Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ: Xây công ty công nghệ xanh và sạch

   

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ tạo dựng doanh nghiệp khoa học công nghệ ở Trà Vinh, với 80% sản phẩm xuất khẩu đi 40 nước.

ong_my_AZWO.JPG

Trong khuôn viên nhà máy sản xuất bản in offset của tập đoàn Mỹ Lan ở khu công nghiệp Long Đức, tấm bảng ở góc vườn cạnh sân tennis mang dòng chữ tiếng Việt và Anh “Bộ máy sống/Living Machine.” Trong khu vực đó, bên cạnh vạt cỏ Vetiver có nguồn gốc từ Ấn Độ là đám cây bần cao ngang ngực người.

Giữa các bụi cỏ là chiếc ao nhỏ, nước lúp xúp, cá bơi lượn tung tăng. Thả một ít thức ăn cho cá, cô Phan Thị Vân Hà, nhân viên phòng Nhân sự của tập đoàn Mỹ Lan nói: “Khu này chuyên xử lý nước thải dựa trên cơ chế tự nhiên, nên gọi là bộ máy sống. Chỗ thả cá mới là chặng giữa trong quy trình xử lý nước.” Nước thải sau khi xử lý được sử dụng làm mát dây chuyền sản xuất bản in offset.

Từ nhà máy Hóa chất Mỹ Lan được xây dựng năm 2004, tập đoàn Mỹ Lan do tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Việt kiều Canada sáng lập hiện triển khai bốn dự án ở Trà Vinh là công ty Hóa chất, công ty Máy sản xuất vật liệu ngành in Mỹ Lan, Mỹ Lan Quang điện tử và Giải pháp kỹ thuật số Mỹ Lan.

Trong đó, có nhà máy bản in offset công suất 10 triệu m2 dựa trên bản quyền do ông Mỹ phát minh. Với hơn 200 bằng sáng chế, Mỹ Lan vừa được bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận danh hiệu doanh nghiệp Khoa học Công nghệ cao.

Từ Trà Vinh, một trong các tỉnh nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như bản kẽm in offset, mực in, máy in mang dòng chữ “Made in Vietnam” do đội ngũ 500 lao động của Mỹ Lan sản xuất tỏa đi khắp 40 thị trường trên thế giới. Ở vùng đất duyên hải xa xôi, nơi mới phá thế độc đạo quốc lộ 50 nhờ cây cầu Cổ Chiên nối kết với Bến Tre, mỗi năm đón hàng chục đoàn khách nước ngoài đến tìm hiểu sản phẩm, hướng dẫn công nghệ.

Năm 2014 doanh thu của Mỹ Lan là hơn 500 tỉ đồng, trong đó gần 80% là xuất khẩu. Ở trong nước, họ chiếm 65% thị phần bản in offset. Không chỉ xuất khẩu sản phẩm, chủ tịch tập đoàn, ông Nguyễn Thanh Mỹ cùng các cộng sự trẻ do ông đào tạo tại Trà Vinh là chủ sở hữu hơn 10 bằng phát minh sáng chế đăng ký ở Mỹ, Canada, Tây Ban Nha.

Ông Mỹ tiết lộ, sau 10 năm kể từ lúc chuẩn bị cho tới khi xây dựng, vận hành và phát triển ba nhà máy như hiện nay, Mỹ Lan đang có kế hoạch hợp tác với một công ty Nhật chuyên về in ấn có doanh thu 1,5 tỉ đô la Mỹ. Ông Mỹ nói: “Phải hợp tác để xây dựng công ty có thể mỗi năm cung ứng cho thị trường 250 triệu đô la Mỹ sản phẩm chuyên ngành in.”

Cơ sở nào để ông Mỹ tự tin nêu ra con số gần gấp 10 lần doanh số hiện nay? Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ và tập đoàn Mỹ Lan đang có lợi thế công nghệ khi nắm giữ một số bản quyền sáng chế và khả năng sản xuất bản in offset chất lượng theo công nghệ CTP (computer to play). Nhờ vậy, họ có thể phát triển thêm dòng mực in gốc nước thân thiện hơn với môi trường.

