“Đốt đuốc” đi tìm nhà đầu tư thiên thần

   

Cơ hội gọi vốn của startup cũng không phải ít khi nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang nhòm ngó và “thiên thần” hay “ác quỷ” là bởi cách lựa chọn.

cac-nha-dau-tu-co-nen-dat-cuoc-vao-cac-cong-ty-khoi-nghiep1.png

Hiện quỹ đầu tư thiên thần (angel investor) chuyên nghiệp tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, cơ hội gọi vốn của startup cũng không phải ít khi nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang nhòm ngó và “thiên thần” hay “ác quỷ” là bởi cách lựa chọn.

Từ “dự án thiên thần” đến... tột độ hoang mang

Mất 5 năm trời kỳ công nghiên cứu tới đầu tư nhà máy sản xuất, hoàn thiện giấy phép… bà Bùi Thị Hồng Hà, Giám đốc Công ty CP CPART, mới đưa ra được thị trường sản phẩm Hibiscus Wine - rượu vang lên men từ cây atiso đỏ.

“Atiso đỏ được coi là cây xóa đói giảm nghèo ở miền Trung, bởi không cây nào lại thích hợp với gió Lào, đất cát trắng như thế. Hiện nay, diện tích trồng atiso của bà con ở Bình Thuận đã lên khoảng 100ha, tuy nhiên công suất của nhà máy chỉ có thể bao tiêu khoảng 10ha. Tôi cũng đã mang sản phẩm sang Thái Lan chào hàng và rất được yêu thích. Do đó tiềm năng còn rất lớn”, nữ giám đốc cho hay.

Thuyết minh về sản phẩm của mình với niềm đam mê xen lẫn tự hào, song bà Hà cho biết vấn đề CPART gặp phải chính là quy mô sản xuất còn nhỏ, nhà máy lại đặt tại Hà Nội, cách xa vùng nguyên liệu… Hơn lúc nào hết, bà cần tìm nhà đầu tư “chung lưng đấu cật” nhằm phát triển sản phẩm, đưa nhà máy vào Bình Thuận, nâng quy mô gấp 10 lần so với hiện tại.

Thế nhưng cả 3 lần gặp 3 nhà đầu tư, chủ nhân rượu Hibiscus đều bị “đánh tụt xuống mặt đất”. “Các nhà đầu tư họ đều quan niệm xóa đói giảm nghèo là vấn đề của xã hội chứ không phải câu chuyện kinh doanh, không thể lấy giá trị xã hội cộng vào giá bán. Do đó họ bắt tôi phải cắt cái này, giảm cái kia… toàn những điều tôi thấy không hợp lý”, bà Hà chia sẻ.

Được biết, Hibiscus Wine hiện đang bán trên kệ với giá từ 150-480 nghìn đồng/chai 750ml tùy từng sản phẩm. Giá bán này được nhà đầu tư đánh giá quá cao, không phù hợp với túi tiền của khách hàng.

“Từ vùng nguyên liệu tới nhà máy, tôi đã bỏ ra hơn 10 tỷ đồng vốn đầu tư nhưng tới nay vẫn chưa thu lại một đồng nào. Doanh thu bán hàng được bao nhiêu lại đem ra chi hết sạch. Giá bán hiện nay chưa có lãi vậy mà nhà đầu tư còn bắt tôi phải giảm còn 1/3 thậm chí 1/6 thì lấy đâu vốn duy trì? Trước khi gặp nhà đầu tư tôi cứ nghĩ dự án của mình là “thiên thần” nhưng sau khi gặp lại thấy hoang mang tột độ, không biết mình đang đứng ở đâu…”, bà Hà chia sẻ.

20141119212947-shutterstock-209434537.jpeg

“Đừng hỏi nhà đầu tư muốn gì”

Cùng thời gian gọi vốn như bà Hà, nhưng Nguyễn Tuấn Phú, người sáng lập CNV Loyalty lại nổi lên trở thành hiện tượng trong giới startup Việt khi được shark Bình (Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech) rót vốn 11 tỷ đồng, sau dịch bệnh Covid-19.

