Việt Nam còn nhiều khoảng trống cho trí tuệ nhân tạo

   

Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng gần gũi và thiết thực, điều quan trọng là cần có chiến lược mũi nhọn của quốc gia, chọn ra thế mạnh trong nông nghiệp, y tế, nông lâm thuỷ sản... để phát huy.

fb_share_en.jpeg

Sáng 18/8, tại trụ sở Bộ KH&CN đã diễn ra "Tọa đàm ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Phục hội hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19".

Tọa đàm được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp... Ngoài đầu cầu tại Bộ Khoa học và Công nghệ, sự kiện còn kết nối các chuyên gia tại Canada và Australia.

Sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam (AI4VN) do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM, báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Sáng tạo Nghệ thuật và Sự kiện Sun Bright thực hiện với sự đồng hành của chương trình Aus4Innovation, tập đoàn FPT.

Trong phần phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết đây là sự kiện mở đầu nằm trong chuỗi sự kiện AI4VN được tổ chức thường niên, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy ngành trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam. Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sự kiện online ở Hà Nội và trực tiếp tại TP.HCM (dự kiến tháng 11) nhằm đảm bảo đúng quy định giãn cách.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy.

Ông Duy cho rằng, việc tổ chức sự kiện trong bối cảnh Covid-19 nhằm kịp thời cung cấp thông tin để doanh nghiệp ổn định sản xuất, phục hồi chuỗi đứt gãy trong cung cấp hàng hóa, từ đó đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.

"Sự kiện hướng tới thúc đẩy các nền tảng hệ thống trực tuyến, chuyển đổi số đang ngày càng ứng dụng rộng rãi trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0", Thứ trưởng Duy nói.

AI đang ngày càng gần gũi và thiết thực

Ở phần chia sẻ của các diễn giả, đại diện các doanh nghiệp, viện nghiên cứu đều chỉ ra nhiều ví dụ minh chứng về vai trò của AI cả trong sản xuất và cuộc sống đều rất gần gũi thiết thực.

Ví dụ như tại Canada, các dự án AI đầu tiên áp dụng trong một doanh nghiệp điều trị, thăm khám từ xa giúp cho các bệnh nhân giao tiếp, trao đổi với bác sỹ, sử dụng hệ thống hỏi đáp tự động bằng ngôn ngữ tự nhiên hay như phối hợp với doanh nghiệp khai hoáng mỏ địa chất, tự động phân tích ảnh 3D khi khảo sát vùng mỏ; dự đoán điều kiện thời tiết từ 0-6 giờ, sử dụng dữ liệu rất ít từ địa phương nhưng đưa ra các dự đoán thời tiết chính xác…

Tại Canada, Al cũng bước đầu được đưa vào ứng dụng để xây dựng hệ thống giải đáp các câu hỏi từ người dân và doanh nghiệp về dịch bệnh. Phiên bản đầu tiên thực hiện trong 2 tháng rưỡi với nguồn dữ liệu, thông tin thu thập từ các chuyên gia.

Hay như thiết thực nhất là qua đại dịch Covid thời gian qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank)  đã đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ, làm việc từ xa, gặp mặt khách hàng trực tiếp từ xa. Nhiều khách hàng phản hồi rất thích vì họ giảm được chi phí đi lại, thời gian mà vẫn đạt hiệu quả. Ngân hàng này cũng thúc đẩy triển khai ứng dụng online banking trong giao dịch, chỉ 6 tháng đầu năm, số lượng khách hàng online mới của Vietinbank tăng hơn nửa triệu khách hàng.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank, cho biết hiện Vietinbank đang hợp tác với FPT triển khai ứng dụng chatbot để giải đáp các thắc mắc trong nghiệp vụ nội bộ của ngân hàng. Từ những tình huống hay gặp phải của nhân viên, hệ thống đào tạo để chabot hiểu và từ đó tự động trả lời cho nhân viên. Thay vì việc phải chờ sự giúp đỡ từ các bộ phận, nhân viên hoàn toàn có thể chat với chatbot để nhận được câu trả lời nhanh gọn.

Toàn cảnh buổi tọa đàm trực tuyến

Toàn cảnh buổi tọa đàm trực tuyến

Theo ông Nguyễn Xuân Phong, chuyên gia Nghiên cứu TTNT Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Mila (Canada), ngoài những ứng dụng trong eKYC (định danh khách hàng điện tử) như trên, AI còn cho nhiều thành tựu trong lĩnh vực dịch vụ dịch thuật, thành phố thông minh, quản lý đô thị, giao thông.

"Hiện AI đã phát triển trên thế giới từ lâu, dẫn đầu là Bắc Mỹ với các công ty công nghệ lớn. Làn sóng tiếp theo từ Đức, Nhật Bản. Với Việt Nam, chúng ta còn nhiều khoảng trống cho AI. Trí tuệ nhân tạo có thể len lỏi mọi ngành. Điều quan trọng là cần có chiến lược mũi nhọn của quốc gia, chọn ra thế mạnh trong nông nghiệp, y tế, nông lâm thuỷ sản... để phát huy", vị chuyên gia khẳng định.

Dữ liệu vẫn là bức tranh màu xám

Vai trò của các lãnh đạo cấp cao, trang bị đủ nguồn lực con người, sẵn sàng cho các rủi ro là điều kiện cần để phát triển AI - đó là nhận định của hầu hết chuyên gia có mặt tại tọa đàm.

Thứ nhất AI cần phải có sự kiên trì do tính cập nhật và hoàn thiện dữ liệu. Công nghệ càng chuẩn thì độ chính xác và hoàn thiện càng nhanh.

Thứ hai, tính tốc độ - làm AI cần tốc độ, nhưng cũng phải quyết tâm. Trí tuệ nhân tạo cũng biến động không ngừng với những bài toán mới kinh tế- xã hội đặt ra. Doanh nghiệp cần vận động theo chu kỳ chung này nếu muốn các sản phẩm luôn tạo ra hiệu quả tốt nhất.

Bên cạnh đó, yếu tố kinh phí vẫn là yếu tố rất quan trọng để cho ra đời những sản phẩm trí tuệ nhân tạo chất lượng. Ngoài ra, câu chuyện dữ liệu, hệ thống máy chủ… tính bảo mật, an toàn cũng được đặt ra để thảo luận.

Quay trở lại câu chuyện dữ liệu và bảo mật, các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần xây dựng dữ liệu để phát triển AI bởi dữ liệu cho công nghệ AI còn chưa được quan tâm, các doanh nghiệp muốn cập nhật thông tin còn khó khăn…

Theo ông Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT, dữ liệu vẫn là bức tranh "màu xám" vì hệ thống luật pháp còn chưa rõ ràng, gây trở ngại cho các doanh nghiệp khi tiếp cận dữ liệu.

Còn ông Nguyễn Thành Lâm, Giám đốc Khối Sản phẩm ứng dụng, Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research (Tập đoàn Vingroup), cho rằng, vấn đề nằm ở mặt cung cầu, dữ liệu ít người mua, người làm thì chưa có.

Giải pháp cho vấn đề này được ông Nguyễn Xuân Phong gợi ý, trong trường hợp doanh nghiệp không mua được trọn bộ, có thể mua dữ liệu đã được dán nhán. Tại Việt Nam, một số công ty chuyên cung cấp dịch vụ dãn nhãn dữ liệu để dạy học cho hệ thống, ví dụ như FPT.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc xây dựng hệ thống dữ liệu là cần thiết để Việt Nam có thể phát triển và ứng dụng AI nhiều hơn trong các ngành.

Liên Cơ