Mã số N2115: Một số biện pháp giúp học sinh lớp 4 học tốt văn miêu tả
1. Thực trạng:
- Một số em chưa nắm rõ cấu tạo của bài văn miêu tả. Các em chưa biết cách trình bày một cách mạch lạc, gãy gọn thành các đoạn nên bài viết các em diễn đạt lộn xộn, thiếu logic, sáng tạo.
- Nhiều em chưa có kĩ năng quan sát, chủ yếu quan sát bằng mắt, từ đó chưa cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc, độc đáo của sự vật, hiện tượng.
- Vốn sống, vốn kiến thức văn của học sinh nhất còn hạn chế. Đa số các em là con trong những gia đình có bố mẹ làm lao động, ba mẹ chưa có nhiều thời kèm cặp cho con.
- Bài làm các em còn sao chép lại văn mẫu,thiếu cái chân thực, sự sáng tạo riêng.
2. Nội dung giải pháp:
2.1. Biện pháp 1: Tổ chức, hướng dẫn học sinh quan sát đối tượng miêu tả
a. Hướng dẫn học sinh quan sát bằng nhiều giác quan:
- Dạy cho học sinh kĩ năng quan sát là yêu cầu quan trọng khi viết văn miêu tả. Muốn quan sát tốt học sinh phải nắm được phương pháp quan sát. Quan sát để làm Tập làm văn và quan sát để hiểu về khoa học có hai mục đích khác nhau. Mục đích quan sát khoa học là để tìm ra công dụng, cấu tạo, đặc điểm, tính chất của sự vật hiện tượng. Mục đích quan sát văn học là để tìm được hình dạng, màu sắc, âm thanh tiêu biểu từ cảm xúc của người đối với sự vật.
* Dùng mắt để quan sát: Dùng mắt quan sát thường tả màu sắc, hình thức sự vật, có thể phát hiện ra nhiều nét độc đáo tinh tế của sự vật.
* Quan sát bằng tai: Dùng tai nghe được âm thanh nhịp điệu và gợi cảm xúc. Dùng tai khi quan sát để bổ trợ cho việc miêu tả đối tượng một cách cụ thể hơn, sinh động hơn.
* Quan sát bằng mũi: Quan sát bằng mũi sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về đối tượng, từ đó biết chọn ra những nét tinh tế của sự vật. Nếu quan sát bằng mũi một cách tinh tế thì chúng ta sẽ phân biệt được các mức độ khác nhau về mùi thơm đó.
* Quan sát bằng vị giác, xúc giác: Trong miêu tả có những đối tượng ngoài việc miêu tả bằng cách quan sát trên thì cần giúp học sinh quan sát bằng xúc giác, vị giác.
- Tóm lại muốn tái hiện các sự vật, hiện tượng, cách quan sát tốt nhất là phải dùng nhiều giác quan thì tài năng văn mới phong phú, muôn hình muôn vẻ.
b. Hướng dẫn HS lựa chọn trình tự quan sát:
* Trình tự không gian: Thường quan sát bao quát đến quan sát chi tiết từng bộ phận, quan sát từ trái sang phải hay từ trên xuống dưới, hay từ ngoài vào trong, nhìn từ xa lại gần....và ngược lại,...
* Trình tự thời gian: Miêu tả theo trình tự thời gian ngoài việc tạo cho bài văn logic mà còn lột tả được đặc điểm của sự vật.
c. Hướng dẫn HS tìm ra được nét riêng biệt, nét tiêu biểu, nét độc đáo của sự vật: Đúng như nhà văn Tô Hoài đã nói: “Quan sát giỏi phải thấy ra nét chính, thấy được tính riêng, móc được những ngóc ngách của sự vật, của vấn đề. Nhiều khi chẳng cần đầy đủ sự việc, chỉ chép lại những đặc điểm mà mình cảm nhận như Một câu nói lột tả tính nết, những dáng người và hình bóng, tiếng động, ánh đèn, nét mặt, một trạng thái tư tưởng do mình đã khổ công ngắm, nghe, nghĩ, mới bật lên và khi bật lên thì thấy thích thú hào hứng không ghi không chịu được.” (Trích “sổ tay viết văn” – NXB tác phẩm mới 1977).Khi quan sát phải có trọng tâm, không phải kiểu quan sát nhặt nhạnh, liệt kê, kể lể một cách khô khan dẫn đến miêu tả rườm rà, sẽ không thể làm nổi bật được đối tượng cần miêu tả.