Song in ấn truyền thông đang có chiều hướng suy giảm, vì nhiều lý do, trong đó có xu thế số hóa. Ông Mỹ phân tích: “Hiện nay sản lượng in offset truyền thông là 600 triệu m2 mỗi năm, trong đó in truyền thông chiếm 50%, còn lại là in bao bì.” Thị trường in offset toàn cầu, theo ông Mỹ, có quy mô 900 tỉ đô la Mỹ, trong đó công nghệ in kỹ thuật số xấp xỉ 200 tỉ đô la Mỹ. Theo dự báo đến năm 2020, sản lượng in offset đạt 900 triệu m2 và in bao bì sẽ chiếm đa số.

LÀM SẢN PHẨM HIỆN ĐẠI KHÔNG KHÓ. XÂY DỰNG ĐƯỢC CỘNG ĐỒNG, XÃ HỘI HẠNH PHÚC HƠN, TRONG SẠCH HƠN, LÀ VẤN ĐỀ KHÓ, ĐÒI HỎI MÌNH PHẢI ĐẦU TƯ NHIỀU VÀ KIÊN NHẪN HƠN.

Hiện tại, sản phẩm chủ lực của Mỹ Lan vẫn là bản in offset, lĩnh vực mang lại 70% doanh thu. Nhờ đầu tư R&D, họ đang đón đầu xu hướng in bao bì bằng công nghệ kỹ thuật số. Các dòng máy in thương hiệu Vjet series 1.000, 2.000, LotoJet 35 và LotoJet65 đã được chào bán trên thị trường, kèm với mực in do chính Mỹ Lan sản xuất.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, phụ trách kỹ thuật nhóm hàng máy in và mực in cho biết, Mỹ Lan hiện có ba chủng loại mực là mực nước, dung môi và UV. Trong đó hai loại đầu dùng in bao bì, màng nhựa, loại thứ ba dùng để in trên chất liệu cứng như nhôm… “Mỹ Lan là một trong năm công ty trên thế giới được hãng HP cho phép sử dụng hộp đựng mực chính hãng HP,” ông Mỹ nói.

Không chỉ nghiên cứu, chế tạo máy kỹ thuật số và mực in, đội ngũ kỹ sư trẻ của Mỹ Lan cũng kết hợp công nghệ mã hóa để chống hàng giả. Họ đưa ra thị trường máy in chữ số dập nổi, cùng với ứng dụng tích hợp dựa trên điện toán đám mây để phát hiện vé số giả. “Có hai công ty xổ số kiến thiết ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ sử dụng máy in của Mỹ Lan,” ông Mỹ nói.

Từ đội ngũ nòng cốt gồm 10 kỹ sư trẻ của đại học Bách khoa TP.HCM hồi mới thành lập, thành tựu lớn nhất sau 10 năm hoạt động trong trí nhớ của ông Mỹ là “đám trẻ ngày càng chiến.” Lượng lao động chính thức ở tập đoàn Mỹ Lan là 474 người, tuổi trung bình 28. Trong số đó, có những người được ông Mỹ đào tạo, hướng dẫn từ đầu như cử nhân Hóa học ứng dụng Nguyễn Thanh Sang.

Sinh năm 1989, chàng trai dân Trà Vinh này là sinh viên ngành Hóa ứng dụng khóa đầu tiên của đại học Trà Vinh, nơi ông Mỹ tham gia giảng dạy và đảm nhiệm chức vụ trưởng khoa. Sau khi tốt nghiệp năm 2011, Sang làm việc ở Mỹ Lan và được đưa qua Canada tu nghiệp ở công ty America Dye Source (ADS), công ty do ông Mỹ sáng lập năm 1997. Hiện nay, luận án thạc sĩ chuyên ngành Hóa ứng dụng của Sang về tương tác nguyên tử bên trong bản mạch in offset cũng là nội dung đăng ký bản quyền phát minh sáng chế do nhóm nghiên cứu gồm ông Mỹ và Sang.

Ông Mỹ sinh năm 1955 ở Trà Vinh, tốt nghiệp khoa Hóa đại học Bách khoa TP.HCM năm 1978. Di cư sang Canada năm 1979, sau 25 năm làm việc tại Canada, Mỹ, người đàn ông mang tên ngôi làng nghèo thuộc huyện Châu Thành, Trà Vinh trở về quê hương tìm cơ hội đầu tư.

“Hồi đầu nghe mình về Trà Vinh đầu tư, người ta gọi vui là Việt kiều ‘té giếng’ vì xứ đó lấy đâu người, có gì để đầu tư.” ông Mỹ kể và giải thích thêm: “Thật ra đầu tư ở nơi không có gì cả mới là dễ nhất. Hơn nữa, mình muốn có nhân lực, có môi trường tốt thì phải tự đào tạo, chứ ai đào tạo sẵn cho mình.”