Chia sẻ về cú bắt tay “hữu duyên” này, Nguyễn Tuấn Phú cho hay: “Đúng thời điểm CNV Loyalty cần một người đồng hành hơn là một người chỉ có tiền thì thật may mắn ở Shark Bình có cả hai!”.

Không giống như những startup khác, dịch Covid-19 lại cho CNV Loyalty cơ hội quảng bá sản phẩm ra thị trường nhanh hơn.

“Còn nhớ trước khi chính thức bán ra thị trường, cả năm 2019, tôi đã phải mất rất nhiều công sức để “kêu gào” cho Loyalty là gì, tại sao phải chăm sóc khách hàng cũ và chăm sóc bằng công nghệ như thế nào? Thế nhưng cơ hội thực sự đến khi tháng 3/2020 nền tảng chăm sóc khách hàng thân thiết trên di động được CNV Loyalty tung ra thị trường, đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát. Các chủ DN bắt đầu nhận ra khách hàng cũ mới là đối tượng quan trọng bởi họ sẵn sàng chi tiền cho sản phẩm của mình”, Nguyễn Tuấn Phú nói.

Kết quả đã có những đối tác của CNV Loyalty tăng doanh thu khoảng 400 triệu đồng/tháng từ việc ứng dụng giải pháp và tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng chi phí bán hàng. Nhờ vậy, CNV Loyalty liên tiếp tăng trưởng 25%/tháng, thậm chí có tháng doanh thu còn tăng gấp đôi so với tháng trước.

Khi nhìn ra sản phẩm tốt, tiềm năng mở rộng thị trường lớn, tháng 6/2020 CNV Loyalty quyết định gọi đầu tư với số vốn 500 nghìn USD sớm thay vì dự kiến vào cuối năm. Nhiều quỹ đầu tư lập tức liên hệ đồng ý rót vốn như yêu cầu song CNV Loyalty đã quyết định từ chối 8 quỹ, trong đó có 4 nhà đầu tư nước ngoài.

“Doanh thu đang tốt, tiền không phải là yếu tố hàng đầu, vấn đề chúng tôi cần người đồng hành nên phải cân nhắc kỹ lưỡng”, CEO sinh năm 1989 cho hay.

Cho tới khi NextTech liên hệ, một cuộc họp online với Tuấn Phú trong 45 phút diễn ra vào thứ 5 tuần trước thì đầu tuần sau, Shark Bình quyết định bay vào Sài Gòn gặp Tuấn Phú.

“Sau cuộc họp gần 2 tiếng, anh Bình khẳng định muốn đầu tư lâu dài, không đặt mục tiêu lợi nhuận trong thời gian đầu, hai bên gần như đã đạt được thỏa thuận đầu tư. Tuy nhiên, để chắc chắn, CNV Loyalty phải mất thêm gần 2 tháng để thẩm định xem số liệu kinh doanh của NextTech đưa ra có chuẩn hay không?”, Tuấn Phú chia sẻ.

Ngày 31/8, NexTech và CNV Loyalty chính thức ký hợp đồng hợp tác, 2 tháng sau, quy mô nhân sự của CNV Loyalty đã tăng gấp đôi, nhiều sản phẩm mới cũng đã được đóng gói thay vì phải chờ tới năm sau mới hoàn thiện.

“Đừng hỏi nhà đầu tư muốn gì, startup hãy tự hỏi mình muốn gì”, Tuấn Phú chia sẻ lý do vì sao chọn NextTech là “người đồng hành”: “Shark Bình đang có hệ sinh thái lớn với hơn 20 DN, CNV Loyalty có thể phát triển thị trường trong chính ngôi nhà chung này; ngoài ra CNV Loyalty cũng có thể tích hợp sâu vào cổng thanh toán điện tử của NextTech… Hiện, phía anh Bình cũng cung cấp cho chúng tôi khoảng 700 nhân viên sale giúp đẩy nhanh sản phẩm ra thị trường thay vì phải bỏ chi phí tự mở kênh chạy riêng”.