2.2. Biện pháp 2: Hướng dẫn học sinh lập dàn ý bài văn miêu tả bằng cách sử dụng sơ đồ tư duy:
- Lập dàn ý là một việc làm không thể thiếu của một bài văn miêu tả nói riêng và các thể loại văn khác nói chung. Nó giống như một cái sườn của bài văn để các em dựa vào đó viết văn đủ ý, bài văn mạch lạc và theo một trình tự nhất định.. Nếu như học sinh lập được dàn ý đúng, đầy đủ thì coi như bài viết đã thành công một nửa.
- Đầu tiên, cho học sinh nắm chắc bố cục bài văn miêu tả trong chương trình tiểu học gồm ba phần: mở bài, thân bài, kết luận. Riêng phần mở bài học sinh có thể lựa chọn gián tiếp hay trực tiếp; kết bài mở rộng hay không mở rộng.
- Sau đó, hướng dẫn các em Quy trình tạo lập sơ đồ tư duy:
- Đọc đề bài, tìm hiểu đề: trên cơ sở nắm rõ yêu cầu các em sẽ lựa chọn, sắp xếp các nội dung bằng các từ ngữ then chốt trong tư duy
- Vẽ sơ đồ tư duy theo mạch ý tưởng đã hình thành
- Báo cáo, thuyết minh về sơ đồ tư duy
- Thảo luận, góp ý chỉnh sửa, hoàn thiện sơ đồ tư duy.
- Củng cố kiến thức về bài văn trên sơ đồ đã lập.
- Dựa trên sơ đồ tư duy viết thành bài văn hoàn chỉnh.
- Kiểm tra xem bài văn và sơ đồ tư duy có thống nhất – ghi nhớ – vận dụng linh hoạt cho các bài văn cùng thể loại.
- Sau khi các em hình thành dàn ý trên bài văn hoàn chỉnh, tôi giúp học sinh hoàn thiện một số đề bài cụ thể.
2.3. Biện pháp 3: Hướng dẫn học sinh sử dụng kiến thức văn học qua phân môn Tập đọc và các môn học khác để làm giàu vốn từ văn miêu tả
- Vốn từ ngữ có ý nghĩa quan trọng đối với việc làm văn miêu tả. Giúp học sinh tích luỹ vốn từ ngữ miêu tả và lựa chọn từ ngữ là vấn đề quan tâm của mọi giáo viên. Cách làm nhanh nhất là thông qua môn Tập đọc. Tôi luôn tận dụng vốn quý này để tích lũy thêm vốn từ cho các em bằng việc yêu cầu ghi lại những từ ngữ, câu văn hay vào cuốn sổ tay, tập đặt câu để hiểu, sử dụng chúng sáng tạo biến từ đó là vốn từ của mình. Dạy các bài tập đọc, giáo viên cần chỉ ra các từ ngữ miêu tả, có thể chọn trường hợp đặc sắc để phân tích cái hay, sự sáng tạo của nhà văn.
a. Sử dụng kiến thức văn học qua phân môn Tập đọc, Luyện từ và câu:
- Phân môn Tập đọc học sinh tích lũy được “ vốn liếng” từ không hề nhỏ. Ngoài ra cuối mỗi tiết Tập đọc tôi thường cho học sinh tìm những câu văn hay trong bài, mang tính nghệ thuật cao để các em đưa vào văn bản của mình
- Dạy phân môn Luyện từ và câu là dịp để học sinh không chỉ nhận biết từ mới mà con hiểu rõ nghĩa của chúng, phân biệt được từ cùng nghĩa, trái nghĩa cho phù hợp, biết dùng các từ tượng hình, tượng thanh, từ láy trong văn miêu tả.
