KKday gọi vốn thành công 75 triệu USD trong vòng series C
Startup du lịch KKday có trụ sở tại Đài Loan công bố gọi vốn thành công ở vòng series C nhờ các chương trình kích cầu du lịch nội địa Đài Loan giữa bối cảnh nền du lịch toàn cầu “đóng băng” vì Covid-19.
Gọi vốn thành công dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch
Thành lập năm 2014 tại Đài Loan, KKday là một trong những nền tảng thương mại điện tử cung cấp dịch vụ du lịch tiên phong tại Châu Á, với trên 10,000 sản phẩm du lịch độc đáo từ hơn 80 quốc gia và 500 thành phố, thu hút hơn 4 triệu khách và phục vụ hàng trăm ngàn đơn hàng mỗi tháng.
KKday đã phát triển từ con số 20 nhân viên ban đầu vào năm 2015 đến hơn 250 nhân viên ở thời điểm hiện tại. Với văn phòng tại các nước Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc, KKday là nền thương mại điện tử tiên phong tại Châu Á. Hiện tại KKday là nền tảng đa ngôn ngữ, bao gồm tiếng Trung (phồn thể lẫn giản thể), tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, và các ngôn ngữ khác.
Trong giai đoạn dịch Covid-19, giống như các startup du lịch khác, KKday cũng bị ảnh hưởng nặng nề, doanh số giảm 90% trong tháng 3. Startup cũng phải thay đổi chiến lược để thích nghi.
Mặc dù doanh số giảm 90% trong tháng 3, nhưng KKday nhanh chóng xoay chuyển tình thế khi Đài Loan kiểm soát tốt dịch bệnh, nhu cầu du lịch bắt đầu phục hồi trong tháng 5 và bắt đầu tăng trưởng vào tháng 6. Nhờ linh hoạt đẩy mạnh các gói sản phẩm du lịch nội địa để kích cầu, doanh số của startup này vào tháng 7 và tháng 8 đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với việc linh hoạt sản phẩm trong ngành kinh doanh cốt lõi, KKday cũng mở rộng dịch vụ, sản phẩm để tồn tại như: bán bánh kaya toast, bánh dứa, bánh kẹo Đài Loan, giao tận nhà.
Dự báo tình hình du lịch ở các thị trường khác như Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ khả quan, giúp doanh thu KKday đến hết năm 2020 có thể bằng với con số năm ngoái. Ông Ming Chen đánh giá trong thời điểm “bình thường mới”, người dân vẫn có xu hướng đi du lịch vì đây là một nhu cầu cơ bản. Nhưng khách hàng sẽ chọn các chuyến bay ngắn và đi cùng những nhóm người nhỏ hơn.
“KKday nhìn thấy nhiều cơ hội để phát triển các sản phẩm kích cầu du lịch nội địa trong ‘bình thường mới’, lên kế hoạch cung cấp dịch vụ cao cấp như các chuyến đi du thuyền cho người có thu nhập cao. Chúng tôi dùng nguồn vốn vừa huy động để phát triển nền tảng Rezio hướng đến cho thị trường Đông Nam Á”, ông Ming Chen nhấn mạnh.
Và mới đây, KKday đã công bố gọi vốn thành công 75 triệu USD trong vòng series C. Theo Bloomberg, vòng gọi vốn series C của KKday có sự tham gia của hai quỹ Cool Japan Fund và National Development Fund (trụ sở ở Đài Bắc). Trước đó công ty này đã nhận đầu tư từ hai quỹ lớn là Monk’s Hill Ventures, Alibaba Entrepreneurs Fund, H.I.S (Nhật Bản) và MindWorks Capital.
“Các nhà đầu tư rót vốn vào KKday vì họ nhìn thấy chúng tôi đã thích nghi nhanh chóng với cuộc khủng hoảng chưa từng thấy này”, ông Ming Chen – nhà sáng lập kiêm CEO của KKday nói.
Đây không phải là lần đầu KKday đối mặt với khủng hoảng nhưng nhờ sự lãnh đạo tài tình của founder Ming Chen, KKday đã vượt qua những khó khăn, thử thách và gọi vốn thành công dù trong đại dịch
Triết lý không dừng bước trước thử thách khởi nghiệp
Sự thành công của KKday ngày nay có một phần không nhỏ đến từ sự dẫn dắt của vị CEO với 17 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp du lịch và đã bước qua nhiều thử thách của thị trường. Trước đó, Ming Chen đã từng điêu đứng vì bong bóng dotcom và đại dịch SARS.
Ming Chen từng nhiều lần đối mặt khó khăn khi khởi nghiệp. Năm 2000, ông từ bỏ công việc với mức lương ổn định để trở thành nhà đồng sáng lập công ty du lịch ezTravel Co. Việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn vào thời thời điểm bong bóng dotcom tan vỡ. Ba năm sau, ông tham gia sáng lập Startravel, nhưng điêu đứng lần nữa vì đại dịch SARS bùng phát.
