“Tư duy ngược dịch chuyển thế giới”: Ở bờ bên kia của ý tưởng

   

“Tôi không nghĩ chúng ta thiếu vắng ý tưởng sáng tạo trên thế giới này. Mà sự thiếu vắng đến từ việc con người không biết cách làm sao để hiện thực hoá chúng”, Adam Grant trả lời tờ Washington Post.

maxresdefault.jpg

Năm 2009, trong khi giảng dạy tại trường Wharton, vị giảng viên trẻ tuổi Adam Grant được tiếp cận bởi một sinh viên tên Neil Bluementhal. Neil là một trong 4 nhà sáng lập của Warby Parker, muốn thuyết phục Adam Grant đầu tư vào startup kinh doanh mắt kính trực tuyến này.

Adam ấn tượng với ý tưởng bán mắt kính online của Neil, nhưng sau khi biết được các founder không tập trung toàn bộ thời gian của họ để hiện thực hoá ý tưởng đó, Adam đã nói không. Thời điểm ấy, Adam tin rằng một nhà sáng tạo không thể thành công khi không chấp nhận mọi rủi ro để biến ý tưởng thành thực tế, trong trường hợp này, là từ bỏ công việc full-time hay việc học đề dành trọn thời gian khởi nghiệp.

Kết quả ra sao? Nhận định của Adam đã sai. Việc không “bỏ hết trứng vào một giỏ”, vừa khởi nghiệp vừa duy trì việc học hoá ra lại giúp các sáng lập viên có những bước đi những bước đi ổn định và vững chắc. Warby Parker ngày nay được định giá 1 tỷ USD, trở thành “Netflix trong ngành kính đeo mắt”.

Thương vụ đầu tư bất thành trên cho thấy ngay cả những người hiểu biết nhất cũng rất “ảo tưởng” về quá trình khởi nghiệp, hiện thực hoá một ý tưởng sáng tạo. Ta nghe nhiều về chuyện bỏ học của Bill Gates, Mark Zuckerberg, về chuyện quả táo rơi trúng đầu Newton đầy ly kỳ. Nhưng ta thực sự hiểu gì về hành trình dài, đầy mồ hôi nước mắt họ phải trải qua từ ý tưởng đến thực tế? Nhà sáng tạo làm gì để giữ sự ổn định về tài chính lẫn cảm xúc? Họ chọn lắng nghe ai khi thẩm định ý tưởng? Họ tìm đồng đội ra sao? Họ thuyết phục đám đông như thế nào để không bị xem là “gàn dở”?

warby-parker-home-tryon.jpg

Sai lầm khi không đầu tư vào Warby Parker góp phần thôi thúc Adam Grant tiến hành khám phá quá trình những nhà sáng tạo mang ý tưởng vào cuộc sống. Anh “khai quật” lại những phát minh thành công rực rỡ nhất, những thất bại đáng quên nhất, tìm hiểu hàng tá nghiên cứu tâm lý và xã hội học, kết quả được đúc kết trong Originals (tựa Việt: “Tư duy ngược dịch chuyển thế giới”).

Cuốn sách của cây bút được Malcolm Gladwell ca ngợi “là một trong những người hùng trong lĩnh vực học thuật của tôi” này là một cẩm nang sáng tạo trải dài nhiều lĩnh vực từ kinh doanh, chính trị, thể thao đến giải trí. Tác giả đưa bạn đọc bước vào phòng brainstorm ý tưởng cho một bộ phim điện ảnh, lật lại quá khứ các vận động viên bóng chày đột phá, gặp lại Steve Jobs và người phụ nữ dám thách thức ông, theo sát quá trình gọi vốn của một công ty khởi nghiệp, chứng kiến sự bế tắc của một nhân viên CIA muốn cải tiến quy trình làm việc…

Toàn bộ 360 độ cuộc sống của người sáng tạo được Adam Grant bàn đến. Không chỉ dừng lại ở bí mật nảy sinh những ý tưởng đột phá hay thói quen sáng tạo hiệu quả, anh đào sâu tìm hiểu cách họ tìm đồng minh, thuyết phục đám đông, nuôi dưỡng động lực, cân bằng cuộc sống, những ảnh hưởng của văn hoá công sở lên những kẻ đột phá... Bên cạnh đó, tác giả còn nghiên cứu cách được nuôi dưỡng khi còn bé tác động đến sự đột phá, sáng tạo của mỗi cá nhân ra sao.

2102-img_5956-101800_890.jpg

“Tư duy ngược dịch chuyển thế giới” đem lại những khám phá bất ngờ: Hóa ra, những kẻ đột phá nhất trong lĩnh vực của họ thường bình thường và ổn định trong những lĩnh vực khác của cuộc sống, hoá ra những người “quá mức cấp tiến” phải tìm cách che lấp sự cực đoan của mình đôi khi. Và hoá ra, để có một sự nghiệp sáng tạo bền vững, những cá nhân thách thức nguyên trạng còn phải là những chiến binh cảm xúc can trường, biết “kiểm soát sự lo lắng, thờ ơ, mâu thuẫn và nỗi tức giận”…

“Tôi muốn bóc trần lối tư duy tưởng tượng cho rằng sự độc đáo đòi hỏi phải chấp nhận rủi ro tột cùng và thuyết phục bạn rằng sự độc đáo thực sự còn vượt xa hơn những gì ta nhận thấy”, Adam Grant ghi trong cuốn sách.

Giữa rất nhiều những đầu sách về sáng tạo, “Tư duy ngược dịch chuyển thế giới” nổi bật vì bên cạnh ý tưởng, nó bàn những khía cạnh khác trong sự nghiệp và cuộc sống của những kẻ đột phá, những điều “ở bờ bên kia của sáng tạo”.

“Đã có hàng tá những cuốn sách sáng tạo về việc ‘làm sao để nghĩ ra một ý tưởng hay’ hay ‘đây là cách để suy nghĩ khác biệt với người khác’”, Adam Grant giải thích thêm trên tờ Washington Post, “Tôi không nghĩ chúng ta thiếu vắng ý tưởng sáng tạo trong thế giới này. Tôi cho rằng sự thiếu vắng đến từ việc con người không biết cách làm sao để hiện thực hoá chúng”.  

Bình luận về “Tư duy ngược dịch chuyển thế giới”, Sheryl Sandberg - COO Facebook - cho hay: “Anh mang đến rất nhiều lời khuyên để vượt qua sự nghi kỵ và sợ hãi, cách lên tiếng và đưa ra ý tưởng, tìm kiếm đồng minh ở những nơi tưởng như không thể. Anh đưa ra những hướng dẫn thực tế về phương pháp kiểm soát sự lo lắng, cơn giận dữ…”.

Là nhà khoa học xã hội đồng thời là cây viết tài năng, Adam Grant được biết đến với những ấn phẩm kết hợp giữa cách dẫn chuyện tài tình và lối lập luận thuyết phục.   

Adam có bằng cử nhân tại đại học Harvard, nằm trong danh sách 40 giáo sư kinh doanh dưới 40 tuổi tài năng nhất thế giới. Anh có hàng trăm công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành tâm lý và quản trị uy tín. Cuốn sách đầu tay của Adam, Give and Take (Cho và nhận), lọt top bán chạy nhất của The New York Times, được tờ Washington Post bình chọn là “quyển sách mà mọi nhà lãnh đạo đều nên đọc”, được dịch sang hơn 27 ngôn ngữ. Ngoài ra, Adam Grant còn diễn thuyết và tư vấn tại Google, Pixar, Facebook, Apple, Mircosoft, Goldman Sachs…

Nguyên Thảo