Mã số N3016: Hệ sinh thái khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh liên kết các nguồn lực
Xác định tinh thần hợp tác là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi doanh nghiệp (DN), điều này lại càng cần thiết trong bối cảnh phần lớn DN của thành phố vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), thậm chí siêu nhỏ. Việc hình thành không gian khởi nghiệp, chia sẻ kết nối các cơ hội kinh doanh cho các DN khởi nghiệp cũng là nhiệm quan trọng hàng đầu mà TP. Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện với hiệu quả cao nhất.
Những kết quả bước đầu
Không gian đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh (Saigon Innovation Hub - SIHUB) được xác định là điểm nhấn trong hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố. Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc SIHUB, SIHUB đang có sức hấp dẫn lớn không chỉ với các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp (startup) trong nước, mà cả với startup nước ngoài.
Sau một năm đi vào hoạt động, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có những thành quả nhất định như đã thành lập 5 không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và kết nối với 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp với tổng mặt bằng trên 22.000 m2.
Trong 9 tháng/2017, hoạt động hỗ trợ hình thành và hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho 497 dự án khởi nghiệp thông qua kết nối với nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn. Thực hiện nâng cao kiến thức tiền khởi nghiệp cho 2.300 sinh viên của hơn 35 trường đại học thông qua các buổi đào tạo, hội thảo và kết nối; đào tạo đổi mới sáng tạo cho gần 340 giáo viên và 1.400 học sinh tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố; hỗ trợ hướng dẫn thực tập, kiến tập cho hơn 250 sinh viên. Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc thi IoT Startup 2017 (tháng 4 đến tháng 10/2017) và nhận được 80 dự án đăng ký, thu hút 30.000 lượt quan tâm theo dõi.
Chương trình Speedup 2017 đã tiếp nhận 52 dự án, tổ chức xét duyệt 26 dự án, chọn được 14 dự án hỗ trợ với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng; đào tạo cộng đồng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nâng cao năng lực cho hơn 130 nhóm khởi nghiệp; hỗ trợ đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 115 giảng viên để hình thành đội ngũ giáo viên giảng dạy về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp
Trên thực tế vẫn còn những khó khăn mà cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt. Đó là việc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa theo kịp sự chuyển biến quá nhanh của cộng đồng khởi nghiệp. Điều này dẫn đến việc các startup giỏi chuyển hướng sang các nước có chính sách thông thoáng hơn để thành lập DN.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, cần thí điểm về quỹ đầu tư tư nhân hoạt động tại thành phố, và quan trọng hơn là điều hành cộng đồng startup bằng tinh thần khởi nghiệp. Hiện tại, có một số quỹ đầu tư phản ánh có sẵn tiền để bỏ vào các startup Việt, nhưng đến nay vẫn chưa sử dụng được, do vướng thủ tục đầu tư. Trong khi startup tại Singapore chỉ mất 1 tuần để hoàn tất thủ tục gọi vốn và giải ngân, thì tại Việt Nam mất tới 8-12 tháng.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, việc kết nối giữa các startup và DN hiện hữu còn lỏng lẻo, số lượng DN lớn hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp còn hạn chế. Vì thế, hoạt động đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Bởi thực tế cho thấy, nhờ đẩy mạnh các chương trình thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ và phát triển thị trường khoa học công nghệ, đến nay, 78% đề tài, dự án nghiên cứu khoa học sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng trực tiếp và gián tiếp vào đời sống; hàng chục sản phẩm nghiên cứu khoa học cũng đã được thương mại hóa, kết nối nhà đầu tư và cộng đồng khởi nghiệp để hình thành những DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trong lần gặp gỡ và trao đổi với cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn thành phố về những chính sách hỗ trợ, hướng tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp vào tháng 9/2017 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, có 3 xu hướng lập nghiệp của giới trẻ hiện nay. Thứ nhất, có những người khởi nghiệp mà không sáng tạo, chính xác hơn, đó là những bạn trẻ lập nghiệp dựa trên những cách làm truyền thống, cha mẹ làm sao thì mình làm vậy, không đầu tư thêm chất xám để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Thứ hai, có những người sáng tạo mà không khởi nghiệp, họ có thể sẽ thành nhà nghiên cứu rất giỏi nhưng lại không bán được sản phẩm trí tuệ của mình. Và cuối cùng, khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đây là một hướng đi quan trọng bởi họ vừa biết phát huy chất xám, vừa năng động tìm kiếm được thị trường để bán được chất xám của mình.
Vì thế, theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, các trường đại học phải phát hiện được nguồn nhân tài này, trên cơ sở đó hướng dẫn, hỗ trợ để họ có thể khởi nghiệp thành công và bền vững. Nhà trường là nơi nghiên cứu, cung cấp các giải pháp công nghệ, từ đó hình thành ý tưởng, nuôi dưỡng ý tưởng, biến nó thành những DN thực thụ. Đó cũng phải là địa điểm cung cấp điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại để hỗ trợ và tiếp nhận các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Thông tin
Đăng trên | Báo Kinh Tế Việt Nam |
Tác giả | Thanh Thanh |
Ngày đăng | 05/11/2017 |
Link bài gốc | http://kinhtevn.com.vn/he-sinh-thai-khoi-nghiep-tp-ho-chi-minh-day-manh-lien-ket-cac-nguon-luc-29429.html |