Kỹ năng không thể thiếu của những nhà khởi nghiệp thành công: Theo đuổi mục tiêu dài hạn
Bạn muốn doanh nghiệp mình đạt tới đích nào sau 3 đến 5 năm nữa? Bạn muốn doanh nghiệp mình trở thành loại doanh nghiệp gì? Bạn sẽ đo lường thành công dựa trên những tham số gì? Những mục tiêu của doanh nghiệp bạn là gì?
Có nhiều bài nghiên cứu viết về những lợi ích của một công ty biết đưa ra tầm nhìn, nêu ra sứ mệnh, mục tiêu, chỉ tiêu, giá trị, nguyên tắc, lý tưởng, niềm tin,... Có điều, việc này có thể làm phức tạp hóa vấn đề. Tuy vậy, sẽ là đơn giản và đầy đủ hơn khi bạn bám sát vào hai trong số những yếu tố trên: Mục tiêu và chỉ tiêu.
Mục tiêu là cái mà công ty bạn nhắm tới và được mô tả bằng ngôn từ. Chỉ tiêu là đích bạn nhắm tới với những con số được đo lường để xem liệu mục tiêu đó có đạt được hay không. Một trong những mục tiêu của bạn có thể là trở thành một nhà cung cấp các dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm tại khu vực bạn sinh sống. Những chỉ tiêu để hiện thực hóa mục tiêu đó có thể là: đạt được tỷ lệ khách hàng “rất thỏa mãn” là 30% trước năm 2015 và 35% trước năm 2017, tỷ lệ “thỏa mãn” là 80% hay nhiều hơn vào trước năm đó. Các mục tiêu đều có phương hướng và các chỉ tiêu đều cụ thể. Các mục tiêu nên vượt lên tầm nhìn ngắn hạn và xác định vị trí của công ty về dài hạn. Các chỉ tiêu nên SMART, có nghĩa là cụ thể (Specifc), đo lường được (Measurable), có thể đạt được (Attainable), phù hợp (Realistic), và trong một thời gian biểu nào đó (Time-bound) – chúng ta sẽ thảo luận rõ hơn ở phần dưới đây.
Các đích đến khác có thể dễ dàng được lồng ghép vào các mục tiêu và chỉ tiêu đơn giản.
• Sứ mệnh – về lý thuyết, là những gì phân biệt công ty bạn với các công ty đối thủ; trên thực tế, bạn có thể xem đây như là một mục tiêu.
• Tầm nhìn – về lý thuyết, là nơi công ty bạn nhắm tới hoặc muốn trở thành; một lần nữa, bạn có thể xem nó như là một mục tiêu khác.
• Giá trị (hay niềm tin, lý tưởng, hoặc nguyên tắc) – về lý thuyết, là một tập hợp những niềm tin và nguyên tắc hướng dẫn cách công ty bạn đáp ứng khi có những đòi hỏi về đạo đức, đạo lý, sự an toàn, sức khỏe, môi trường, hoặc những thứ liên quan tới giá trị khác có thể xung đột với mục tiêu tối đa hóa giá trị của cổ đông; trên thực tế, đây có thể được nhận diện như là một mục tiêu riêng biệt.
Đề ra những mục tiêu dài hạn và những chỉ tiêu “thông minh” là nhiệm vụ thiết yếu trong việc xây dựng và phát triển chiến lược.
Đề ra những mục tiêu dài hạn
Đề ra mục tiêu là nền tảng của chiến lược kinh doanh. Mục tiêu nên là cơ sở của từng sáng kiến chiến lược chính của công ty trong quãng thời gian trên dưới 5 năm.
Sau đây là những điều quan trọng bạn cần cân nhắc khi đề ra mục tiêu:
• Mục tiêu khác với chỉ tiêu.
Mục tiêu nên dài hạn – những mục tiêu ngắn hạn hầu như không có giá trị trong việc phát
triển chiến lược.
• Mục tiêu quan trọng nhất là mục tiêu mang tính khích lệ nhất.
• Những mục tiêu tài chính cần giữ được sự cân bằng giữa lợi ích của cổ đông và lợi ích của
các tổ chức/cá nhân liên quan mật thiết đến doanh nghiệp.
• Những mục tiêu liên quan tới giá trị cũng quan trọng không kém.
Mục tiêu của bạn có thể là trở thành một nhà cung cấp chi phí thấp ở một phân khúc quan trọng. Như thế, một chỉ tiêu đi kèm có thể là giảm 15% chi phí sản xuất ở phân khúc này trong vòng 3 năm. Thứ hai, hãy hình dung những mục tiêu ngắn hạn như là những gì nằm bên trong và đằng sau ngân sách của năm nay. Những mục tiêu này có thể quan trọng trong giai đoạn ngắn, ví dụ: giữ cho vị trí trên thị trường tài chính của doanh nghiệp ổn định, đáp ứng đúng yêu cầu của sếp; hoặc: được khen thưởng vì thành tích tốt.
Những gì nằm ở phạm vi ngân sách này có thể tác động rất ít đến việc phát triển chiến lược. Chiến lược xem trọng những xu hướng đòi hỏi của thị trường và những lực lượng cạnh tranh trong ngành, trong một thời gian dài thay vì chỉ là ngắn hạn. Sẽ không có ích gì khi thúc đẩy kinh doanh để cạnh tranh mãnh liệt trong ngắn hạn để rồi chỉ nhìn thấy mức cầu của mình bị giảm sút hoặc mất đi tính cạnh tranh trong trung và dài hạn.
Thứ ba, việc đề ra mục tiêu cũng phải mang tính khích lệ. Những mục tiêu hướng tới thị trường hoặc khách hàng thường có tính khích lệ nhất đối với lực lượng bán hàng và dễ dàng được giám sát. Những dữ liệu thị phần được thu thập mau chóng và dễ dàng bởi các doanh nghiệp lớn. Ví dụ mục tiêu trở thành doanh nghiệp thống lĩnh thị trường trong một phân khúc cụ thể nào đó trong vòng 3 năm. Mục tiêu làm thỏa mãn khách hàng hoặc giữ chân khách hàng cũng có thể có tác dụng khích lệ tương tự.
Những mục tiêu hành động của tổ chức có thể giúp khích lệ các đội nhóm. Chúng thậm chí dễ giám sát hơn so với những mục tiêu liên quan tới thị trường. Nếu mục tiêu là trở thành doanh nghiệp cung cấp sản phẩm có giá thấp nhất trong một phân khúc trong vòng 5 năm, thì nó có thể tiếp sinh lực để một đội ngũ cải thiện thành tích của họ. Sự tiến bộ của doanh nghiệp trong việc giảm chi phí hoạt động có thể được theo dõi theo thời gian, và được so sánh với các đối thủ nhiều lần hằng năm.
(Tham khảo “Lập chiến lược kinh doanh tối giản” tác giả Vaughan Evans)
Nhân Duyên