Trong suốt khoảng thời gian khó khăn, Chen luôn đề cao triết lý “Bình tĩnh và chờ đợi khi cơ hội đến”, cũng như “Không từ bỏ khi đối mặt với thử thách”. Ông nhìn nhận: “Tình hình kinh tế không tốt luôn là cơ hội để các công ty phát triển chậm lại và chuẩn bị cho sự bùng nổ trong tương lai”.
Khi toàn bộ thị trường du lịch điêu đứng bởi đại dịch SARS, Startravel đã không lùi bước. Ming Chen và ban lãnh đạo bắt đầu liên kết với các công ty hàng đầu mà họ từng không thể hợp tác. Bước đi thứ hai là tập trung thúc đẩy hệ thống trực tuyến. “Khi Đài Loan được loại ra khỏi danh sách vùng nhiễm dịch của WHO, chúng tôi có thể sẵn sàng phát triển trở lại”, Ming Chen cho biết.
Đúng như dự đoán, dịch SARS qua đi và số lượng người du lịch nước ngoài tăng lên, dẫn đến sự hồi sinh của ngành. Sau đó, Startravel chỉ mất thêm ba năm để có thể hoạt động mang về lợi nhuận và đến năm 2008, công ty này IPO thành công.
Đến năm 2010, Chen mua lại ezTravel Corp. và trở thành tổng giám đốc. Ông chuyển định hướng của công ty từ tập trung bán vé máy bay nội địa sang giao dịch vé quốc tế. Công ty này cũng IPO thành công vào năm 2013.
Trong lĩnh vực du lịch, Ming Chen sớm nhận ra sự phát triển tiềm năng của các hãng hàng không giá rẻ, các trang đặt phòng trực tuyến như Agoda, Airbnb…cũng như sở thích du lịch tự túc của khách hàng. Ngoài ra, thị trường tour du lịch trải nghiệm ở các quốc gia châu Á là lĩnh vực vẫn chưa phát triển. Quyết định nắm lấy cơ hội, Ming Chen cùng các nhà sáng lập đã bắt tay xây dựng nền tảng cho thuê tour du lịch trực tuyến với cách vận hành giống như các website thuê phòng.
Chen hiểu rằng tương lai của lĩnh vực thương mại điện tử phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu phát triển công ty, tất cả chiến lược hoạt động đều được triển khai trên phạm vi quốc tế. Cái tên KKday cũng được đặt trên cơ sở đó. Ông muốn một cái tên để những người nói ngôn ngữ khác nhau cũng có thể nhớ một cách dễ dàng.
KKday đã áp dụng chiến lược kinh doanh toàn cầu hiệu quả: cung cấp các trải nghiệm du lịch chất lượng cao nhưng với mức giá hấp dẫn cho du khách trên toàn thế giới. Bên cạnh đó KKday nghiên cứu và phân tích rất kỹ về thị trường cũng như hành vi khách hàng để đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp thời điểm, chú trọng cải thiện trải nghiệm của du khách khi sử dụng dịch vụ của KKday.
Ngoài nỗ lực cải thiện trải nghiệm của khách hàng, song song đó, KKday chú trọng củng cố mối quan hệ với các bên cung ứng. Hai chiến lược này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chúng ta không thể nâng cao trải nghiệm của khách hàng nếu không có sự hỗ trợ của các bên cung ứng. Vì ngành công nghiệp du lịch tự túc bị phân chia thành nhiều mảng khác nhau nên duy trì được chuỗi cung ứng ổn định là một thử thách vô cùng lớn.
Đây là lý do để KKday tập trung phát triển hệ thống SCM (Supply Chain Management – Quản trị chuỗi cung ứng) cho phép các nhà cung ứng lớn hay nhỏ đều có thể dễ dàng truy cập để quản lý đơn hàng và tương tác trực tiếp với khách mà không cần sự can thiệp của KKday.
Hệ thống SCM của KKday bao gồm chức năng đổi vé dịch vụ bằng mã QR, tích hợp giao diện API của các nhà cung ứng lớn hơn vào hệ thống của KKday, tạo ra trải nghiệm trọn vẹn hơn cho khách hàng. Với giải pháp công nghệ toàn diện này, khách hàng sẽ nhận được vé điện tử nhanh chóng, kịp thời và các nhà cung ứng có thể quản lý công việc của mình một cách hiệu quả.
Triết lý không dừng bước của Ming Chen đã giúp ông dẫn dắt công ty nhiều cuộc khủng hoảng và giờ đây cùng với nguồn vốn mới 75 triệu USD, KKday tiếp tục vượt qua những sóng gió của cơn bão Covid để phát triển lớn mạnh hơn.
Tú Oanh