Mã số N2116: Rèn kĩ năng tự học cho học sinh lớp 5
I. Đặt vấn đề:
Học sinh lứa tuổi tiểu học các em chưa có nhiều thói quen tự học tự làm việc với tài liệu, sách giáo khoa. Bên cạnh đó việc học 2 buổi/ngày học sinh không được giao bài tập và học tại nhà nên giảm thói quen tự học của các em. Quá trình dạy học trên lớp một số giáo viên ít chú ý đến việc hướng dẫn, hình thành thói quen tự học, cách tự làm việc, tự nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu đã làm cho các em chậm phát triển về năng lực học tập, sáng tạo dẫn đến kết quả dạy học, giáo dục của một số học sinh chưa đạt như mong muốn.
Việc phát triển năng lực tự học được các văn bản của Đảng, Quốc hội, ngành chỉ rõ và thực tế thói quen tự học của một số học sinh tại các trường tiểu học chưa đảm bảo. Do đó, mỗi cán bộ quản lí và đặc biệt là giáo viên trực tiếp đứng lớp cần có trách nhiệm đưa ra các giải pháp để hướng dẫn và từng bước hình thành thói quen tự học cho học sinh góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tại các lớp, trường tiểu học mà mình phụ trách, quản lý.
Tự học của học sinh tiểu học xuất phát từ việc học có hướng dẫn của giáo viên và người lớn; là quá trình giáo viên luôn chú ý theo dõi để dẫn dắt học sinh khi cần thiết hoặc gợi ý để bạn học giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì thế tôi đã chọn biện pháp: “Rèn kĩ năng tự học cho học sinh lớp 5” nhằm giúp các em nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ học tập với việc tự nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu và hướng dẫn của giáo viên.
II. Nội dung:
1. Đặc điểm, tình hình:
Năm học 2020 - 2021, sau khi được Hiệu trưởng phân công lớp chủ nhiệm, tôi đã tìm hiểu và đưa ra được những thuận lợi và khó khăn như sau:
* Thuận lợi:
- Lớp gồm 32 học sinh trong đó có 12 nam, 20 nữ. Đảm bảo cho giáo viên thuận lợi trong việc dạy học.
- Đa số học sinh lớp tích cực tham gia phong trào Đội và đội nghi lễ.
- Phụ huynh học sinh nhiệt tình tham gia các hoạt động hỗ trợ nhà trường thực hiện các nội dung giáo dục.
* Khó khăn:
- Một số ít học sinh chưa nhận thức được nhiệm vụ học tập, không chăm chỉ, ý thức tự giác học chưa cao.
- Các em hiếu động, ham chơi, chưa tập trung trong giờ học.
- Nhiều em còn mê chơi điện tử trên máy tính chưa chú ý quan tâm việc học tập và ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nhân (thức khuya chơi game nên thường lơ là trong giờ học).
- Một số phụ huynh chưa phối hợp chặt chẽ với giáo viên trong việc giáo dục các em do phải chăm lo kinh tế gia đình.
2. Biện pháp thực hiện:
Sau khi đã nắm bắt tình hình lớp, tôi đã thực hiện các tiêu chí rèn luyện cho học sinh tự học như sau:
2.1. Hình thành thói quen giúp học sinh đưa ra các thắc mắc về bài học và vấn đề khác trong xã hội, tự nhiên:
Tôi hình thành và rèn luyện cho học sinh thói quen tự học thông qua việc đưa ra các thắc mắc về bài học và những vấn đề khác trong xã hội, tự nhiên.
Tôi hướng dẫn học sinh tìm cách để giải quyết các thắc mắc khi tự tìm hiểu các kiến thức đã có, qua tài liệu, sách báo, tạp chí, phương tiện thông tin, mạng internet, qua giáo viên, người lớn, bạn bè.
Xử lý thông tin một cách chính xác trước khi lựa chọn đánh giá dựa trên các căn cứ khoa học. Vận dụng thông tin, kiến thức đã học để làm bài tập, luyện tập, thảo luận, xử lí các tình huống… Kỹ năng thực hiện quá trình tự học là một quá trình rèn luyện lâu dài, để các em có thói quen xử lý thông tin dựa trên cách biết tìm nguồn thông tin nào là nhanh nhất, chính xác, hay nguồn thông tin nào để đối chứng phù hợp và tin cậy.
