“Thất bại để thành công” - Khi thất bại cũng là một món quà
Theo các thống kê của Bloomberg, đa phần những doanh nhân khởi nghiệp thường gặp thất bại ngay giai đoạn đầu tiên. Những thất bại ấy mang đến hệ quả: có những người sẽ nhụt chí, thất vọng mà buông xuôi; nhưng cũng có những người đã tạo ra “đòn bẩy” từ chính thất bại đầu tiên ấy để vươn tới thành công sau này.
Trên các phương tiện truyền thông, khi viết về những gương doanh nhân thành đạt, đôi khi có đề cập đến thất bại của họ nhưng còn rời rạc. Trong khi đó, không có thất bại nào là vô nghĩa, mà mỗi thất bại là một món quà cho chính bản thân và những người đi sau; để từ đó họ tìm ra bài học cho mình, không gặp phải thất bại từ trước. Cuốn sách “Thất bại để thành công” ra đời với mong muốn chia sẻ một cái nhìn tổng quan và có giá trị về những bài học thất bại trong kinh doanh từ những doanh nhân lừng danh trên thế giới, từ những doanh nhân trẻ được xem là thành công ở Việt Nam và cả những bạn trẻ vừa khởi nghiệp.
Cuốn sách gồm 2 phần: Phần 1 - Các doanh nhân thế giới và Phần II - Các doanh nhân Việt Nam. Ngoài ra, sách còn mang đến một số chia sẻ từ các doanh nhân từng gặp thất bại trong khởi nghiệp.
Hai phần đầu cuốn sách mang đến 18 câu chuyện về những nhân vật đã vang danh trên thế giới cũng như Việt Nam vì tài năng và những thành công vượt trội. Chúng ta thường đánh giá thành công của người khác thông qua thành quả mà họ đạt được, ít ai biết rằng viên sôcôla ngọt ngào lại được làm nên từ những hạt ca cao đắng ngắt. Từ những câu chuyện này, người đọc có thể thấy rằng chẳng có con đường thành công nào được trải hoa hồng.
Trong số 18 nhân vật được đề cập, có những cái tên rất quen thuộc, cũng có những cái tên có thể còn lạ lẫm. Họ có những xuất phát điểm khác nhau, có người đã trải qua khó khăn từ thuở nhỏ, cũng có người có sẵn điều kiện để theo đuổi ước mơ. Song, cuộc đời họ có một điểm chung là đều nếm trải những thử thách của số phận trước khi bước lên nấc thang thành công mà mọi người thường ca ngợi. Đại diện cho các doanh nhân thế gới có: Jack Ma - “cha đẻ” của thương hiệu thương mại điện tử Alibaba; Milton Hershey - ông hoàng sôcôla nước Mỹ, Steve Jobs, Bill Gates, Henry Ford… Còn các doanh nhân Việt Nam gồm: Lê Hồng Minh - “Ironman” mê game, Trần Ngọc Thái Sơn, Đỗ Tuấn Anh, Nguyễn Thế Luân, Nguyễn Đức Tài…
Phần cuối cùng của cuốn sách là những lời chia sẻ trực tiếp từ những doanh nhân đang ngày ngày sát cánh cùng doanh nghiệp non trẻ của họ. Một số khác từ những người có kinh nghiệm hướng dẫn và tổ chức tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Những chia sẻ này thật sự quý giá, giúp những người đi sau có thêm một bài học, không phải lặp lại thất bại của người đi trước. Bởi một lẽ, không dễ dàng gì để có thể biết đến thất bại của những doanh nhân đã và đang thành công. Vì không phải ai cũng đủ dũng cảm để nhắc lại hay đối diện với thất bại trong quá khứ. Nói như Doanh nhân Loan Lily - Giám đốc Wash and Go: “Thất bại thường ít khi được chúng ta nhắc tới! Ánh hào quang của thành công dễ dàng che lấp những bài học của mình thật sâu, thật chặt để người khác không biết, không thấy mà cười chê mình. Nhưng nếu thất bại được nói ra thì sẽ là nền tảng của thành công, là bài học cho thành công”.
“Thất bại để thành công” mang đến cho bạn đọc không phải những câu chuyện thành công của những con người thành công, mà chính là những câu chuyện thất bại của những người đã và đang thành công trên con đường mà họ chọn, với một thông điệp, rằng: Ngay cả những con người thành công nhất cũng từng phải vượt qua thất bại, không ngừng vượt qua thất bại để bước tới trước, học hỏi từ thất bại, từng bước từng bước vững vàng tiến tới thành công. Vậy thì, bạn có lý do gì để sợ hãi và khước từ thất bại?
Thông qua cuốn sách này, những người thực hiện mong muốn mang lại cho bạn đọc một góc nhìn khác về sự thành công, để các bạn một lần nữa nhìn rõ gương mặt của “người thầy” luôn đứng sau mọi thành công. Đó chính là thất bại. Qua đó, bạn đọc sẽ nhận được nhiều kinh nghiệm, cũng như cảm thấy bớt đơn độc và bế tắc nếu như phải đối mặt với những thất bại và sự thất vọng vì không đạt được những mục tiêu ban đầu. Như Reed Hasting đã từng nói: “Bạn chỉ có thể học được 1 trong số 99 điều cần tránh khi thất bại, do vậy tôi cho rằng thất bại rồi học từ thất bại của bản thân không phải cách tối ưu. Tôi nghĩ, tốt hơn là ta nên học từ thất bại của những người khác”.
Quỳnh Anh