Mã số N2082: Một số hoạt động bổ trợ giúp phát triển khả năng tư duy sáng tạo và năng lực vận dụng ngôn ngữ tiếng Anh vào thực tiễn cho học sinh khối 8 với giáo trình I-Learn Smart World
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Năm học 2021-2022 là năm học toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo. Trên tinh thần đó, các trường cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch và các phương án dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đưa hoạt động giáo dục dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ phòng chống dịch, chúng ta đang tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, tiếp tục thực hiện phương châm: “Lấy học sinh làm trung tâm”, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Trong điều kiện cho phép, nhằm chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố do Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Phòng Giáo dục đào tạo huyện Bình Chánh đã tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện để tuyển chọn những học sinh xuất sắc nhất vào đội tuyển tham gia thi cấp thành phố. Bên cạnh đó, nhằm tạo thêm sân chơi cho các em yêu thích bộ môn tiếng Anh, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện cũng linh hoạt tổ chức hội thi Thuyết minh viên tiếng Anh lần thứ hai cấp Trung học cơ sở với hình thức quay clip thuyết minh và bình chọn kết quả trực tuyến. Từ đó có thể thấy, các cấp lãnh đạo luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em thể hiện năng lực và khả năng vận dụng ngôn ngữ của mình vào thực tiễn cuộc sống.
Trong các năm học gần đây, dựa trên đặc điểm tình hình học sinh của trường, giáo viên tổ tiếng Anh trường THCS Phong Phú thống nhất tham mưu nhà trường sử dụng giáo trình I-Learn Smart World do công ty cổ phần giáo dục Đại Trường Phát phát hành để giảng dạy cho học sinh khối 8. Theo tôi, đây là khối lớp mà các em có khả năng tư duy sáng tạo và năng lực vân dụng rất cao. Nhằm tạo điều kiện tối đa cho các em có thể phát triển năng lực của mình, bên cạnh những hoạt động được thiết kế trong giáo trình, tôi thiết nghĩ cần có thêm một số hoạt động gần gũi, thiết thực hơn nữa để các em có thêm cơ hội luyện tập. Chính vì thế, tôi lựa chọn đề tài: “Một số hoạt động bổ trợ giúp phát triển khả năng tư duy sáng tạo và năng lực vận dụng ngôn ngữ vào thực tiễn cho học sinh khối 8 với giáo trình I-Learn Smart World.”
II. THỰC TRẠNG
Giáo trình I-Learn Smart World – Grade 8 cũng đã chú trọng thiết kế các hoạt động cho học sinh luyện tập đầy đủ các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết với những nội dung chủ yếu liên quan đến phong tục, tập quán, văn hóa, … của các quốc gia nói tiếng Anh trên thế giới, trong đó có một số bài liên quan đến văn hóa Việt Nam. Trong các tiết học tiếng Anh với người bản xứ, giáo viên cũng chủ yếu dành thời gian cho các em luyện tập kỹ năng giao tiếp với nhau dựa trên nội dung biên soạn của giáo trình và giải thích thêm để các em hiểu rõ hơn về văn hóa các quốc gia nói tiếng Anh. Tuy nhiên, tôi nhận thấy các em học sinh dường như khá xa lạ và cũng có rất ít kiến thức về tập quán, văn hóa của người nước ngoài và cũng chưa có nhiều cơ hội để vận dụng những kiến thức này vào thực tiễn cuộc sống. Điều này cũng khá dễ hiểu, do đa số các em sinh sống ở địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh là một vùng ven ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh nên cũng ít có điều kiện tiếp cận và làm quen với văn hóa người nước ngoài thường xuyên. Chính vì thế, các em đa phần tham gia vào các hoạt động luyện tập này một cách thụ động, máy móc, thiếu tự tin, thiếu sôi nổi, thiếu tính vận dụng và sáng tạo.
