Kỷ nguyên AI: Tương lai nhân loại về đâu khi công nghệ “biết suy nghĩ”?


Tựa sách “Cuộc cách mạng AI” của tác giả Brett King sẽ cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về những thay đổi công nghệ trong những năm gần đây và phần nào rút ra những bài học cần thiết để có thể hướng đến tương lai mà không bị tương lai đó nhấn chìm.

1.jpg

Ngày nay, sự thay đổi về công nghệ đang diễn ra với tốc độ chóng mặt và theo dự đoán, chỉ trong vòng hai đến ba thập niên nữa, nhân loại sẽ trải qua nhiều thay đổi hơn một nghìn năm trước đây cộng lại. Những thay đổi ở cường độ này thường mang lại nhiều cơ hội đáng kinh ngạc, nó cũng tác động đến nhiều khía cạnh của xã hội và thậm chí trong nhiều trường hợp còn mang tới bạo lực.

Như chúng ta đã biết, cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên diễn ra tại Anh vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ XVIII với sự ra đời của máy hơi nước nhằm đáp ứng nhu cầu dệt may thời đó. Động lực của cách mạng công nghiệp lần thứ I là động cơ đốt trong và máy móc.

Tuy nhiên, chỉ cần khoảng 120 năm (tức năm 1879), tại phòng thí nghiệm ở Menlo Park, Thomas Alva Edison – một nhà phát minh nổi tiếng của nhân loại – đã chế tạo ra bóng đèn sợi đốt. Và chỉ cần khoảng 90 năm sau (năm 1969), con người đã bước chân lên mặt trăng.

Đặc biệt, chỉ khoảng 20 năm tiếp theo (1989), con người đã phát minh ra World Wide Web – giao thức truyền tải siêu văn bản (HTTP) – đã mở ra một thời kỳ bùng nổ về Internet. Đây được xem là một trong những thời kỳ ảnh hưởng cực lớn đến sự phát triển của nhân loại. Với hệ thống mạng Internet khổng lồ, mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận đến thông tin đang diễn ra ở nửa kia bán cầu chỉ trong nháy mắt.

Khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta đã nghe nhiều về tự động hóa, robot và AI (trí tuệ nhân tạo). Chúng ta đã chứng kiến được một tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt và theo như kỹ sư trưởng của Google – Ray Kuzweil tiên đoán thì đến năm 2045 sẽ xuất hiện một kỷ nguyên mới gọi là “Thời đại Trí năng tăng cường” (Augmented Age). 

Thời đại này sẽ mở ra một quá trình hoàn toàn mới, khiến con người phải suy nghĩ lại về các quá trình liên quan đến việc quyết định linh hoạt, nhận dạng mẫu và các dịch vụ tư vấn, bởi trí thông minh nhân tạo sẽ tối ưu hóa các quy trình và các luồng thông tin phản hồi.

Mặc dù con người đã và đang học cách thích ứng với sự biến đổi liên tục của công nghệ, nhưng trong vòng hai đến ba thập niên nữa, nhân loại sẽ trải qua nhiều thay đổi hơn 1.000 năm trước cộng lại. Chúng ta sẽ có công nghệ chữa mọi bạo bệnh, thậm chí kéo dài tuổi thọ; làm ra những cỗ máy có khả năng bắt chước hoặc vượt xa trí tuệ con người; sẽ có những chiếc xe tự lái; những con người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa và có các công nghệ cần thiết để sinh sống lâu dài trên hành tinh này với nguồn năng lượng dồi dào cùng sự phong phú sẽ xuất hiện.

Tương lai đó thoáng nhìn có vẻ lạc quan lâu dài, nhưng trong quá trình ấy, liệu rằng con người có rút ra bài học cụ thể nào để phản ứng trước những hành vi tiêu cực của trí tuệ nhân tạo, dẫn đến việc tạo ra các cỗ máy chống lại con người như “Skynet” trong bộ phim The Terminator – “Kẻ hủy diệt” từng làm mưa làm gió trên màn ảnh.

Vậy những tiến bộ công nghệ này tốt hay xấu? Liệu những thay đổi đang diễn ra sẽ mang nhân loại đến một thời kỳ hoàng kim mới, hay dẫn tới một thời kỳ đổ vỡ lớn hơn?.

Tựa sách “Cuộc cách mạng AI” của tác giả Brett King sẽ cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về những thay đổi công nghệ trong những năm gần đây và phần nào rút ra những bài học cần thiết để có thể hướng đến tương lai mà không bị tương lai đó nhấn chìm.

Sách do nhà xuất bản SaiGon Books phát hành, hiện có bán tại các nhà sách trên phạm vi toàn quốc với giá bìa khuyến nghị 180.000 đồng.

Đức Tiến


Xem thêm