Mã số N3054: Chính quyền điện tử và những thí điểm công nghệ táo bạo
Đang có rất nhiều thí điểm công nghệ táo bạo về quản lý nhà nước và xã hội được thực hiện tại TPHCM, ngay từ cấp quận. Dù có thể sẽ gây ra không ít tranh cãi song những tham vọng ấy là cần thiết để gây dựng nền móng đầu tiên cho một thành phố thông minh.
Bước chuyển mình đầu tiên…
Tại Quận 1 - trái tim của TPHCM – những “hạt nhân” đầu tiên của chính quyền điện tử được nhìn thấy rõ nhất ở nhiều dịch vụ công trực tuyến đã “chạm trần” mức độ 3, mức độ 4 (cấp phép kinh doanh hộ cá thể, cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp phép xây dựng, báo cáo khai lao động, cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm); ở trang thông tin điện tử “2 chiều” có thể nhận phản hồi từ người dân…
Hay như tại một quận ngoại thành – quận 12 – bầu không khí sôi động của một chính quyền điện tử cũng đang được hâm nóng từng ngày. Bên cạnh các phần mềm quản lý địa bàn dân cư và hồ sơ công việc được triển khai đến tận từng phường (G-office) và Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến, chính quyền nơi đây cũng đang gây ngạc nhiên khi cho ra mắt Ứng dụng tương tác với người dân, có thể cài đặt trên nhiều thiết bị di động nối mạng. Từ đây, những phản ánh của công chúng kiểu văn bản, hình ảnh hay clip với thời gian thực và địa điểm diễn ra sự việc được cập nhật ngay cho các cơ quan có liên quan.
Chính quyền điện tử: Ai làm, làm như thế nào?
Một thách thức lớn với các địa phương khi xây dựng chính quyền điện tử là bắt đầu từ đâu và tiền đâu để làm? Nếu như tại quận 12, cái khó nhất ở đây không hẳn là chuyện “xoay đâu ra tiền” hay phải xây dựng dữ liệu điện tử ra sao, mà chính là khó khăn khi chuyển tất cả lượng dữ liệu, hồ sơ khổng lồ bằng giấy trong quá khứ thành dữ liệu điện tử. Ở một số bài toán “điện tử hóa” các nội dung quản lý nhà nước khác, chuyện tham vấn các đơn vị chuyên nghiệp là tất nhiên nhưng phải cân nhắc kẻo lại rơi vào tình trạng “nhận người ta làm tư vấn mà mình không kỹ lưỡng thì họ sẽ trở thành người… bán cả giải pháp và thiết bị cho mình, rõ nhất là với thiết bị y tế!”, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch quận 12 bộc bạch.
Bởi thế nên ông Hiếu tin rằng cách làm với chi phí rẻ nhất và rủi ro thấp nhất là quận sẽ ra “đề bài” và lên sơ đồ thiết kế cho các ứng dụng hoặc phần mềm cần thiết. Sau đó chỉ thuê ngoài gia công.
Có thể, nhiều người sẽ rất ngạc nhiên tự hỏi vì sao một địa bàn khá xa trung tâm, với một tỷ lệ lớn người dân vẫn còn giữ nghề nông như quận 12 lại ‘đủ sức’ trang bị hơn 500 camera kết nối với Trung tâm chỉ huy hình ảnh để cùng giám sát, quản lý trật tự đô thị và an toàn giao thông trên địa bàn? Thực tế thì đây là một cách làm điển hình trong vận động người dân và các tổ chức cùng tham gia kết nối hệ thống camera riêng của họ vào hệ thống chung.
Sự chuyển mình đó không chỉ ở cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại hay sự kết nối, tương tác thông minh giữa các cơ quan chính quyền với người dân, tổ chức mà còn thể hiện ở sự thay đổi tư duy và tầm nhìn của những người trực tiếp vận hành cỗ máy.
Theo Chủ tịch UBND Quận 1 Trần Thế Thuận, “từ khi thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, Quận quan niệm sự hài lòng của người dân là thước đo giá trị chuẩn xác nhất cho mọi công tác liên quan đến cải cách nền hành chính”.