III. NỘI DUNG GIẢI PHÁP
Nhằm giúp các em có thêm cơ hội để phát triển năng lực vận dụng ngôn ngữ vào những tình huống gần gũi, thực tiễn hơn và phát triển tối đa khả năng tư duy sáng tạo của các em, bên cạnh các hoạt động trong giáo trình, tôi đã tham khảo, thiết kế thêm một số hoạt động bổ trợ khác, vừa giúp các em luyện tập, vừa mở rộng nâng cao kiến thức và phát triển năng lực và nhân cách.
Tùy tình hình thực tế, trong điều kiện có thể tổ chức học tập trực tiếp, giáo viên có thể linh động tổ chức các hoạt động nhanh gọn trong thời gian 5-7 phút như một hoạt động củng cố cuối giờ học (post activity) hoặc một hoạt động bổ trợ (extra activity) trong thời gian 10-15 phút vào các tiết dạy buổi hai. Nếu trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp phải tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên có thể tổ chức chia nhóm trong phòng học trực tuyến để các em có thể thảo luận, còn phần trình bày thuyết trình sản phẩm thay vì thực hiện trực tiếp các em có thể quay clip và nộp sản phẩm để các bạn khác và giáo viên nhận xét, đánh giá.
Trong năm học 2021 – 2022 vừa qua, tôi đã thiết kế và đưa vào các tiết học khối 8 một số hoạt động sau:
1. Hoạt động làm khảo sát (Doing a survey)
Ví dụ: I-Learn Smart World - Theme 1: FREE TIME (Thời gian rỗi)
Mục tiêu khảo sát: What are the most popular leisure activities do your class do? (Những hoạt động phổ biến nhất mà lớp bạn làm trong thời gian rỗi là gì?)
a. Cách tiến hành:
- Giáo viên phân chia nhóm, yêu cầu học sinh suy nghĩ và viết ra những câu hỏi mà các em cần để phục vụ cho mục tiêu khảo sát dựa trên một số câu hỏi có trong nội dung chủ đề bài học, thảo luận sắp xếp lại để có được một bảng hệ thống câu hỏi có trình tự logic.
- Học sinh trong nhóm tiến hành khảo sát lẫn nhau dựa trên hệ thống câu hỏi.
- Đại diện một số nhóm lên báo cáo kết quả khảo sát và nêu ra hoạt động phổ biến nhất và ít phổ biến nhất mà các bạn trong nhóm thích làm trong thời gian rỗi.
- Từ kết quả khảo sát của các nhóm, các em sẽ biết được hoạt động phổ biến nhất cũng như ít phổ biến nhất mà các bạn trong lớp mình thích làm trong thời gian rỗi.
- Giáo viên nhận xét hoạt động và định hướng cho học sinh những hoạt động trong thời gian rỗi nào có thể mang lại lợi ích tối đa cho các em.
b. Kết quả:
- Học sinh biết cách lập bảng hệ thống câu hỏi khảo sát bằng tiếng Anh nhằm đạt được mục tiêu cần khảo sát.
- Học sinh luyện tập được kỹ năng phỏng vấn khảo sát và trả lời phỏng vấn khảo sát.
- Học sinh nắm được các hoạt động phổ biến nhất mà các bạn trong lớp thích làm trong thời gian rỗi.
- Học sinh định hướng được những hoạt động trong thời gian rỗi nào có thể mang lại lợi ích tối đa cho các em.
2. Hoạt động thảo luận nhóm – thuyết trình (Discussion – Presentation)
Ví dụ: I-Learn Smart World - Theme 2: TRADITIONS (Các truyền thống)
Nội dung thảo luận và thuyết trình: Discussing about some Vietnamese traditions of wedding celebrations, women’s lives in the past, musical intruments, … (Thảo luận và trình bày những hiểu biết của em về các phong tục truyền thống của Việt Nam về lễ cưới, cuộc sống của người phụ nữ xưa, các dụng cụ âm nhạc truyền thống, …)
a. Cách tiến hành:
- Giáo viên phân chia nhóm, cho học sinh bốc thăm chọn chủ đề giáo viên chuẩn bị sẵn hoặc cho các em tự chọn chủ đề mà các em yêu thích liên quan đến văn hóa truyền thống của Việt Nam về truyền thống đám cưới, cuộc sống của phụ nữ Việt Nam xưa, nhạc cụ truyền thống của dân tộc, …
- Các em tiến hành thảo luận về chủ đề đã chọn, lưu ý so sánh với văn hóa hiện đại liên quan đến chủ đề đó, từ đó nêu quan điểm của mình.
