Mã số N3027: Phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
So với xe chạy bằng nhiên liệu xăng hoặc dầu, khí nén thiên nhiên CNG được đánh giá mang lại hiệu quả cao hơn ở khía cạnh kinh tế, bảo vệ môi trường...
So với xe chạy bằng nhiên liệu xăng hoặc dầu (diesel), khí nén thiên nhiên CNG được đánh giá mang lại hiệu quả cao hơn không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, chi phí cho xe sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên CNG thấp hơn khoảng gần 40% so với xe chạy xăng hoặc dầu.
Ngoài ra, xe chạy bằng khí thiên nhiên CNG được đánh giá êm hơn, không có bụi và khói đen, các khí thải gây hại đến sức khỏe con người so với xe thông thường cũng giảm một nửa...
Trước Hà Nội, việc sử dụng nhiên liệu khí CNG đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng được thực hiện tại TP.HCM. Theo số liệu của Sở GTVT Tp.HCM, đến nay, thành phố này có khoảng gần 150 xe buýt sử dụng nhiên liệu khí CNG, trong tổng số hơn 3.000 phương tiện đang vận hành toàn hệ thống.
Tuy nhiên, thực tế từ hơn 7 năm triển khai xe buýt sử dụng nhiên liệu khí CNG tại TP.HCM cho thấy, có nhiều nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của dòng xe buýt này, trong đó có hai rào cản lớn nhất đó là cơ chế chính sách và đầu tư hạ tầng trạm nạp nhiên liệu.
Trong đó, khó khăn nhất hiện nay khiến loại xe buýt này không thể nhân rộng là do thiếu nguồn cung cấp khí CNG. TP.HCM cho biết, các chủ trương chính sách, phương án đầu tư, kế hoạch dành cho xe buýt CNG đều đã sẵn sàng, tuy nhiên không thể đầu tư mà chưa có nguồn cung cấp CNG.
Còn tại các đô thị lớn khác, việc vận hành phương tiện công cộng sử dụng nhiên liệu khí CNG cũng đã được nghiên cứu từ lâu, tuy nhiên chưa thực hiện được. Vì thế, việc Hà Nội sắp tới sẽ thí điểm mở các tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch được mong chờ sẽ là một trong những giải pháp giao thông xanh, thân thiện môi trường trong đô thị
Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến cho biết, đây là đơn vị này sẽ có dàn phương tiện chạy bằng khí CNG đầu tiên phục vụ vận tải hành khách công cộng, với chất lượng đạt chuẩn xe buýt chất lượng cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng bày tỏ sự lo lắng về khả năng tiếp cận nguồn nhiêu liệu cho phương tiện:
"Sẽ gặp nhiều trở ngại bởi các phương tiện giao thông xanh, thân thiện với môi trường thì sẽ có giá thành đắt; lắp đặt trạm tốn kém và vận hành hệ thống vất vả hơn; đồng thời sử dụng một quỹ đất lớn. Vì thế chúng tôi có đề xuất là Thành phố nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng các trạm khí CNG để xe buýt dễ dàng tiếp cận nguồn nguyên liệu thì mới dễ dàng vận hành".
Từ việc thấy được hai khó khăn lớn nhất mà xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch phải đối mặt là vốn và nguồn cung cấp nhiên liệu, đặt ra vấn đề, cần có chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ và các cơ quan chức năng để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xe buýt CNG. Các doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy chuẩn khí CNG và trạm nạp để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.