Không chỉ thế, tư duy “dám làm, dám sai và dám sửa” để xây dựng chính quyền điện tử cũng thể hiện rõ hơn lúc nào hết với khẳng định của Chủ tịch quận 12 Lê Trương Hải Hiếu “làm sao một đội ngũ 5-7 con người có thể tìm được hết các lỗi từ nội dung đến kỹ thuật của một ứng dụng, chỉ có mạnh dạn đưa vào thực tế cho người dân sử dụng và tiếp thu phản ánh thì mới đúc rút được nhiều cái hay, lúc đó mình sẽ tìm ra điểm cần sửa”.
Ông Lê Hải Bình, chủ tịch HĐQT của Công ty chuyên cung cấp giải pháp phần mềm Mắt Bão cũng cho rằng “hãy lấy ý kiến đông đảo người dân về các công cụ điện tử trong quản lý nhà nước đi, rồi chúng ta sẽ làm ra đúng cái mà người ta muốn dùng, chứ không phải cái mà chúng ta đang có”. Doanh nhân công nghệ này cũng tin rằng một chính quyền điện tử sẽ thực sự được hình thành hiệu quả và nhanh chóng hơn nếu có cơ chế cho phép cán bộ công chức trực tiếp thực thi “quyền được sai và sửa sai”.
Những hé rạng đầy tham vọng
Không ai biết khi nào thì một địa phương được thừa nhận là đã xây dựng thành công chính quyền điện tử, nhưng có điều chắc chắn đó là một con đường rất rất dài và xu thế số hóa quản lý nhà nước là một phần tất yếu không thể tránh khỏi.
Tại Quận 12 của TPHCM, có thể nhìn thấy những tiền đề đầu tiên của chính quyền điện tử trong 2 hệ thống cơ sở dữ liệu đang được xây dựng gồm dữ liệu công dân và dữ liệu hạ tầng với rất nhiều thông tin được kết nối với nhau về nhân thân, hộ tịch, tình trạng việc làm, quyền sở hữu đất đai, hồ sơ y tế, giáo dục…
Địa phương này cũng là nơi đang xây dựng rất nhiều các phần mềm quản lý cán bộ công chức, quản lý tạm trú – tạm vắng, nhân khẩu, quản lý tài sản, cây xanh và cho ứng dụng IoT (Internet of Thing) để xây dựng hệ thống quản lý thủy lợi - cảnh báo triều cường, hệ thống giám sát tưới tiêu… “Sẽ sử dụng cả mạng xã hội facebook và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tương tác với người dân nhằm liên tục cung cấp thông tin và tư vấn các thủ tục hành chính cho người dân”, người lãnh đạo quận 12 không giấu giếm những hoài bão về một chính quyền điện tử trong tương lai.
Trong khi đó, là “trái tim” hành chính – kinh tế của TPHCM - quận 1 cũng đã có kênh tương tác và phần mềm “một cửa điện tử” từ năm 2015 để kịp thời giúp người dân gửi phản ánh về mọi vấn đề liên quan đến đời sống, an ninh trật tự và thủ tục hành chính. Ông Trần Thế Thuận, chủ tịch UBND Quận khẳng định ngay năm 2018 sẽ lập hàng loạt đề án về phòng cháy chữa cháy thông minh, quản lý đô thị thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh và Trung tâm điều hành an toàn thông tin; triển khai hệ thống tích hợp camera an ninh thông minh quản lý an ninh trật tự đô thị; triển khai dịch vụ công cấp chứng chỉ quy hoạch trực tuyến và phần mềm liên thông quản lý xử phạt vi phạm hành chính.
Rõ ràng, chính quyền điện tử theo hướng số hóa là nền tảng cơ bản cho tham vọng xây dựng nên những đô thị thông minh trong tương lai. Vậy khi có “nền” rồi, những bức tường và trụ cột đầu tiên của một thành phố thông minh sẽ ra sao trong hình dung của các nhà thiết kế? Tại TPHCM, trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có những giải pháp và mô hình hợp tác cụ thể ngay từ bây giờ.
Thông tin
Đăng trên | Cổng thông tin điện tử Chính phủ thành phố Hồ Chí Minh |
Tác giả | Phương Hiền |
Ngày đăng | 22/02/2018 |
Link bài gốc | http://tphcm.chinhphu.vn/chinh-quyen-dien-tu-va-nhung-thi-diem-cong-nghe-tao-bao |