Lời giải bài toán nguồn nhân lực được ông Mỹ đưa ra bằng cách hợp tác với đại học Trà Vinh để mở khoa Hóa học ứng dụng năm 2007. Học theo mô hình của Canada, ông xây dựng chương trình Co.op và đã được mở rộng ra khoa Quang cơ điện tử và Nông nghiệp, sinh viên mỗi năm học tám tháng, bốn tháng đi làm ở doanh nghiệp. Sinh viên Thạch Bình Khương, người đang làm ở bộ phận lắp ráp máy in cho biết, mỗi tháng anh nhận được hai triệu đồng. Chàng trai gốc Khmer này nói: “Một phần tiền lương được sử dụng để mua bo mạch về thực tập.”

Hiện nay, chương trình Co.op, với sự tài trợ của đại sứ quán Canada, được mở rộng ra Bình Thuận và An Giang. Sản phẩm của Mỹ Lan tuy mới, giá cao nhưng thuyết phục bằng công nghệ và chất lượng. “Tuy hàng Trung Quốc giá rẻ hơn, nhưng mình tồn tại được nhờ chất lượng,” ông Mỹ nói.

Có vốn điều lệ 320 tỉ đồng, Mỹ Lan hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, trong đó gia đình ông Mỹ nắm giữ hơn 61%, 30% do quỹ đầu tư Jaccar (Pháp) nắm giữ. Còn lại, do một người Thụy Sĩ gốc Việt nắm giữ và nhân viên công ty theo chương trình ưu đãi cổ phiếu cho nhân viên. Năm 2008, sự xuất hiện của quỹ Jaccar, theo ông Mỹ, là do “công ty muốn mua lại cổ phần ở một liên doanh với đối tác Tây Ban Nha.” Đối tác này vừa thuê bản quyền, vừa rút người của Mỹ Lan và muốn chuyển giao cho bên thứ ba.

Trong định hướng sắp tới, Mỹ Lan đẩy mạnh dòng sản phẩm in kỹ thuật số ở thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật. Việc hợp tác với công ty gia đình của Nhật chuyên về ngành in là bước đi chiến lược bảo đảm cho Mỹ Lan tiếp tục phát triển trong tương lai. Ngoài vốn, thế mạnh về thị trường, công ty gia đình của Nhật có cảm tình của ông Mỹ “về văn hóa quản trị.” “Họ đề nghị nắm cổ phần chi phối. Nếu ở tuổi 40 mình sẽ từ chối nhưng giờ đã ngoài 60 rồi,” ông Mỹ nói. Điều này cũng nói lên một phần việc mà hơn 10 năm qua ông Mỹ chưa làm được ở Mỹ Lan. Ông Mỹ thừa nhận: “Mình chưa tìm được người thay thế, thì mình đào tạo một nhóm người.”

Môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch và nhân văn của Mỹ Lan được tiến sĩ Alan Phan đánh giá là “niềm tin mà tôi tưởng đã mất lại le lói hiện ra trên một cánh đồng nhỏ vùng Trà Vinh trong những tâm hồn nhân hậu, tử tế không bị ô nhiễm bởi những suy đồi của xã hội bao quanh.”

Đó cũng là những câu trả lời mà ông Mỹ muốn tìm khi quyết định đầu tư về Việt Nam. Những lần về thăm quê hương để lại trong đầu vị tiến sĩ từng bán cà rem, báo dạo hồi nhỏ không ít câu hỏi. “Tại sao người Việt thông minh nhưng ít sáng tạo? Tại sao được giáo dục truyền thống lại không minh bạch?”

Với mong muốn “tạo sự thay đổi ở quê hương và tạo cơ hội đồng đều cho mọi người,” ông Mỹ sáng lập Mỹ Lan (tên người con gái thứ hai) dựa trên ba nền tảng sáng tạo – minh bạch và trong suốt – trách nhiệm với cộng đồng. Miệt mài xây dựng, thiết kế từ mô hình nhà máy, quy trình công nghệ, sản xuất cho tới đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực, văn hóa công sở, ông Mỹ mong muốn “tạo môi trường sao cho mỗi sáng thức dậy nhân viên đều muốn tới Mỹ Lan làm việc.”