Không chỉ cung cấp vốn, nền tảng bán hàng, vị CEO trẻ còn nhận ra ở Shark Bình có đủ “bài học sai lầm” để startup tránh vấp phải trên thương trường. “Lúc này chúng tôi không đặt kỳ vọng tăng trưởng nóng như trước mà cần vừa đủ để kiểm soát; thay vì chỉ bán phần mềm, chúng tôi tập trung hoàn thiện các giải pháp, giúp khách hàng ứng dụng thành công”, Tuấn Phú nói và cho biết:

Được biết, mục tiêu của CNV Loyalty đặt ra tới 2023 đạt khoảng 10 nghìn khách hàng. Số tiền 11 tỷ đồng mà Shark Bình đầu tư chỉ đáp ứng được nhu cầu chi tiêu trong vòng 6 tháng. Do đó, CNV Loyalty dự định cuối 2021 sẽ gọi vốn lần 2 với mục tiêu đạt 2 triệu USD để mở rộng thị trường sang Philippines.

Cẩn trọng với trào lưu “bắt đáy” startup thời Covid-19

Trước băn khoăn, khi nào startup nên mở lời gọi vốn, tìm nhà đầu tư phù hợp, Nguyễn Tuấn Phú cho rằng, các Founder (người sáng lập) nên trả lời được 3 câu hỏi: Trước hết, mục tiêu của startup cụ thể trong từng giai đoạn là gì, tránh lan man vượt quá năng lực.

Thứ hai phải chứng minh mô hình kinh doanh đã ra tiền, các sản phẩm đã đủ sức hấp dẫn, khiến khách hàng bỏ tiền ra hay không? Thứ ba đội hình lãnh đạo đã đủ năng lực để nhà đầu tư đặt niềm tin rằng mình bỏ tiền vào nơi xứng đáng hay chưa?

Theo anh Phú, hiện đang có xu hướng nhà đầu tư nước ngoài vào “bắt đáy” tìm startup gặp khó bởi dịch Covid-19. Những nhà đầu tư này sẵn sàng đầu tư tài chính với điều kiện được nắm giữ tỷ lệ cổ phần cao ít nhất từ 60-65%.

Với tỷ lệ này Founder sẽ mất đi cơ hội chia sẻ cổ phần cho các đồng sáng lập và có nguy cơ mất vị trí của mình ngay từ vòng gọi vốn tiếp theo.

Trước khả năng buông bỏ để chết hoặc bán mình giá rẻ, CEO CNV Loyalty cho rằng, startup vẫn còn lựa chọn thứ 3 là hợp tác: “Các DN nhỏ hãy tìm đến với nhau, hợp lực để chia sẻ, bảo vệ nhau vượt qua khó khăn. Hỗ trợ tích hợp sản phẩn trên 1 nền tảng bán hàng là một cách làm hiệu quả. Tất nhiên sản phẩm đó phải mang tính thực dụng bán được hàng chứ không thể “mơ về ngày mai” thì không ai cứu vãn được”.

Ông Nguyễn Minh Phúc (Quản lý cao cấp của Chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp tại Quỹ Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam VIISA):

Ba từ khóa startup cần tự vấn

Những nguyên nhân chính khiến startup thất bại là thay vì phải bỏ thời gian tìm những mảnh ghép phù hợp đi cùng nhau thì startup lại thường rơi vào bẫy “thành công gấp gáp” để rồi tan rã nhanh chóng. Nhiều startup bỏ công sức, nghiên cứu xây dựng hoàn thiện sản phẩm nhưng lại quên mất bước xác minh khách hàng có nhu cầu và sẵn sàng trả tiền để sử dụng sản phẩm đó hay không?”

Có 3 từ khóa mà startup cần thường xuyên tự vấn: “Sự kiên định và cố gắng”,“Tính uyển chuyển, thích nghi” và “Đổi mới sáng tạo”. Luôn đổi mới, chuyển mình, xây dựng tiềm năng phát triển đột phá có tính khả thi, là những yếu tố mà nhà đầu tư chuyên nghiệp cần ở startup.

Hoàng Ngân - Báo GTVT