- Đại diện các nhóm trình bày kết quả thảo luận của nhóm.
- Các nhóm khác nêu ý kiến bổ sung (nếu có).
- Giáo viên nhận xét và định hướng cho học sinh giữ gìn, bảo vệ và phát triển những nét văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
b. Kết quả:
- Học sinh phát triển được kỹ năng thảo luận nhóm, kỹ năng trình bày quan điểm và kỹ năng trình bày kết quả thảo luận.
- Học sinh mở rộng hiểu biết về những truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, so sánh với văn hóa hiện đại, hình thành thái độ tôn trọng và ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc.
3. Hoạt động sắm vai (Role-play)
Ví dụ: I-Learn Smart World - Theme 3: OUR WORLD (Thế giới của chúng ta)
a. Cách tiến hành:
- Giáo viên phân nhóm, cho học sinh bốc thăm tình huống sắm vai.
b. Kết quả:
- Học sinh có thể vận dụng kiến thức để giao tiếp trong một số tình huống thực tiễn khi đi du lịch như: lên kế hoạch đi du lịch, hỏi hoặc chỉ đường cho người khác đến những địa điểm khác nhau, tại sân bay, hoặc khi mua sắm, …
4. Hoạt động “Hướng dẫn viên du lịch nhí” (A little tour guide)
Ví dụ: I-Learn Smart World - Theme 4: OUR PAST (Quá khứ của chúng ta)
Nội dung: Thuyết minh về một di tích lịch sử hoặc địa chỉ đỏ tại địa phương mà em biết.
a. Cách tiến hành:
- Giáo viên phân chia nhóm. Mỗi nhóm thảo luận chọn một địa điểm lịch sử, tìm kiếm thu thập thông tin liên quan đến địa điểm lịch sử đó để phục vụ cho phần thuyết trình.
- Đại diện nhóm trình bày phần thuyết trình, khuyến khích các nhóm sử dụng phần mềm power point hoặc hoạt cảnh minh họa hỗ trợ cho phần thuyết trình thêm sinh động.
- Giáo viên nhận xét và định hướng học sinh về lòng tự hào và ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
b. Kết quả:
- Học sinh phát triển kỹ năng tìm kiếm chọn lọc xử lý thông tin liên quan đến chủ đề từ nhiều nguồn khác nhau.
- Học sinh phát triển kỹ năng trình bày thuyết trình.
- Học sinh mở rộng kiến thức về các địa điểm lịch sử nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh và tại địa phương xã Phong Phú, từ đó hình thành niềm tự hào và ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
5. Hoạt động Phòng triễn lãm (Art Gallery)
Ví dụ 1: I-Learn Smart World - Theme 5: POLLUTION (Sự ô nhiễm)
Nội dung: Vẽ tranh tuyên truyền bảo vệ môi trường
a. Cách tiến hành:
- Học sinh có thể làm việc theo nhóm hoặc cá nhân, vẽ tranh về chủ đề bảo vệ môi trường, sau đó trình bày ngắn gọn nội dung và nêu thông điệp của mình thể hiện qua bức tranh.
- Giáo viên nhận xét hoạt động và định hướng học sinh về ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường.
b. Kết quả:
- Học sinh thể hiện ý thức tuyên truyền bảo vệ môi trường thông qua sản phẩm hội họa.
- Học sinh rèn luyện được kỹ năng thuyết trình và tuyên truyền.