Đồng tình về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thông, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng HN cho rằng, vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các đô thị phải thực sự quan tâm và tạo ra những cú hích lớn để thúc dẩy doanh nghiệp cùng tham gia. Ông Thông nhấn mạnh:
"Thứ nhất cơ sở hạ tầng để cung cấp năng lượng loại này và doanh nghiệp cung cấp cái này liệu có hào hứng không? Như vậy nhà nước phải thúc đẩy vào đấy bằng các biện pháp ưu đãi cho họ. Thứ hai là hạ tầng kỹ thuật cho phương tiện, tức là thay đổi phương tiện. Nếu nhà nước, địa phương có tiền đầu tư một dự án phương tiện ấy thì chắc chắn doanh nghiệp phải làm. Vì vậy nhà nước phải có hai cú hích, thứ nhất là cú hích cho năng lượng cung cấp năng lượng và thứ hai là cú hích cho doanh nghiệp sử dụng phương tiện này bằng các chính sách ưu đãi và các chính sách khác."
Việc sắp tới đưa vào vận hành hệ thống phương tiện sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường như xe buýt chạy khí CNG tại Hà Nội đang được người dân Thủ đô quan tâm.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Kênh VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội:
PV: Xin ông cho biết, kế hoạch triển khai thí điểm 3 tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch từ 1/7 tới đây?
Ông Thái Hồ Phương: Từ 1/7 tới Sở GTVT Hà Nội sẽ triển thí điểm khai mở 3 tuyến xe buýt có sử dụng khí CNG. So với xe có động cơ xăng và dầu, xe sử dụng khí CNG sẽ giúp động cơ vận hành êm ái, các khí độc thải ra từ động cơ xe giảm từ 53 đến 63%, trong đó khí CO2 giảm 20%.
Đặc biệt xe sử dụng CNG sẽ không gây bụi và thải khói đen. Từ những ưu điểm trên, sau khi khảo sát và xây dựng phương án thí điểm xe chở khách có sử dụng CNG, Sở GTVT Hà Nội quyết định sử dụng loại xe này cho 3 tuyến buýt thành phố có kế hoạch mở mới.
Các tuyến buýt này bao gồm: tuyến buýt CNG 01, lộ trình: Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Sơn Tây; tuyến buýt CNG 02: lộ trình: Bến xe Yên Nghĩa - Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm); tuyến buýt CNG 03, lộ trình: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở II – Khu đô thị Times City.
PV: Trước những băn khoăn về nhiều khó khăn để nhân rộng loại phương tiện này ở Thủ đô, xin ông cho biết những giải pháp để khuyến khích phát triển phương tiện này?
Ông Thái Hồ Phương: TP Hà Nội đang chỉ đạo triển khai đề án cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải xe buýt từ nay đến 2020. Trong đó, bên cạnh phát triển luồng tuyến, thủ đô sẽ từng bước được đổi mới dàn phương tiện, hướng tới tính hiện đại và an toàn hơn.
Việc đưa vào vận hành các xe theo tiêu chuẩn mới, trong đó có xe chạy bằng nhiên liệu khí CNG cũng nằm trong đề án này. Bộ GTVT và chính quyền thành phố Hà Nội đang tập trung các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch tại thủ đô trong thời gian tới.
Hiện nay chúng ta đang triển khai trong các khâu chuẩn bị. Hy vọng tới đây, các xe CNG, Hybrid, những xe tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4 ngày càng được áp dụng nhiều hơn trong xe buýt HN.
Xin được cảm ơn những ý kiến của ông!
Nhìn chung, ứng dụng triển khai xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch ở nước ta vẫn còn nhiều thách thức. Hy vọng với sự vào cuộc của doanh nghiệp, chính quyền và các cơ quan chức năng sẽ có những chính sách tháo gỡ thỏa đáng những khó khăn này, để từng bước phát triển giao thông xanh, đồng thời tạo thêm sự hấp dẫn cho vận tải bằng xe buýt ở thủ đô trong thời gian tới.
Thông tin
Đăng trên | VOV |
Tác giả | Nguyễn Yên |
Ngày đăng | 02/06/2018 |
Link bài gốc | http://www.vovgiaothong.vn/tin-tuc/Giao-thong-do-thi/26080/Phat-trien-xe-buyt-su-dung-nhien-lieu-sach-Nhieu-vuong-mac-can-thao-go |