Khởi nghiệp phải đi vào thực chất

   

TP HCM nói riêng và cả nước nói chung đã xốc dậy được tinh thần khởi nghiệp, việc cần làm bây giờ là giải quyết bài toán khởi nghiệp như thế nào cho hiệu quả.

startup-hay-thuc-te-thoi-mo-mong-cover.jpg

Khởi nghiệp là chủ đề nhận được nhiều quan tâm tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quốc gia hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chúng ta đang làm khởi nghiệp nhưng còn nặng về phong trào, chưa đi vào thực chất, tập trung.

Gắn với đổi mới sáng tạo

Cuộc cách mạng 4.0 và những thay đổi rất nhanh của nền kinh tế thế giới dưới sự dẫn dắt của công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên số đã dẫn đến sự gãy vỡ của các chuỗi cung ứng. Vì vậy, làm khởi nghiệp thời hiện đại không chỉ là chuyện của các bạn trẻ mới bắt đầu khởi sự kinh doanh mà còn là vấn đề của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa: DN đang hoạt động cũng cần phải khởi nghiệp để theo kịp xu hướng thị trường, tồn tại và phát triển. Tư duy khởi nghiệp phải gắn liền với đổi mới sáng tạo bởi công nghệ thay đổi với tốc độ chóng mặt, nếu DN khởi nghiệp nhưng áp dụng mô hình cũ thì cũng có thể thất bại.

Thế giới đang có thông điệp là công ty lớn khởi nghiệp thế nào trong khi những sản phẩm hiện hữu dần trở nên lạc hậu và bị công ty khác lấy thị phần? Câu trả lời duy nhất là DN phải có tư duy mới, có quy trình cho sản phẩm mới, trong đó đổi mới sáng tạo có vai trò quyết định. Diễn biến này cũng sẽ xảy ra tại Việt Nam trong thời gian tới, khi mà ngày càng nhiều DN gặp khó khăn do sự thay đổi của xu hướng thị trường và sự tàn phá của dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề, nhiều sản phẩm biến mất, thay vào đó là những ngành nghề, lĩnh vực mới.

Nhìn nhận một cách khách quan thì khởi nghiệp là sân chơi còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Đang có làn sóng khởi sự làm ăn cơ bản và khởi nghiệp, trong đó khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ đang dẫn dắt thị trường. Tuy vậy, chúng ta đang vừa học vừa làm nên còn nhiều vấp váp. Thực trạng phổ biến là nhiều DN start-up (khởi nghiệp) thiếu kiến thức lẫn kỹ năng, thiếu người hướng dẫn mà chỉ khởi nghiệp theo phong trào nên gặp nhiều trở ngại, cộng thêm những yếu tố bất lợi từ thị trường do dịch Covid-19 khiến nhanh thất bại hơn. Cá biệt có một số bạn khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ có trình độ tiếng Anh tốt, tiếp cận được các tổ chức tăng tốc khởi nghiệp quốc tế nên có nhiều cơ hội hơn.

startup_dribbble-e1555648768362.png

Cần một "kiến trúc sư trưởng"

So với các địa phương khác, TP HCM có nguồn lực lớn để phát triển khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, bao gồm hệ thống vườn ươm của các trường, viện, khu công nghệ cao, các tăng tốc khởi nghiệp và vườn ươm quốc tế. Ở góc độ nhà nước, chính quyền TP HCM đã tạo sân chơi cho các DN start-up. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chương trình đào tạo khởi nghiệp chất lượng riêng của Việt Nam mà chủ yếu là hợp tác, liên kết với nước ngoài. Hệ thống đào tạo của chúng ta chưa chuẩn hóa về khởi nghiệp, bao gồm cả khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ và khởi sự kinh doanh. Cũng do chưa có hệ thống định hướng đào tạo đúng nên dẫn đến những biến tướng của khởi nghiệp với tư duy làm giàu ngắn hạn, chụp giật… Một thực trạng khác là khởi nghiệp trở thành mảnh đất làm ăn của nhiều tổ chức, cá nhân; nhiều chương trình dạy không đúng về khởi nghiệp có thể ảnh hưởng đến các bạn khởi nghiệp.

Trong bối cảnh đào tạo về khởi nghiệp rất phân mảnh, một dấu hiệu đáng mừng là một số start-up đã tiếp cận được các vườn ươm, các tổ chức tăng tốc khởi nghiệp quốc tế và học hỏi được từ họ. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, nhiều tổ chức đang đào tạo miễn phí cho các start-up có ý tưởng tốt. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã có mặt và đang hỗ trợ Việt Nam trong việc đưa ra những chương trình đào tạo, định hướng khởi nghiệp và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp một cách bài bản.

Để làm khởi nghiệp thành công, phát triển khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy kinh tế TP HCM, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải có một chiến lược chung cùng quy trình cụ thể để thực hiện. Nói nôm na là cần xây dựng một chuỗi giá trị khởi nghiệp từ khâu đầu đến khâu cuối. Rất cần có một "kiến trúc sư trưởng" thiết kế hệ thống khởi nghiệp Việt Nam để vẽ ra bức tranh khởi nghiệp chung cũng như quy trình khởi nghiệp cho từng lĩnh vực, giáo trình chuẩn hóa cho từng lĩnh vực, chương trình đào tạo mentor, chiến lược xây dựng hệ sinh thái. Cùng với đó là cơ chế hỗ trợ để các start-up phát huy.

Chúng ta phải hình thành hệ thống định hướng giáo dục - đào tạo chuẩn hóa cho từng lĩnh vực cụ thể. Làm sao chuẩn hóa hệ thống, xây dựng hệ sinh thái và gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong hệ sinh thái để cùng nhau bán hàng, chia sẻ kỹ thuật. Bên cạnh đó, nâng chất bộ phận xúc tiến thương mại cho khởi nghiệp nhằm giúp các start-up tiếp thị, chào bán sản phẩm hoặc tiếp cận các quỹ đầu tư.

Trần Anh Tuấn (CEO Công ty Tư vấn Người Mở Đường - The Pathfinder)