Vd: Trước khi học bài Phòng bệnh viêm gan A học sinh phải tìm hiểu bệnh viêm gan A là bệnh gì? Qua tìm hiểu các kênh thông tin hay hỏi thăm người thân các em sẽ bổ sung kiến thức khi học bài và lựa chọn thông tin chính xác từ nguồn thông tin đã tìm kiếm thông qua các hoạt động học tập trên lớp nhằm khắc sâu kiến thức bài học.
2.2. Tạo đam mê, hứng thú, yêu thích môn học:
Có hứng thú học tập, tự học sẽ giúp học sinh khắc phục được những áp lực, sự mệt mỏi, đối phó trong quá trình học tập. Cũng có thể khi mới bắt tay vào tự học, người học chưa có hứng thú, hoặc ít hứng thú; nhưng chính trong quá trình tự học, với những khám phá mới, cách tiếp cận mới, người học từ chỗ ít hứng thú đến nhiều hứng thú, từ chỗ việc học chỉ là một loại hoạt động bình thường (là nghĩa vụ) dần dần trở thành một sự đam mê, tự giác, có sự thôi thúc từ bên trong như một nhu cầu tự thân của người học. Vì thế, tôi kết hợp nhiều hình thức như giới thiệu về môn học, tạo sức hấp dẫn về môn học trên cơ sở các lợi ích các em sẽ đạt được… Từ việc tạo cho các em cách quan sát, hình thành thói quen đặt câu hỏi trước sự việc quan sát được, hoặc nhiệm vụ được giao trong học tập và hoạt động khác.
Gây hứng thú từ cách đặt vấn đề của tôi, đã gây được hứng thú và cũng là giao nhiệm vụ cho các em. Có những vấn đề các em chưa biết, chưa thích thú nhưng khi thấy tôi đặt vấn đề cuốn hút làm cho các em tự có nhu cầu tìm hiểu để khám phá nó. Đam mê, hứng thú cũng ít khi tự nhiên mà có, mà nó cũng được hình thành trong cuộc sống và đam mê, yêu thích môn học là phải hình thành và phát triển chủ yếu từ thói quen, cũng như tham gia, khích lệ của bạn bè, người lớn.
Vd: Chương I: Ôn tập bổ sung về phân số, tôi viết sẵn các bài thơ, ca dao về phân số vào bảng phụ treo ở góc lớp
2.3. Giảm thiểu áp lực học tập cho học sinh:
Học sinh tiểu học không chịu áp lực, muốn được thoải mái, thích vui vẻ. Việc giảm áp lực học tập đối với các em không chỉ là trách nhiệm của giáo viên mà còn phải từ gia đình học sinh. Các em có nhu cầu cao trong tìm tòi, khám phá nên tôi và cha mẹ học sinh phối hợp tạo cho các em có thật nhiều cơ hội được học tập, trải nghiệm một cách tự nhiên, thoải mái, không bị gò bó với nhiều hình thức phong phú và biện pháp học tập đa dạng để phát huy tính tích cực nhận thức trong học tập của các em thì khi đó hứng thú học tập mới phát triển tốt.
Vd: Trước khi học bài tập đọc “ Đất Cà Mau” tôi hướng dẫn cho các em đọc bài sau đó có thể viết cảm nhận, vẽ tranh, hay sưu tầm các bài hát, thơ … về Cà Mau. Nhờ sự phối hợp, hướng dẫn của phụ huynh mà các em có những giây phút khám phá đầy thú vị và chia sẻ cùng các bạn khi đến tiết học.
2.4. Hướng dẫn, hỗ trợ học sinh trong quá trình tự học:
Đảm bảo cho học sinh khi cần trợ giúp là được trợ giúp kịp thời. Khi tự học tại lớp, hoặc khi tham gia các hoạt động, không để học sinh bế tắc quá lâu mà không được trợ giúp, hỗ trợ. Khi giao
nhiệm vụ cho học sinh, tôi dành cho các em thời gian để nghiên cứu; không giám sát quá mức, không tạo áp lực để các em chủ động tra cứu, tìm nguồn thông tin giải quyết vấn đề. Đặc biệt, tôi không trợ giúp, hướng dẫn khi chưa cần thiết vì như vậy sẽ tạo thói quen ỉ lại, không chịu suy nghĩ, tìm tòi ở các em. Đó là tạo tính tự chủ cho các em khi tự học.
