và trên địa bàn thành phố.

Hiệu trưởng, PGS.TS Mai Thanh Phong, chia sẻ tại buổi lễ về tầm quan trọng của khởi nghiệp ĐMST trong môi trường đại học. Ông cũng cho biết thêm, trọng tâm của khóa tập huấn là trang bị cho giảng viên về công cụ, phương pháp tư duy và các công cụ ĐMST để giảng dạy, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ĐMST trong trường cũng như áp dụng trong công việc.

Các giảng viên được nhận giấy chứng nhận sẽ được hội đồng chuyên môn của trường xem xét, từ đó có thể tham gia cùng giảng dạy các môn học có liên quan. Khóa tập huấn cũng nhận được ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và học viên để hoàn chỉnh nội dung đào tạo trong thời gian tới.

Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Trường Đại học Bách khoa (HCMUT-TBI) được thành lập trên cơ sở dự án thử nghiệm hợp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và trường Đại học Bách khoa, nhằm ứng dụng kết quả của các đề tài nghiên cứu trong xây dựng vườn ươm doanh nghiệp khoa học công nghệ tại trường đại học.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01/2010, trung tâm được xem là một trong những cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ đầu tiên trong các trường đại học ở Việt Nam. Đến tháng 6/2012, trung tâm được cấp giấy phép hoạt động khoa học công nghệ và vận hành theo cơ chế tự chủ tài chính.

Trong 10 năm qua, trung tâm đã ươm tạo 48 doanh nghiệp khởi nghiệp, 9 doanh nghiệp tốt nghiệp, 3 doanh nghiệp KH&CN, 10 doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư. Ngoài ra, trung tâm cũng đào tạo hơn 1.000 sinh viên, 1.043 học viên cao học, 215 giảng viên về khởi nghiệp ĐMST, đào tạo 849 học viên từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, công ty nhỏ và vừa,... phối hợp tổ chức cuộc thi phát triển ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên hằng năm nhằm tìm kiếm các hạt giống khởi nghiệp (giai đoạn 2015 đến nay) và tổ chức hơn 40 hội thảo, diễn đàn, phiên chợ khởi nghiệp,...

Tiến Anh