Nên phân chia vốn chủ sở hữu thế nào giữa các founder?

   

Michael Seibel từng khởi nghiệp thành công với nền tảng phát trực tuyến Justin.tv (sau này đổi thành Twitch) và Socialcam (đã bán lại cho Autodesk năm 2012) trước khi trở thành CEO của Y Combinator. Trong sự nghiệp của mình, ông từng gặp nhiều câu hỏi của các founder liên quan đến vốn chủ sở hữu. Dưới đây là lời khuyên của Michael liên quan đến việc phân chia vốn chủ sở hữu giữa các founder trong startup.

How-to-find-a-co-founder-for-your-startup-Banner.jpg

Những quan điểm sai lầm về việc phân chia vốn chủ sở hữu giữa các đồng sáng lập

  • Các startup thường mất từ 7 đến 10 năm để trở thành một công ty lớn mạnh vì thế những khác biệt trong năm đầu tiên không thể đưa ra làm lý do biện minh cho việc phân chia vốn chủ sở hữu giữa các founders từ năm thứ hai tới năm thứ 10.

  • Hầu hết các startup đều thất bại khi quan niệm rằng founder nào sở hữu nhiều cổ phần hơn thì sẽ có nhiều động lực làm việc hơn. Động lực để sống chết cùng startup là điều bắt buộc để startup có thể thành công cho nên việc sở hữu miếng bánh to hơn mà thiếu khao khát thành công thì cũng sẽ đi đến thất bại mà thôi.

  • Các nhà đầu tư thường nhìn vào tỉ lệ sở hữu của các đồng sáng lập để đánh giá giá trị các founder. Điều đó có nghĩa là nếu bạn đánh giá thấp đồng sáng lập của mình thì những người khác cũng sẽ làm tương tự bạn. Nếu bạn chỉ cho đồng sáng lập của mình sở hữu 10% hay 1% doanh nghiệp thì những người khác sẽ nghĩ rằng anh ta không đủ giỏi hoặc không có ảnh hưởng trong công ty. Năng lực của những người sáng lập thường là lý do để các nhà đầu tư chọn đầu tư vào startup hoặc không. Tại sao họ phải đầu tư vào một nhóm sáng lập mà bản thân bạn cũng không đánh giá cao?

  • Startup là thực thi chứ không phải ý tưởng. Thông thường các startup thường mắc phải sai lầm là chia vốn chủ sở hữu cho người đưa ra ý tưởng ban đầu nhiều hơn mà không ý thức việc quan trọng hơn cả là người/nhóm có khả năng đưa sản phẩm ra thị trường và tạo ra sức hút ban đầu của sản phẩm.

Michael Seibel

Michael Seibel

Chia vốn chủ sở hữu bằng nhau cho các đồng sáng lập bởi tất cả công việc còn ở phía trước

Trong những năm khởi nghiệp và làm việc tại Y Combinator, lời khuyên của tôi dành cho các startup là chia vốn chủ sở hữu bằng nhau cho tất cả các đồng sáng lập. Điều này có thể gây tranh cãi. Song lý do là họ chính là những người mà bạn chiến đấu cùng, là người mà bạn dành thời gian sống và làm việc cùng còn nhiều hơn cả những người thân trong gia đình. Họ cũng chính là người cùng bạn đưa ra các quyết sách quan trọng trong công ty và là người sẽ ăn mừng cùng bạn khi thành công.

Tôi tin rằng việc chia vốn chủ sở hữu bằng nhau giữa các đồng sáng lập nên là tiêu chuẩn của startup. Nếu bạn không muốn làm vậy thì có lẽ bạn đã chọn sai đồng sáng lập của mình.

Còn nếu bạn lo lắng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn phải chia tay với người đồng sáng lập, hãy đảm bảo rằng bạn có một thỏa thuận phù hợp. Tại Thung lũng Silicon, một thỏa thuận điển hình là dành cho bốn năm. Cụ thể là bạn hữu 50% công ty trên giấy tờ, nhưng nếu bạn rời đi hoặc bị sa thải trong vòng một năm, bạn sẽ ra đi mà chẳng có gì cả. Sau thời điểm một năm, bạn nhận được 25% cổ phần của mình. Mỗi tháng sau đó, bạn nhận được thêm 1/4 cổ phần của mình. Bạn chỉ có thể sở hữu toàn bộ cổ phần của mình vào cuối năm thứ tư. Điều này đảm bảo rằng những người sáng lập là người phù hợp cho chặng đường dài – và nếu có vấn đề, bạn có thể khắc phục nó mà không gây thiệt hại trong năm đầu tiên. Một biện pháp dự phòng tốt khác là chỉ có CEO nắm giữ ghế trong hội đồng quản trị trước khi huy động vốn. Điều đó sẽ ngăn ngừa các tranh chấp giữa các thành viên hội đồng quản trị trong các quyết định khó khăn, chẳng hạn như trong trường hợp CEO phải sa thải một người đồng sáng lập.

Tú Oanh

Theo Y Combinator