Sở KH&CN TP.HCM tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển KHCN để chuyển đổi số

   

Sở KH&CN TP.HCM sẽ đồng hành và cùng tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp trong việc chi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi số.

chuyen-doi-so-sau-sac-15883811506501632496574.jpg

Sáng 22/9, Sở KH&CN TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Đề xuất giải pháp giúp các doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi số”. Hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi số.

Phát biểu tại hội thảo, bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết với bất cứ doanh nghiệp nào để phát triển bền vững, là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm đến vấn để chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước, nhất là phát triển các mô hình kinh doanh phi tiếp xúc truyền thống, hội họp trực tuyến, điều hành từ xa, thương mại điện tử… “Đây thực sự là cơ hội để doanh nghiệp nhận ra điểm mạnh của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa quá trình chuyển đổi số”, bà Hải nhận định.

Theo bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết với bất cứ doanh nghiệp nào để phát triển bền vững

Theo bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết với bất cứ doanh nghiệp nào để phát triển bền vững

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019" (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek và Bain công bố năm 2019, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng nhanh và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á với trung bình tăng 38%/năm (so với 33% của cả khu vực tính) từ năm 2015.

Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển kinh tế số. Kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỉ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỉ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ…

Cũng theo bà Hải, tại TP.HCM, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM. Trong đó, UBND Thành phố giao Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất cơ chế để các doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển KH&CN phục vụ chuyển đổi số.

Cùng với triển khai Quyết định nêu trên trong giai đoạn 2021-2025, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM với mục tiêu quan trọng tăng chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân 1%/GRDP.

Để đạt được mục tiêu này, Sở KH&CN TP.HCM sẽ đồng hành và cùng tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN trong việc chi Quỹ phục vụ chuyển đổi số.

"Việc tăng tỷ lệ sử dụng Quỹ sẽ góp phần quan trọng thu hút nguồn đầu tư từ xã hội cho hoạt động KH&CN, đồng thời là kênh tuyên truyền hiệu quả giúp các doanh nghiệp quan tâm nhưng chưa thành lập vì còn ngại quy định thủ tục sẽ sẵn sàng thành lập Quỹ", bà Hải cho biết thêm.

Ông Phan Quốc Tuấn – đại diện Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ (Sở KH&CN TP.HCM) báo cáo tại buổi tọa đàm

Ông Phan Quốc Tuấn – đại diện Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ (Sở KH&CN TP.HCM) báo cáo tại buổi tọa đàm

Trong thời gian sắp tới, Sở KH&CN TP.HCM sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng Quỹ để phục vụ chuyển đổi số, qua các hoạt động như: tập huấn cho chủ doanh nghiệp về chuyển đổi số, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đổi mới sản phẩm, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Bên cạnh đó là hoạt động đào tạo, tư vấn nâng cao năng lực về quản lý chất lượng, đổi mới sáng tạo, quản lý năng lượng, quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp.

Đối với những doanh nghiệp còn gặp trở ngại về quy trình, Sở sẽ cung cấp biểu mẫu, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ thành lập và sử dụng Quỹ; hướng dẫn tiếp nhận nguồn Quỹ từ doanh nghiệp vào Quỹ phát triển KH&CN của Thành phố.

Theo báo cáo của ông Phan Quốc Tuấn – đại diện Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ (Sở KH&CN TP.HCM), trong 6 tháng đầu đầu năm 2020, Sở đã nhận hồ sơ thành lập Quỹ của 3 doanh nghiệp, hướng dẫn sử dụng Quỹ cho 12 doanh nghiệp, tổng hợp vướng mắc về sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp gửi Bộ KH&CN.

Tính đến nay, Sở đã hỗ trợ cho 505 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố về thành lập, trích lập, sử dụng Quỹ và có 120 doanh nghiệp báo cáo thành lập Quỹ với tổng số tiền trích Quỹ hơn 4.142 tỷ đồng, số tiền chi sử dụng Quỹ hơn 1.123 tỷ đồng.

Đây là một con số khá nhỏ trong số các doanh nghiệp mạnh về khoa học và công nghệ ở Thành phố, nên cần có phương pháp tiếp cận phù hợp hơn, để doanh nghiệp cùng đồng hành với Sở. Chẳng hạn, tạo dựng mạng lưới kết nối xuyên suốt không ngừng giữa Sở và doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng ngắt quãng thông tin, mất đầu mối liên hệ khi doanh nghiệp có sự thay đổi nhân sự. Từ đó, các bên có điều kiện phối hợp tốt hơn, phục vụ tốt hơn cho công tác hoạch định và xây dựng chính sách.

Hoàng Anh