Vd: Trước khi học bài khoa học “ Cây con mọc lên từ hạt” tôi hướng dẫn các em đem dụng cụ đến lớp, gieo hạt và chăm sóc sản phẩm của mình, sau đó ghi chép lại những gì đã quan sát được vào sổ tay khoa học.
2.5. Quan sát tiến trình tự học của học sinh đề đánh giá:
Việc phát hiện ra năng lực, sở thích của học sinh qua quan sát là một thành công lớn trong việc bồi dưỡng tự học cho học sinh. Khi nắm bắt được năng lực, sở thích của học sinh, tôi giao cho các em một số nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở thích từng em. Đôi khi có thể “vượt chuẩn” để các em tự tìm tòi, tự thực hiện.
Vd: Học sinh chậm tiếp thu kiến thức sẽ được động viên lên bảng làm bài, sửa bài. Nếu những em này làm chưa đúng thì tôi chọn những em tốt hơn nhưng chơi thân với bạn để hướng dẫn bạn làm lại bài có sự quan sát của tôi.
2.6. Động viên, khuyến khích tạo động lực cho học sinh tự học:
Việc động viên mức độ đạt được và khuyến khích kịp thời những tiến bộ nhỏ nhất của học sinh trong quá trình học tập rất quan trọng. Chúng ta không nên có thói quen chỉ khen hay yêu cầu cả lớp cùng khen những học sinh khá, giỏi khi làm tốt được việc nào đó mà ít chú ý động viên, khen thưởng những tiến bộ nhỏ của những học sinh còn học chậm. Bởi vì sự động viên, lời khen của thầy cô và các bạn chính là động lực rất lớn cho sự tiến bộ sau này của các em. Tôi thường xuyên dùng những lời động viên khuyến khích để các em tự tin hơn, tự phát huy khả năng của bản thân học sinh.
2.7. Hướng dẫn học sinh tự lập thời gian biểu:
Tự lập thời gian biểu có nghĩa là xây dựng thời gian biểu buổi học, trong ngày, vài ngày, cả tuần và cũng có thể lâu hơn. Tôi hướng cho các em lựa chọn, ưu tiên từng công việc; việc nào làm trước, việc nào làm sau: càng cụ thể, càng chi tiết, phù hợp năng lực của mình để giúp các em tự hoàn thành được công việc một cách nhẹ nhàng thoải mái. Mức độ yêu cầu tự học để hoàn thành công việc học tập được nâng dần và tăng mức độ thời gian biểu để phát huy năng lực và tạo hứng thú khám phá cho các em.
2.8. Hướng dẫn học sinh tự đánh giá:
Tôi hướng dẫn học sinh tự đánh giá việc làm của mình sau khi hoàn thành một công việc như: làm xong một bài toán, bài tập làm văn… tự đánh giá kết quả và tự rà soát được mức độ đạt được. Đồng thời tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến điều mình làm được và chưa làm được theo yêu cầu; để từ đó có hướng phát huy, khắc phục, tự đánh giá được năng lực học tập của bản thân.
Vd: Tôi cho học sinh biết yêu cầu của phân môn tập đọc ngay từ bài tập đọc đầu tiên: Đọc trôi chảy bài văn (khoảng 100 tiếng/phút), biết đọc diễn cảm đoạn văn, đoạn thơ, hiểu nội dung, ý nghĩa của bài đọc. Từ đó học sinh cố gắng và tự đánh giá bản thân cũng như đánh giá bạn trong nhóm, trong lớp sau mỗi lần đọc bài.
Bên cạnh đó tôi hình thành cho các em thói quen đọc sách, thói quen quan sát, đánh giá, nhận xét các sự vật, hiện tượng diễn ra xung quanh các em; tạo niềm tin, mơ ước và hoài bão từ các thần tượng...
Vd: Qua đó cho thấy có em thích trở thành bác sĩ khi lớn lên; thích làm ca sĩ….
