Những ý tưởng sáng tạo ‘khác người’

Các ý tưởng sáng tạo lớn luôn khác người. Hơn 10 năm trước, có 2 cậu nghiên cứu sinh có ý định “lôi toàn bộ internet về một chỗ”, tất nhiên là bị mọi người cười vào mũi vì internet lúc đó đã là cả 1 vũ trụ khổng lồ không biên giới. 10 năm sau, cần gì trên internet, người ta đều phải vào ‘chỗ’ của 2 chàng trai kia thật, ‘chỗ’ đó có tên là Google.com.

1.png

Thế giới công nghệ hiện nay của chúng ta, rất nhiều sản phẩm, công nghệ lớn xuất phát từ những ý tưởng ‘khác người’, đi ngược lại số đông kiểu như vậy.

Năm 1995, Amazon mở ra cửa hàng bán sách online đầu tiên trên Thế giới. Người ta không thể hiểu nổi có ai lại đi mua sách online, khi mà mọi người có thể đến các cửa hiệu sách ấm áp, chỗ ngồi thư giãn, cà phê và thoải mái đọc thử bất kì cuốn sách nào họ muốn.

Cuối cùng, chính những ‘nhà sách ấm áp’ kia mới phải lao đao.

 
1.1.jpg

Còn Amazon trở thành hiệu bán sách hàng đầu, bán được hơn 3 tỉ đô sách chỉ trong nửa năm 2017.

Không chỉ có thế, họ còn vươn lên thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, bán online đủ mọi thứ trên đời qua website của họ, ‘đè bẹp’ các cửa hàng bán lẻ khác.

Trước đây, mọi người nghĩ sẽ chẳng có ai rỗi hơi ngồi xem mấy cái clip lặt vặt của mấy tay mơ tự diễn trước webcam máy tính làm gì. Bởi vì họ đã có rạp chiếu phim, TV với các bộ phim, chương trình do các nhà làm phim danh tiếng làm ra. Trừ 3 cựu nhân viên của Pay Pal.

3 chàng trai độ tuổi 20 này đã làm một trang web để bất kỳ ai cũng có thể đăng bất cứ clip tự biên tự diễn, kể cả ‘nhăng nhố’ thế nào của mình lên mạng cho mọi người cùng xem. 

2.jpg

Chỉ 1 năm sau, trang web có tên Youtube này mỗi ngày có tới 65.000 clip mới, 100 triệu lượt xem, đạt trị giá 1.65 tỉ đô la, khai sinh ra nguyên một mảng dịch vụ chia sẻ video trực tuyến, chèn ép lại hẳn các đại gia phim, truyền hình truyền thống, trở thành một thế lực lớn trong ngành truyền thông.

 

Tất nhiên, những sáng tạo đi ngược lại số đông như vậy sẽ bị chê tơi bời thuở ban đầu. Không chê sao được khi Youtube cho rằng bất kỳ ai cũng là nhà làm phim, Uber nói rằng bất kỳ ai cũng có thể ‘vẫy xe đi nhờ’ và mạng xã hội sẽ biến tất cả chúng ta thành ‘nhà báo’ mà không cần một tòa soạn nào hết?

Rất may là những người đủ ‘điên’ để đưa ra những ý tưởng ‘điên rồ’ thì cũng đủ dũng cảm để phớt lờ đám đông và đi đến cùng với sự ‘điên rồ’ đó.

Lúc Steve Jobs đứng trên sân khấu giới thiệu chiếc iPad đầu tiên chạy hệ điều hành của iPhone, cũng là lúc Apple bắt đầu hứng chịu những cơn lũ chê bai từ khắp nơi đổ về, giới công nghệ cũng như truyền thông.

3.jpg

Người ta khẳng định chẳng ai cần đến cái iPad, vì nếu làm việc tại chỗ đã có máy tính, còn di chuyển thì dùng điện thoại thông minh.

 

 

Giới công nghệ chê bai phần mềm iPad quá yếu, không xử lý được công việc. Nhiều hãng máy tính lớn còn tuyên bố sẽ sản xuất máy tính bảng chạy hệ điều hành Windows mạnh của máy tính bàn.

Steve Jobs phớt lờ hết, tung iPad ra thị trường và lập tức chiếm lĩnh thị phần đến tận bây giờ, định nghĩa ra hẳn một mảng thiết bị mới. Các hãng máy tính từng chê iPad, tất cả đều phải quay lại con đường của iPad đã vạch ra mà chẳng có một chiếc máy tính bảng nào chạy Windows cả.

Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều vụ từ chối sai lầm thế kỷ, thậm chí phải trả giá bằng chính ‘tính mạng’ của công ty vì đã không đánh giá đúng đắn giá trị của những ý tưởng ‘khác người’.

Trước khi Apple tung ra chiếc iPod và kho nhạc iTunes làm thay đổi hẳn nền công nghiệp âm nhạc thế giới, tác giả của ý tưởng iPod này đã cố gắng thuyết phục hãng RealNetwork nhưng không thành.

4.jpg

Ông mang sang Apple và RealNetwork đã mất đi cơ hội kiếm hàng tỷ đô la cùng vị thế dẫn đầu trong ngành âm nhạc số.

Thuở sơ khởi, cả Google lẫn Facebook đã từng nhiều lần cố bán mình cho Yahoo nhưng không thành. CEO của Yahoo lúc đó cho rằng Google và Facebook sẽ chẳng đi được đến đâu. Giá như ông không nghĩ thế thì bây giờ Yahoo đã có trong tay 90% thị phần quảng cáo trực tuyến toàn cầu và không phải lụn bại đến mức bán mình như năm ngoái.

Thực tế nhiều lần cho thấy, sáng tạo khác người, ‘điên rồ’, đi ngược dòng nước lại là con đường sáng sủa nhất để tồn tại trong giới công nghệ phát triển quá nhanh và đầy ông lớn như bây giờ.

Để đọ với Facebook có hàng tỷ người dùng nhờ lưu giữ tất cả kỷ niệm của mọi người, Snapchat đã chọn cách xóa sạch tin nhắn của người dùng sau khi đọc. Cái lối hành xử ‘kì dị’ này đã giúp Snapchat trở thành đối thủ ‘ngứa mắt’ nhất của Facebook bây giờ.

 
5.jpg

Bản thân Apple cũng chính là một chuyên gia hàng đầu chuyên đi ngược dòng nước.

Trong lúc các hãng máy tính đua nhau bán máy qua mạng thì Apple lập hàng loạt cửa hàng bán lẻ khắp nơi. Điện thoại trước đây nhiều nút, nhiều bút thì iPhone ra đời có duy nhất chỉ 1 nút bấm. Phần mềm các công ty khác làm có thật nhiều chức năng, ít quan tâm đến giao diện thì Apple viết phần mềm thật ít chức năng nhưng đầu tư rất mạnh vào thẩm mỹ.

Họ luôn làm ngược lại với tất cả và trở thành công ty sáng tạo bậc nhất thế giới bao nhiêu năm qua.

Không phải vô cớ mà Apple chọn khẩu hiệu “Think Different”, tiếng Việt có thể hiểu là Suy nghĩ khác biệt, hoặc Suy nghĩ khác thường. Bởi chính cái “khác thường” làm nên sự sáng tạo.

Cáp Tần