b. Sử dụng kiến thức văn học từ các môn học khác:
- Môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý, cũng như các môn học khác cung cấp những kiến thức về cuộc sống xung quanh, giúp các em tìm hiểu về những hiện tượng thiên nhiên như nắng, gió, mây, mưa,…những con suối, dòng sông,…những cánh rừng, ngọn núi,… những con vật, đồ vật thân thiết, gần gũi với các em,…Những bức vẽ trong môn Mĩ thuật cũng giúp học sinh rèn luyện kĩ năng quan sát, trí tưởng tượng phong phú, sự cảm nhận tinh tế về màu sắc.
c. Sử dụng kiến thức văn học từ vốn sống thực tế:
- Những lời hát ru, những câu thành ngữ, tục ngữ, những lời ăn tiếng nói trong giao tiếp hàng ngày, những bản nhạc hay, những câu chuyện hấp dẫn, những chuỗi sự việc hằng ngày diễn ra,… sẽ là những tri thức rất quý báu giúp các em rèn luyện khả năng giao tiếp, khả năng sử dụng ngôn từ và khả năng tạo lập văn bản.
- Như vậy có thể thấy, việc bồi dưỡng và tích luỹ kiến thức là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các thầy cô giáo, cha mẹ định hướng cho các em, tạo cho các em có cơ hội được hoà nhập với thế giới thiên nhiên và những mối quan hệ xung quanh.
3. Hiệu quả mang lại:
- Sau quá trình thực hiện và đưa vào thực tế trong phạm vi đề tài ở tiết Tập làm văn miêu tả lớp 4, tôi nhận thấy các em học sinh của lớp mình có nhiều tiến bộ. Tình trạng học sinh làm lạc đề, sai lỗi về chính tả, dùng từ đặt câu chưa phù hợp... đã giảm rõ rệt. Nhiều học sinh biết cách sử dụng những biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa làm cho bài văn trở nên sinh động và giàu hình ảnh, cảm xúc chân thật hơn.
Cụ thể:
4. Bài học kinh nghiệm:
Như vậy với quá trình nghiên cứu và viết sáng kiến kinh nghiệm của mình, tôi đã rút ra một số kinh nghiệm hết sức quý báu trong quá trình dạy học của bản thân là:
- Để giúp học sinh học tốt phần Tập làm văn miêu tả nói riêng và các thể loại Tập làm văn khác nói chung thì người giáo viên phải biết hướng học sinh vào các hoạt động đa dạng như biện pháp đã đưa ra, chứ không đơn thuần là dạy thật hay ở một bài cụ thể nào đó.
- Hiệu quả dạy học cao nó không chỉ đơn thuần là hoạt động dạy của thầy tốt, mà nó còn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động học của trò. Người giáo viên phải biết dung hòa giữa vai trò của thầy và vai trò của học sinh trong cả quá trình dạy học, để hướng hoạt động học tập đến một hiệu quả cao nhất. Học sinh không chỉ thừa hưởng tri thức mà phải có cách chiếm lĩnh tri thức, phải có phương pháp học tập cụ thể và khoa học.
- Trong thể loại Tập làm văn miêu tả cũng như các thể loại khác trong phân môn Tập làm văn mà kể cả những môn học khác, việc hình thành cho học sinh một cơ sở tri thức và phương pháp học tập ban đầu là hết sức cần thiết. Chính vì vậy chúng ta không nên lơ là vấn đề này trong mỗi tiết học.
- Đỉnh cao của quá trình dạy học là việc tự học, tự rèn luyện, là việc tìm ra con đường học sinh chiếm lĩnh tri thức một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Thông tin
Tên tác giả: TRANG KIM VÀNG
Đơn vị đồng hành
Đơn vị bảo trợ truyền thông