Ở phòng ăn, không có bàn riêng cho lãnh đạo, cứ bốn người một mâm. Ông quy định nhân viên không ăn chung với nhau quá hai lần mỗi tuần nhằm tạo sự hòa đồng, gắn kết ở các bộ phận. Ngoài chế độ chính sách theo quy định, nhân viên khi xây nhà, công ty hỗ trợ, tùy theo mức độ đóng góp cho công ty. Ông Mỹ đưa ra chính sách tổ chức đám cưới khi nhân viên trong công ty cưới nhau. Trong lúc trả lời phỏng vấn, chuông báo trên bàn làm việc của ông reo vang. Ông Mỹ giải thích: “Ở đây, ngày hai lần, nhân viên phải tập thể dục tại chỗ, tránh các bệnh do ngồi lâu ở văn phòng.”

Ông Mỹ thừa nhận các bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời ông có dấu ấn của bà Bùi Thị Nhàn, vợ ông. Quen bà Nhàn khi hai người cùng làm chung ở một nhà hàng của người Việt, ông quay lại giảng đường đại học “do gia đình bên vợ mong muốn mình có học vấn, việc làm ổn định.” Ngày đến giảng đường đại học Concordia, Canada, ban đêm ông làm thêm ở nhà hàng. “Biệt danh ‘Mỹ mắt đỏ’ có từ hồi đó vì mình bị thiếu ngủ,” ông Mỹ kể.

Tốt nghiệp đại học, ông Mỹ theo học thạc sĩ và bảo vệ luận án tiến sĩ ở trung tâm Năng lượng và Vật liệu (INRS). Trong một lần đi thuyết trình về kiếng đổi màu bằng pin, một phần của nghiên cứu do ông và vị giáo sư hướng dẫn ở INRS, ông được mời vào làm việc ở trung tâm nghiên cứu R&D của IBM đặt tại Almaden, Mỹ.

Làm được hai năm, năm 1994 ông chuyển sang làm cho PolyChrome, công ty chuyên về bản in offset có trụ sở ở New Jersey. Cùng năm, ông đăng ký bản quyền sáng chế bản in offset CTP. Thấy công ty nhập khẩu bột màu chuyên dụng từ Đức với giá 25 ngàn đô la Mỹ/ký và phải chờ sáu tháng mới được nhận hàng, ông hỏi người phụ trách “Sao không sản xuất loại bột này?” Vị kia cho hay, nếu ông Mỹ làm được công ty sẽ mua hàng.

Năm 1997, ông nghỉ ở PolyChrome và về Canada lập công ty ADS và đăng ký hai bản quyền về bột màu và ứng dụng bột màu hồng ngoại dùng trong ngành in offset. Ký sản phẩm đầu tiên bán cho PolyChrome với giá 25 ngàn đô la Mỹ. “Họ đồng ý giá đó vì mình giao ngay. Tiền bán được tôi mua tặng bà xã chiếc minivan,” ông kể. Tiền bán và cho thuê bản quyền ở Trung Quốc, Canada, Tây Ban Nha từ năm 2001 đến nay, theo ông Mỹ, tính bằng đơn vị “triệu đô la Mỹ.”

Trong công việc ông Mỹ được nhân viên đánh giá là “vui vẻ, song rất nghiêm khắc.” Là cầu thủ đá banh của đội tuyển Trà Vinh năm xưa, ông lập đội banh, đầu tư sân bóng đá, sân tập tennis ngay trong khuôn viên 20 héc ta của cụm ba nhà máy mang cờ hiệu Mỹ Lan.

Hằng ngày, ông và vợ, người vừa từ Canada về nước được hai năm nay, đi đò từ nhà ở cù lao Long Trị vào bờ, rồi lái xe đến công ty. Theo ông Mỹ, vợ chồng ông đầu tư hơn chục tỉ đồng để kè đá, chống sạt lở cho cù lao Long Trị. “Nơi đó, tôi dự định xây dựng cơ sở cho công ty chuyên về phần mềm dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây.” Con trai thứ của ông, Brian Nguyễn sáng lập và điều hành công ty Ryan chuyên về điện toán đám mây có trụ sở ở Singapore. “Đó là dự án cuối cùng của tôi,” ông Mỹ nói về dự án ở Long Trị.

(*) Tạp chí Forbes Việt Nam