Ví dụ 2: I-Learn Smart World - Theme 6: FESTVALS (Các lễ hội)
Nội dung: Học sinh làm việc nhóm tạo ra các sản phẩm đất sét nặn và thuyết trình sản phẩm về chủ đề các lễ hội như Tết Nguyên đán, Giáng sinh, …
a. Cách tiến hành:
- Các nhóm sử dụng đất sét nặn để tạo ra sản phẩm nói về chủ đề các lễ hội tại Việt Nam và trên thế giới.
- Đại diện nhóm trình bày về sản phẩm của nhóm mình.
- Giáo viên nhận xét và định hướng học sinh về ý thức giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của các lễ hội cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
b. Kết quả:
- Học sinh phát triển khả năng sáng tạo về hội họa thông qua những sản phẩm nặn đất sét.
- Học sinh phát triển kỹ năng trình bày trước đám đông.
- Học sinh hiểu thêm và hình thành ý thức giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của các lễ hội cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
6. Hoạt động “Phỏng vấn viên” (Making an interview)
Ví dụ: Theme 8: I-Learn Smart World - NATURAL DISASTERS (Thảm họa thiên nhiên)
a. Cách tiến hành:
- Học sinh hoạt động theo cặp, một bạn là phóng viên sẽ phỏng vấn bạn còn lại là cảnh sát hoặc lãnh đạo địa phương nơi vừa xảy ra một thảm họa thiên nhiên. (Khuyến khích học sinh tìm hiểu thông tin về những thảm họa thiên nhiên đã diễn ra tại Việt Nam gần đây.)
- Một số cặp trình bày, giáo viên nhận xét, cùng học sinh thảo luận nhằm định hướng học sinh ý thức bảo vệ môi trường cũng như cách ứng phó để hạn chế hoặc giảm thiểu những ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên.
b. Kết quả:
- Học sinh phát triển kỹ năng phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.
- Học sinh hiểu thêm về các thảm họa thiên nhiên thường xảy ra tại Việt Nam và ảnh hưởng của chúng cũng như cách để ứng phó với các thảm họa thiên nhiên.
7. Hoạt động Thi đố vui kiến thức (Quiz competition)
Ví dụ: I-Learn Smart World - Theme 10: LIFE ON OTHER PLANETS (Sự sống ở các hành tinh khác)
Nội dung: Em biết gì về trái đất và các hành tinh khác trong hệ mặt trời? (What do you know about the earth and other planets?)
a. Cách tiến hành:
- Giáo viên soạn một số câu hỏi đố vui tìm hiểu về đặc điểm cấu tạo trái đất và các hành tinh khác trong thái dương hệ.
- Các nhóm tìm hiểu thông tin về đặc điểm cấu tạo trái đất và các hành tinh khác trong thái dương hệ.
- Mỗi nhóm lần lượt chọn câu hỏi và trả lời, các nhóm còn lại có thể trả lời bổ sung để ghi điểm cho đội của mình.
- Kết thúc phần thi, đội nào có số điểm cao nhất là đội thắng cuộc.
b. Kết quả:
- Học sinh tìm hiểu, mở rộng kiến thức khoa học vũ trụ về trái đất và các hành tinh khác trong hệ mặt trời.
- Học sinh hình thành ý thức bảo vệ trái đất.
Một số hình ảnh minh họa
Đánh giá rút kinh nghiệm:
Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động bổ trợ trên, giáo viên cần làm tốt khâu chuẩn bị, hướng dẫn thật cặn kẽ, quan sát, giúp đỡ kịp thời để học sinh có thể mạnh dạn, tự tin tham gia vào các hoạt động và phát huy hết năng lực của mình. Tùy theo trình độ học sinh mỗi lớp mình giảng dạy, giáo viên sẽ linh hoạt điều chỉnh cách tổ chức hoạt động cho phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất. Đối với các lớp nhanh nhạy và tự tin, giáo viên cần tạo điều kiện để các em phát huy sự phản xạ nhạy bén trong việc vận dụng ngôn ngữ của mình để giải quyết các tình huống, giáo viên chủ yếu đóng vai trò hướng dẫn và nhận xét. Còn đối với các lớp mà đa số học sinh có trình độ thấp hơn, thụ động hoặc nhút nhát, giáo viên cần chuẩn bị nhiều hơn, cụ thể hơn có thể gợi ý hoặc hỗ trợ học sinh trong quá trình các em tham gia để giúp các em tự tin hơn.
