Thêm chi tiết thương vụ TikTok – Oracle

   

Thành phần trong Hội đồng quản trị của công ty Tik Tok tại Mỹ và một ủy ban an ninh sẽ chỉ có công dân Mỹ.

tiktok-se-tro-thanh-mot-cong-ty-my-thuoc-so-huu-cua-oracle-2-4012501_1692020.jpg

CNN mới đây đã dẫn các nguồn tin tiết lộ về cấu trúc hội đồng quản trị ở công ty mới của Tik Tok tại Mỹ được nêu trong đề xuất thương vụ giữa ByteDance và Oracle.

Thỏa thuận của ByteDance và Oracle sẽ quy định chi tiết về thành phần Hội đồng quản trị của Tik Tok tại Mỹ.

Cụ thể, theo nguồn tin quen thuộc với thương vụ này, Tik Tok cũng sẽ trở thành một công ty toàn cầu có trụ sở chính tại Mỹ. Oracle sẽ lưu trữ dữ liệu người dùng của Tik Tok và xem xét mã của Tik Tok để bảo mật. Thỏa thuận này nhằm thỏa mãn những lo ngại về an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ về ứng dụng này.

Theo người này, một thành viên Hội đồng quản trị của công ty Tik Tok mới sẽ là một chuyên gia về bảo mật dữ liệu. Người này sẽ nắm giữ các vấn đề tối mật. Người được bổ nhiệm đó cũng sẽ chịu trách nhiệm chủ trì một ủy ban an ninh mà các thành viên sẽ là công dân Mỹ được chính phủ Mỹ phê duyệt riêng, người này nói.

Người này cho biết, công ty toàn cầu mới này dự kiến sẽ nộp hồ sơ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong khoảng 12 tháng, với kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Theo nguồn tin, Walmart cũng có thể vẫn có vai trò trong thỏa thuận với tư cách là một nhà đầu tư thiểu số và là đối tác thương mại điện tử. Dẫu vậy chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

Theo người này, nếu trở thành nhà đầu tư thiểu số, Walmart có thể sẽ có được một ghế trong hội đồng quản trị.

Các công ty hiện vẫn cân nhắc thỏa thuận kinh doanh phức tạp cho đến thời hạn cuối của Tik Tok vào ngày 20/9.

Theo như các thỏa thuận này, Tik Tok sẽ không bán bí mật thuật toán của mình cho công ty Mỹ.

Như vậy, thỏa thuận sẽ đảm bảo được cả các quy định từ phía Trung Quốc, cấm xuất khẩu công nghệ Trung Quốc ra nước ngoài trừ khi có giấy phép của chính quyền ở Bắc Kinh.

Hai trong số cáo buộc an ninh đối với Tik Tok hiện nay, bao gồm việc tình báo Trung Quốc có thể thu thập và khai thác thông tin cá nhân của công dân Mỹ và Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng truyền thông đến công chúng Mỹ.

Về khía cạnh rò rỉ thông tin cá nhân, Tik Tok hiện đang thu thập thông tin mà người dùng cung cấp trên phương tiện truyền thông xã hội, dịch vụ của bên thứ ba và các bên tham gia khác của nền tảng. Tik Tok cũng tự động thu thập thông tin sử dụng thiết bị, như vị trí, tin nhắn, cookie trình duyệt hay thói quen người dùng giống như các nền tảng khác.

Trước đây, ứng dụng cũng tìm cách truy cập vào khay nhớ tạm thời của điện thoại, nơi vốn chứa mật khẩu người dùng, song hiện nay tính năng này đã bị loại bỏ.

Mặc dù chưa có bằng chứng việc chính quyền Trung Quốc đã có được dữ liệu mà Tik Tok thu thập, song nguy cơ an ninh quốc gia vẫn rất hiện hữu bởi theo luật pháp Trung Quốc, các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc có nghĩa vụ cung cấp tất cả thông tin hoạt động của mình theo Luật An ninh mạng năm 2017.

Trong ngắn hạn, dữ liệu của Tik Tok đa số thuộc về nhóm thanh niên trẻ, nên giá trị của chúng với chính phủ Trung Quốc có phần nào còn hạn chế.

Ngoài ra, Tik Tok cũng đang thực hiện các bước đi nhằm độc lập hơn khỏi Trung Quốc đại lục. Bản thân Tik Tok không được phát hành tại Trung Quốc mà có một phiên bản khác dành riêng cho thị trường này, mang tên Douyin. Dữ liệu của Tik Tok cũng được lưu trữ tại Singapore và Virginia. Và Tik Tok cũng đã ngưng hoạt động tại Hong Kong sau khi Luật An ninh quốc gia có hiệu lực tại đây.

Bất chấp các động thái này, phía Mỹ vẫn cho rằng Tik Tok vẫn tiềm ẩn nguy cơ bảo mật và tìm mọi cách để ngăn ByteDance có quyền truy cập vào dữ liệu của công dân Mỹ.

Lý do thứ hai mà Mỹ quan ngại về Tik Tok là các hoạt động gây ảnh hưởng truyền thông của chính phủ Trung Quốc.

Bản thân ByteDance cũng đã có lịch sử hợp tác với chính phủ Trung Quốc trong quá khứ. Phiên bản Tik Tok tại Trung Quốc của ByteDance, Douyin, cũng thường được chính phủ Trung Quốc sử dụng để tuyên truyền quan điểm nhà nước.

Mặc dù vậy, các kỹ thuật tuyên truyền này cũng chưa được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và thanh thiếu niên Mỹ cũng ít bị ảnh hưởng bởi các hoạt động tuyên truyền này hơn do những sai lầm trong các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc trước đây.

Là ứng dụng hoạt động tại thị trường Mỹ, Tik Tok cũng phải tuân thủ Luật tự do ngôn luận hoặc Luật kiểm duyệt tại đây. Nước Mỹ cũng có những hạn chế riêng về giới hạn tự do ngôn luận, song bản thân các công ty tư nhân cũng có thể tự kiểm duyệt riêng các nội dung đăng tải trên nền tảng của họ.

Điều này làm dấy lên lo ngại, Tik Tok có thể góp phần ngăn chặn các nội dung truyền thông có thể gây bất lợi cho chính phủ Trung quốc. Mặc dù Tik Tok tuyên bố mình không kiểm duyệt các nội dung nhạy cảm liên quan đến chính quyền Trung Quốc, song mới đây, một tài khoản người dùng tại Mỹ lên án việc giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc đã bị khóa.

Kết hợp với việc các video về cuộc biểu tình ở Hồng Kông (Trung Quốc) bị hạn chế phổ biến một cách đáng ngờ, đã dấy lên lo ngại về việc Tik Tok đang tự kiểm duyệt các nội dung gây bất lợi cho Trung Quốc.

Trong vấn đề của Tik Tok hiện nay, giới phân tích đánh giá, có thể coi Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đang mềm mỏng hơn khi vẫn mở đường cho Tik Tok tiếp tục được hoạt động nếu ứng dụng được bán cho một doanh nghiệp của Mỹ trước ngày 15/9. Dự kiến chính quyền ông Trump sẽ đưa ra câu trả lời trước ngày sắc lệnh chính thức có hiệu lực đối với Tik Tok là ngày 20/9.

Long Vịnh