Startup du lịch trong khó khăn nhìn ra cơ hội
Dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực du lịch nói chung, nhưng cũng mở ra cơ hội cho các startup, doanh nghiệp trẻ năng động biết tận dụng...
Dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực du lịch nói chung, nhưng cũng mở ra cơ hội cho các startup, doanh nghiệp trẻ năng động biết tận dụng, nắm bắt thời cơ khi thị trường trên đà hồi phục.
Du lịch số được Google, Temasek và Bain & Co đánh giá là một trong năm trụ cột quan trọng của nền tảng kinh tế Internet tại Đông Nam Á. Mặc dù nhu cầu du lịch, đi lại của người dân sụt giảm rõ rệt trong bối cảnh đại dịch, nhưng vẫn được dự báo tăng trưởng tới 33%/năm tới năm 2025.
Thực tế, tại các quốc gia khống chế thành công dịch bệnh COVID-19 như ở Việt Nam, các hoạt động liên quan tới du lịch, nghỉ dưỡng đã bắt đầu được khôi phục lại.
Chủ tịch Traveloka - Caesar Indra từng cho biết, mảng kinh doanh của công ty tại thị trường Việt Nam đã hoạt động nhộn nhịp hơn so với trước khi đại dịch bùng phát, trong khi chi nhánh tại Thái Lan cũng sắp trở lại mức hoạt động bình thường.
Ứng dụng của Traveloka hiện có 40 triệu người dùng hàng tháng và công ty đang phát triển loại hình dịch vụ "mua trước, trả sau" tại hai thị trường Việt Nam và Thái Lan.
Đại diện startup này cho hay, công ty đang liên doanh với một trong những ngân hàng lớn nhất Thái Lan để hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Bên cạnh đó, công ty cũng đang thảo luận với một số đối tác tiềm năng tại Việt Nam, nhưng không tiết lộ cụ thể.
"Du lịch nội địa đang phục hồi. Mục tiêu của chúng tôi khi đầu tư mạnh vào mảng công nghệ tài chính là để giúp nhiều khách hàng có thể đi du lịch hơn trong khu vực", ông nói.
Thực tế, Traveloka đã triển khai dịch vụ "mua trước, trả sau" ở Indonesia từ 2 năm trước. Dịch vụ này được triển khai trong bối cảnh nhiều người dùng đợi đến ngày nhận lương để có thể đặt vé du lịch. Hiện tại, dịch vụ này đã cung cấp khoảng 6 triệu khoản vay.
Ông Indra nhấn mạnh giai đoạn tồi tệ nhất đã qua đi và Traveloka đang chuẩn bị tốt cho năm 2021 trong bối cảnh nhu cầu đi lại trong nước đang thúc đẩy sự phục hồi.
Kế hoạch hiện tại của công ty là đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ tài chính, cho phép khách hàng đi lại nhiều hơn trong khu vực. Trong khi đó, mảng du lịch đã quay trở lại đà lợi nhuận vào cuối năm 2020.
Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Dũng - nhà sáng lập và CEO Luxstay, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty đã bị tác động rất lớn, tất cả các mục tiêu tăng trưởng đặt ra phải thay đổi. Thay vì tập trung mở rộng, startup này đã chuyển sang phương án hoạt động tối ưu hiệu quả để hướng tới lợi nhuận.
Đến thời điểm hiện tại, các dịch vụ chính của Luxstay vẫn hoạt động bình thường, thay vì đầu tư ồ ạt vào marketing và các chương trình khuyến mãi, công ty hướng mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực hơn để đa dạng nguồn thu.
Theo ông Dũng, Việt Nam đang làm tốt trong việc ngăn chặn dịch COVID-19, đây là một lợi thế cho phát triển kinh tế và chắc chắn sẽ thu hút đầu tư mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Đối với các doanh nghiệp startup, các hoạt động kinh doanh liên quan internet sẽ có nhiều ưu thế hơn trong việc tăng trưởng.
"Với giai đoạn mới khi mà thị trường du lịch đang "reset", tôi hi vọng Luxstay sẽ nắm bắt được cơ hội trong giai đoạn này để trở thành những doanh nghiệp đứng đầu trong ngành", nhà sáng lập này tự tin.
Thực tế, tại các nước phát triển, thị phần của home-sharing chiếm khoảng 10-20% chi tiêu của thị trường lưu trú. Dung lượng và cơ hội phát triển cho ngành này tại Việt Nam được đánh giá là đang rộng mở. Dự báo tổng doanh thu trực tuyến mảng home-sharing tại Việt Nam có thể đạt 2 - 3 tỷ USD vào năm 2023.
Hơn nữa, thị trường bất động sản Việt Nam đang bùng nổ, nhiều chung cư, biệt thự, nhà ở được mua để đầu tư và cho thuê. Nguồn tài nguyên này sẵn có và dồi dào hơn mô hình truyền thống là khách sạn, resort.
Với nguồn cung dồi dào từ thị trường bất động sản tại Việt Nam, ông Dũng đánh giá home-sharing chắc chắn vẫn sẽ phát triển. Hiện tại, thị trường du lịch đang đi xuống, home-sharing cũng không tránh khỏi việc lao dốc theo.
Tuy nhiên, đặc thù của các mô hình kinh tế chia sẻ này là các chủ nhà, cá nhân không bị ảnh hưởng nặng nề như các mô hình truyền thống là chuỗi nghỉ dưỡng. Sau đại dịch COVID-19, du lịch hồi phục tăng trưởng nóng, home-sharing cũng sẽ hồi phục nhanh mang lại nguồn cung lưu trú, đáp ứng cho ngành du lịch Việt Nam.
Theo theleader.vn