Mở thêm đường cho startup ra biển lớn


Theo báo cáo của tổ chức hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp toàn cầu Startup Genome, các doanh nghiệp khởi nghiệp có mối quan hệ quốc tế sẽ tăng trưởng về doanh thu cao hơn so với những doanh nghiệp chỉ có tầm nhìn nội địa.

“Ra quốc tế nên là một bước tiến tất yếu trong kế hoạch kinh doanh, không nên nhìn nhận nó như một bước đi cá biệt hay mạo hiểm”, Lưu Thế Lợi, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Kyber Network

“Ra quốc tế nên là một bước tiến tất yếu trong kế hoạch kinh doanh, không nên nhìn nhận nó như một bước đi cá biệt hay mạo hiểm”, Lưu Thế Lợi, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Kyber Network

Việc mở rộng ra nước ngoài – dù để gọi vốn, xây dựng mạng lưới, tìm kiếm thị trường, thu hút nhân lực, tham gia đào tạo đều là những nhu cầu sớm muộn sẽ đến trong vòng đời phát triển của một startup thành công. Do vậy, theo TS.Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC – Bộ KH&CN), một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà nước về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là xây thêm nhiều con đường chính thống hơn cho startup đầu tư ra nước ngoài. Ông cho biết mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam cần hình thành khoảng 30 tổ hợp trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chất lượng cao (phát triển công nghệ, thuế, sở hữu trí tuệ, gọi vốn, kết nối thị trường…), tại đó các tổ hợp này sẽ hợp tác chặt chẽ với những trung tâm đổi mới sáng tạo lớn của quốc tế nhằm tạo ra các kênh trao đổi thường xuyên cho startup Việt tham gia. Đến năm 2025 nhà nước kì vọng sẽ kí kết được với 5 trung tâm lớn của quốc tế và đến năm 2030 là 10 trung tâm.

Xu hướng trao đổi startup Việt với thế giới được khởi động từ một quyết định hết sức táo bạo của Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 dựa trên sáng kiến của nhà đồng sáng lập tổ chức tăng tốc khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley bà Nguyễn Phi Vân, nhằm ra đời chương trình “Runway to the World” để tuyển chọn và đưa startup Việt Nam sang “nằm vùng” vài tháng ở các quốc gia phát triển, đồng thời đưa các startup nước ngoài đến Việt Nam để tìm hiểu và mở rộng thị trường. Chương trình được điều hành bởi vườn ươm khởi nghiệp SIHUB thuộc Sở KH&CN TP.HCM và đối tác Shinhan Future’s Lab thuộc ngân hàng Shinhan, Hàn Quốc. Ngay năm đầu triển khai, Runway to the World đã đưa 9 doanh nghiệp Việt Nam sang Malaysia và Singapore, đồng thời đưa 6 doanh nghiệp của Malaysia, Singapore và Hàn Quốc sang Việt Nam học tập và nghiên cứu thị trường. SIHUB đang từng bước mở rộng liên minh với nhiều đối tác khác như Đức và Phần Lan.

Thành công của SIHUB là thí điểm để Bộ KH&CN thành lập các chương trình tương tự với quy mô cả nước. Năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại những hệ sinh thái phát triển như Hoa Kỳ (7 - 14/9); Hàn Quốc (3 - 9/11) và Singapore (10 - 14/11) nhằm quảng bá startup và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với thế giới. Trong từng sự kiện, các nhà quản lý khu vực công đã thương thuyết và thiết lập được cơ chế hợp tác, đào tạo và trao đổi nguồn lực với nhiều đối tác tư nhân quốc tế.

Cụ thể, Cục NATEC đã kí biên bản hợp tác với quỹ Pegasus Tech Venture (Mỹ) để trở thành đại diện tổ chức cuộc thi Startup World Cup vùng; kí biên bản với trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Ai20X (Mỹ) để đặt đại diện của Hệ sinh thái Việt Nam tại thung lũng Silicon làm đầu mối hỗ trợ cho startup người Việt tại Mỹ; ký biên bản hợp tác về đào tạo và trao đổi mạng lưới với trường cao đẳng tổng hợp Temasek (Singapore) và đang trong quá trình đàm phán với Trung tâm khởi nghiệp Seoul và các quỹ đầu tư Hàn Quốc. Techfest quốc tế dự kiến sẽ vẫn được tổ chức trong năm 2020 và hướng tới các thị trường mới như châu Âu. Trước đó, tại Techfest 2018 ở Đà Nẵng, Cục NATEC cũng ký biên bản ghi nhớ với Enterprise Singapore, ACE, Startup Thailand, MaGIC – đều là các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực khởi nghiệp hoặc các mạng lưới lớn do chính phủ bảo trợ, có tầm ảnh hưởng chủ chốt trong từng hệ sinh thái ở mỗi quốc gia và quốc tế.

Trong quá trình xây dựng các hành lang trao đổi startup, các cơ quan quản lý cũng nhận ra và tháo gỡ một số vướng mắc về pháp lý, đặc biệt về trao đổi nguồn lực xuyên biên giới. Thông thường, “việc tổ chức sự kiện ở nước ngoài và hỗ trợ cho doanh nghiệp đi hầu như sẽ bị loại bỏ vì cơ chế tài chính - chỉ có cán bộ nhà nước đi mới được, trong khi doanh nghiệp startup là đối tượng quan trọng nhất lại rất khó và không được hỗ trợ”, ông Phạm Hồng Quất chia sẻ. Mỗi sự kiện techfest quốc tế năm 2019 chỉ đưa được 7-8 doanh nghiệp xuất sắc, họ phải tự bỏ chi phí đi theo.

Startup Việt thường là những bạn trẻ có ý tưởng tốt, nhiều hoài bão, nhưng thường rất thiếu vốn để thực hiện các giai đoạn quan trọng như R&D hay mở rộng thị trường. Mặc dù nhiều địa phương quan tâm đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã công bố dành ngân sách để hỗ trợ khởi nghiệp, có những nơi lên tới hàng trăm tỷ như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh nhưng nếu không có cơ chế chi tiền thì họ cũng khó lòng triển khai các chương trình quốc tế như “nhúng” startup Việt vào môi trường nước ngoài hay mời được các chuyên gia quốc tế tốt về Việt Nam.

Để tháo gỡ một phần “nút thắt” này, các cơ quan hỗ trợ khởi nghiệp đã nỗ lực cho ra đời Thông tư số 45/2019/TT-BTC quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844). Thông tư có hiệu lực từ tháng 9/2019 đã hình thành thêm cơ sở pháp lý cho phép địa phương sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ khởi nghiệp. Hai điểm nổi bật liên quan đến kết nối quốc tế là không giới hạn mức trần kinh phí thuê chuyên gia nước ngoài để thực hiện hoạt động đào tạo hoặc kết nối, và nhà nước hỗ trợ trực tiếp tối đa 50% chi phí cho startup tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở nước ngoài. Các nhà quản lý hi vọng những hoạt động trên sẽ hỗ trợ startup Việt vươn ra nước ngoài ngày càng mạnh mẽ.

Ngô Hà/Theo Khoa học & Phát triển


Xem thêm