Tương lai của văn phòng chia sẻ
Đại dịch vừa là cơ hội, vừa là thử thách với các dịch vụ văn phòng chia sẻ, chẳng hạn như WeWork hay “tay chơi” mới Phúc Long của Việt Nam.
Có thể nói WeWork là một trong những đơn vị đi đầu trong thị trường cho thuê văn phòng chia sẻ. Tuy nhiên trước và trong đại dịch, WeWork đã gặp phải một số khó khăn nhất định.
Trước đại dịch, WeWork có ý định tiến hành IPO nhưng thất bại. Nhà đầu tư lớn nhất của WeWork, SoftBank, đã giảm bút toán giá trị của công ty này xuống hàng tỷ USD. Sau đó, WeWork khởi kiện SoftBank vì bảo lãnh cho một đề nghị đấu thầu cổ phiếu trị giá 2 tỷ USD.
Chưa dừng lại ở đó, dịch Covid-19 khiến tình trạng càng thêm tồi tệ khi làm việc từ xa trở nên phổ biến, với tỷ lệ phần trăm người lao động làm việc tại nhà tăng từ 4% lên 40%. Cũng chẳng biết sau dịch, tình trạng có thể trở lại bình thường hay không. Và đối với một công ty cho thuê văn phòng, đây chẳng phải là tin tốt đẹp gì.
Không chỉ vậy, không gian cho mỗi cá nhân làm việc tại WeWork chỉ khoảng 7 mét vuông, so với mức trung bình toàn quốc là 20 mét vuông. Với những ai đã quen sự thoải mái khi làm việc tại nhà, có lẽ sự gò bó này sẽ trở thành một điểm trừ lớn.
Tuy nhiên, WeWork vẫn rất tin tưởng vào tương lai tươi sáng của văn phòng chia sẻ với những kế hoạch mới và chiến lược mới.
Peter Greenspan, người đứng đầu bộ phận bất động sản toàn cầu của WeWork, phân tích rằng trong thời kỳ khó khăn vì đại dịch, các công ty sẽ không hướng đến những hợp đồng cho thuê dài hạn. Chính vì vậy, WeWork tung ra những gói cho thuê ngắn hạn, linh động.
Không chỉ vậy, WeWork còn hướng đến những đối tượng người lao động làm việc từ xa hoàn toàn với dịch vụ kiểu “Uber for offices”. Dịch vụ này cho phép người dùng đặt không gian làm việc hoặc phòng họp trên các ứng dụng theo giờ.
Ngoài triển khai những sản phẩm mới, WeWork cũng thực hiện cắt giảm những chi nhánh và những hoạt động bên lề như đóng cửa startup nhà hàng, trường tiểu học, thậm chí bán cả chiếc máy bay cá nhân trị giá 60 triệu USD.
Đây có lẽ là tiêu chí “làm văn phòng chia sẻ, chỉ tập trung vào nó, làm cho thật tốt và kiếm lợi nhuận” mà CEO mới của WeWork, Sandeep Mathrani, đề ra. Và WeWork vẫn đang tiếp tục cố gắng IPO thông qua gói tài trợ SPAC của Công ty Quản lý Vốn Vivek Ranadivé
Greenspan chia sẻ: “Khái niệm hợp đồng cho thuê kéo dài 15 - 20 năm đã lỗi thời, nhưng chưa ai dám hoặc đủ sức thay đổi. Vậy nên những điều mà đại dịch đã làm được là đẩy nhanh quá trình thực hiện của một việc vốn dĩ cần phải hoàn thành từ 30 năm trước”.
Lợi nhuận? WeWork vẫn chưa có, nhưng có lẽ tình hình cũng khả quan hơn 1 năm trước.
Tại Việt Nam, chuỗi trà Phúc Long bất ngờ nhảy vào lĩnh vực văn phòng chia sẻ. Dù tới nay chưa rõ chuỗi trà này có thực sự “đi đến cùng” với mảng chia sẻ hay không, nhưng sự sụp đổ của mô hình chia sẻ như WeFit, và đặc biệt là sự chật vật của WeWork vài năm qua sẽ là những bài học đáng chú ý cho Phúc Long.
QUÂN BẢO - enternews