Về hình thức tổ chức các hoạt động, tùy theo hoạt động và điều kiện tổ chức, giáo viên có thể sử dụng bảng nhóm, worksheet, questionnaire, slide trình chiếu power point, tranh ảnh, đạo cụ sắm vai, … để hoạt động diễn ra đa dạng, hấp dẫn, thu hút hơn.
Nhằm thúc đẩy học sinh tham gia tích cực vào các hoạt động trên, giáo viên cần có các hình thức động viên, khuyến khích đa dạng như: cho điểm thưởng, điểm cộng, quà tặng, giấy khen, giấy chứng nhận, … để các em có thêm động lực thể hiện bản thân mình, tuyệt đối không la mắng hay chỉ trích tiêu cực khi các em chưa làm tốt.
IV. HIỆU QUẢ MANG LẠI:
Qua quá trình áp dụng đề tài vào thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy học sinh ngày càng có nhiều tiến bộ trong học tập:
- Học sinh có hứng thú và tích cực hơn trong tiết học.
- Các tiết học trở nên sôi nổi và sinh động hơn.
- Học sinh mở rộng được kiến thức liên quan đến chủ đề bài học cũng như phát huy được khả năng vận dụng kiến thức vào các tình huống thực tiễn và phát huy được tính sáng tạo qua thực hiện các hoạt động.
- Các em ngày càng tự tin hơn trong tham gia vào các hoạt động, nhất là các hoạt động như vẽ tranh hoặc nặn đất sét, …
Điều đó cho thấy đề tài mà tôi đang nghiên cứu phần nào đã mang lại hiệu quả trong quá trình giảng dạy thực tế.
Kết quả học tập bộ môn tiếng Anh của lớp 8 cuối năm học 2021 – 2022: 100% học sinh đạt trên trung bình.
V. KẾT LUẬN:
Trên đây là một số hoạt động bổ trợ nhằm giúp học sinh phát triển khả năng tư duy sáng tạo và năng lực vận dụng thực tiễn cho học sinh khối 8 với giáo trình I-Learn Smart World và kết quả thực tế vận dụng của bản thân tôi. Tôi nhận thấy rằng trong quá trình dạy học, giáo viên cần cố gắng tổ chức các phương pháp một cách linh hoạt sao cho phù hợp đối tượng học sinh nhằm giúp các em mạnh dạn, tự tin phát huy hết khả năng của mình. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần khéo léo sử dụng các thủ thuật sư phạm nhằm kích thích hứng thú học tập của học sinh và giúp cho các em từng bước cải thiện bản thân mình cả về phẩm chất lẫn năng lực.
Để hưởng ứng phong trào đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông, dạy học theo hướng phát huy phẩm chất năng lực học sinh, với tư cách là một giáo viên dạy bộ môn ngoại ngữ tôi rất mong muốn đóng góp một phần kinh nghiệm của mình cùng với các thầy cô giáo và các bạn đồng nghiệp, vận dụng các phương pháp dạy học tích cực ngày càng có hiệu quả hơn giúp cho các em học sinh ngày càng thích học ngoại ngữ, có thể học tập chủ động, tự tin hơn bằng chính khả năng của mình.
Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và bổ sung cho những thiếu sót, hoàn thiện hơn những ưu điểm mà đề tài đã đạt được trong thời gian qua nhằm giúp các em học sinh phát huy hết năng lực của mình trong quá trình học tập và vận dụng ngôn ngữ vào thực tiễn.
Thông tin
Tên tác giả: NGUYỄN THỊ THÙY DƯƠNG
Đơn vị đồng hành
Đơn vị bảo trợ truyền thông