2.9. Đổi mới phương pháp dạy học:
Để hình thành thói quen tự học cho học sinh, tôi đảm bảo cho học sinh đủ kiến thức, kỹ năng môn học cần thiết; giúp các em kiên nhẫn trong học tập. Động viên để các em kiên trì không được bỏ, chán mỗi khi khó tìm thông tin mình cần khi chưa tìm được câu trả lời, hoặc câu trả lời sai. Bên cạnh đó, bản thân tôi luôn đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực nhận thức, sự chủ động, sáng tạo của học sinh.
Giờ dạy học trên lớp phải là giờ mà hoạt động học của học sinh được tôi thiết kế, tổ chức, kiểm tra, đánh giá một cách khoa học, phù hợp tạo cho các em có hứng thú học tập, có nhu cầu khám phá, phản biện và biết giải quyết vấn đề.
3. Bài học kinh nghiệm:
- GV cần nghiên cứu một số tài liệu phù hợp nhằm bổ sung vào việc giáo dục và rèn luyện cho học sinh một số kĩ năng tự học.
- Cần rút kinh nghiệm quá trình giáo dục để vạch ra hướng phát triển kế hoạch của bài học kế tiếp.
- Luôn luôn điều chỉnh kế hoạch, biện pháp cụ thể kịp thời nhằm hỗ trợ học sinh khi các em cần.
- Thường xuyên quan tâm, theo dõi các em, luôn hoà mình vào tập thể lớp.
- Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
4. Kết quả:
* Về học tập:
* Về phong trào:
- Học sinh tham hội thi thuyết trình “I want to be a scientist!” cấp trường (16/10/2020) và 2 em: Vương Tinh Vân và Nguyễn Hải Thiên được vinh dự tham gia cấp Huyện (8/12/2020) .
- Tham gia IOE cấp trường: 11/32 học sinh đạt cấp trường.
- Tham gia thi Nhà sử học nhỏ tuổi: 6/32 học sinh đạt
- Tham gia Tự hào trang sử đội: 18/32 học sinh tham gia.
- 4 học sinh tham gia quay clip hát Quốc ca tại các di tích lịch sử.
- 25/32 (78%) học sinh tham gia phổ cập bơi lội.
- Tham gia ngày hội thiếu nhi vui khỏe: Hạng III - kéo co- khối 5.
- 18/32 học sinh tham gia biểu diễn bài thể dục sân trường.
- Học sinh tham gia TDTT:
Cờ tướng: Giải cá nhân: 1 huy chương đồng, 1 huy chương vàng.
Cờ nhanh: 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc.
Karate: 1 huy chương đồng.
5. Phạm vi áp dụng:
Đề tài được thực hiện có phạm vi nghiên cứu ở lớp 4, 5 nơi trường tôi công tác và có thể áp dụng cho tất cả đối tượng học sinh của lớp 4, 5 ở các trường tiểu học.
6. Đề xuất:
Đối với tổ chuyên môn: Trong các buổi họp tổ cần đưa ra các biện pháp rèn kĩ năng tự học của các thành viên trong tổ nhằm giúp giáo viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Đối với nhà trường: tạo group để chia sẻ kinh nghiệm giáo dục, biện pháp giúp giáo viên tìm kiếm thêm thông tin bổ sung cho công tác rèn luyện tự học cho học sinh. Kết hợp với thư viện bổ sung các đầu sách về lịch sử địa phương, khoa học kỳ thú để giáo viên đến mượn hay giới thiệu học sinh đến đọc.
III/ Kết luận:
Trong quá trình thực hiện “Rèn kĩ năng tự học cho học sinh lớp 5” nhiều giờ dạy của tôi đã được đồng nghiệp đánh giá cao về hiệu quả cũng như khả năng tự chiếm lĩnh kiến thức của học sinh. Vì thế, tôi cũng mạnh dạn đưa ra một số kinh nghiệm của mình nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy học, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của năm học này và những năm tiếp theo.
Thông tin
Tên tác giả: LÊ THANH LUẬN
Trường Tiểu học Bình Hưng
Đơn vị đồng hành
Đơn vị bảo trợ truyền thông