Mã số N3051: Nhà nước cần đi trước một bước trong đầu tư mạo hiểm?
Để có thể đầu tư mạo hiểm, Nhà nước cần đi trước một bước để có bài học kinh nghiệm và ban hành quy định cho tổ chức, cá nhân thực hiện.
Ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, mấy năm gần đây, người ta nói nhiều đến khởi nghiệp và quốc gia khởi nghiệp, cũng như cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng còn hiểu chưa đầy đủ về khởi nghiệp và còn làm quá ít cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Muốn Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp trong tương lai thì việc đầu tiên cần làm là dành sự ưu tiên cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có hoạt động đầu tư mạo hiểm (đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo với tư duy chấp nhận rủi ro), ông Quân lưu ý.
Cũng theo ông Quân, hầu hết các kết quả nghiên cứu thành công đều cần nguồn lực tài chính để hoàn thiện sản phẩm, thương mại hóa, xây dựng thương hiệu.
Củng cố niềm tin của 3 "nhà"
Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam nêu thực tế: "Chúng ta chỉ kêu gọi liên kết 3 nhà (nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước) mà quên rằng ngân sách nhà nước hạn hẹp không thể đầu tư tiếp tục cho giai đoạn thương mại hóa, còn doanh nghiệp và nhà khoa học hoặc là thiếu lòng tin vào nhau, hoặc là chưa có chế tài của nhà nước bảo hộ hữu hiệu quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm quyền lợi của mỗi bên khi chuyển giao công nghệ và phát triển sản phẩm, vậy nên nhiều kết quả nghiên cứu tốt nhưng không được đầu tư trở thành sản phẩm ở quy mô thương mại".
Theo ông Quân, điểm mấu chốt của hệ sinh thái khởi nghiệp chính là đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp startup. "Bởi từ kết quả nghiên cứu ra thị trường, không ai (kể cả nhà khoa học và doanh nghiệp) có thể khẳng định được sản phẩm đó sẽ thành công và đem lại lợi nhuận. Do đó, họ phải tính đến khả năng thất bại khi đầu tư," ông Quân phân tích.
Ông Quân cho rằng, có hai hình thức đầu tư cho startup: Một là, các nhà đầu tư thiên thần, là những nhà đầu tư tự nguyện và trực tiếp cho doanh nghiệp, họ chấp nhận mạo hiểm. Nếu thành công thì cùng nhau chia sẻ lợi nhuận, còn nếu thất bại thì sẽ chấp nhận cùng chịu rủi ro. Hai là, các nhà đầu tư thông qua các quỹ đầu tư hay các tổ chức tài chính. Các quỹ đầu tư sẽ là nơi cung cấp các vốn mồi cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Các quỹ sẽ thay mặt nhà đầu tư quản lý nguồn vốn, sử dụng đội ngũ tư vấn pháp lý và tư vấn kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và được hưởng lợi nhuận từ các dự án đầu tư.
Nhà nước phải "dấn thân"
Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam nhận định, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để xây dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhà nước ban hành cơ chế tạo lập và bảo hộ tài sản trí tuệ của mọi tổ chức, cá nhân, quy định phương thức chuyển giao công nghệ, chuyển giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, cho phép thành lập và tạo cơ chế vận hành các loại hình Quỹ đầu tư mạo hiểm, kể cả của Nhà nước (giai đoạn đầu) và tư nhân, các loại hình tổ chức dịch vụ trong thị trường công nghệ.
"Muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp, việc tạo lập và vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp với các thành phần như trên là điều bắt buộc và không dễ dàng, nhất là khi chúng ta mới đang chập chững bước vào nền kinh tế thị trường," ông Quân nêu rõ.
Ông Quân đề xuất, song hành với việc cho phép thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, Nhà nước cần thử nghiệm để xây dựng cơ chế vận hành loại quỹ này cho phù hợp với thể chế của mình, kinh tế thị trường, bởi tại Việt Nam chưa hề có khái niệm và kinh nghiệm "đầu tư mạo hiểm". Dó đó, để có thể đầu tư mạo hiểm, Nhà nước cần đi trước một bước để có "bài học kinh nghiệm", từ đó ban hành quy định cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà nước trong lĩnh vực này.
Đồng quan điểm này, TS. Lương Minh Huân (Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc ổn định kinh tế vĩ mô, gỡ bỏ các rào cản, nhằm tạo thêm lòng tin cho người làm kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước cần tiếp tục kiên định các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, xây dựng lòng tin cho người kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Huân nhấn mạnh tới sự cần thiết phải xây dựng các chương trình hỗ trợ, khuyến khích phát triển khởi nghiệp có định hướng trong những lĩnh vực ưu tiên, đề cao tính đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó là xây dựng một cơ quan đầu mối tập hợp các chương trình hỗ trợ kinh doanh của Chính phủ để doanh nghiệp và những người làm kinh doanh dễ dàng tiếp cận, TS. Huân gợi ý.
Thông tin
Đăng trên | Báo Điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam |
Tác giả | Trần Ngọc |
Ngày đăng | 04/07/2018 |
Link bài gốc | https://vov.vn/kinh-te/nha-nuoc-can-di-truoc-mot-buoc-trong-dau-tu-mao-hiem-782713.vov |