Mã số N2135: Kinh nghiệm xây dựng bộ giáo án điện tử, học liệu điện tử dành cho giáo viên THCS –Huyện Bình Chánh – Thành phố Hồ Chí Minh

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

1.     Đặt vấn đề

Vấn đề khai thác học liệu số trong thiết kế dạy học, giáo án điện tử, học liệu điện tử có vai trò rất quan trọng bởi đây là “nguồn tiềm lực” để khai thác và sử dụng trong dạy học. Thực tế cho thấy, khó có thể tách rời khi nói về vai trò của thiết bị công nghệ và học liệu số trong dạy học, giáo dục. Bên cạnh đó,  giáo án điện tử, học liệu điện tử chính là thành phần của thành tố thiết bị dạy học và học liệu nói chung, vì thế nó đã tác động đến các thành tố của quá trình dạy học, giáo dục đồng thời tạo điều kiện và kích thích giáo viên tổ chức hoạt động dạy học đa dạng, hiệu quả, góp phần phát triển hứng thú học tập và kĩ năng của người học.

Một trong những cách làm hiệu quả mà tôi đã và đang thực hiện tại trường THCS Đồng Đen trong những năm học vừa qua là thiết kế Bài giảng điện tử bằng phần mềm Powerpoint, xây dựng kho học liệu số sử dụng chung cho cả tổ, và có sức lan tòa ra toàn huyện ...

2. Nội dung thực hiện

Việc tìm kiếm thông tin, học liệu số là một kĩ năng quan trọng để hỗ trợ giáo viên trong việc khai thác học liệu số, thực hiện các chuỗi các hoạt động trong quá trình xây dựng. Có thể tiến hành theo 5 bước dưới đây để tìm kiếm thông tin, học liệu số bao gồm cả việc kiểm tra, đánh giá kết quả tìm kiếm thông tin, học liệu số để xây dựng bộ giáo án điện tử, học liệu điện tử:

Bước 1: Phân tích mục đích và yêu cầu tìm kiếm

Việc phân tích mục đích, yêu cầu tìm kiếm nên căn cứ vào phần nội dung kiến thức của yêu cầu cần đạt. Đây là cơ sở để xác định từ khoá cho câu lệnh cần dùng để tìm kiếm. Tiếp theo, cần xác định dạng học liệu số sẽ dùng trong tổ chức hoạt động học: hình ảnh, hình ảnh động, hay video,…

2.2. Bước 2: Diễn đạt cú pháp của câu lệnh tìm kiếm

Cú pháp của câu lệnh tìm kiếm là cách thức mà người dùng sử dụng để liên kết các từ/thuật ngữ/khái niệm từ khoá một cách phù hợp. Để có được câu lệnh tìm kiếm hiệu quả thì cần biết các “nguyên tắc tìm kiếm” của công cụ, như:

– Phần lớn các công cụ tìm kiếm không phân biệt chữ hoa và chữ thường. Không cần nhập cả một câu đầy đủ vào lệnh tìm kiếm. Thay vào đó, có thể nhập một số trong các từ/thuật ngữ/khái niệm quan trọng nhất.

– Nếu nhập nhiều từ tìm kiếm thì phạm vi tìm kiếm sẽ được thu hẹp, và ngược lại.

– Đặt từ tìm kiếm trong dấu ngoặc kép “ ” hoặc đặt dấu – giữa các cụm chữ trong từ tìm kiếm sẽ thu hẹp phạm vi tìm kiếm; Đặt dấu + phía trước các từ mà muốn từ đó phải xuất hiện; Đặt chữ AND nếu muốn nhiều thuật ngữ phải xuất hiện; Đặt chữ OR giữa các từ tìm kiếm nếu muốn một trong các thuật ngữ xuất hiện;…

– Có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm liên quan đến dạng học liệu số mà giáo viên cần tìm giới hạn theo định dạng file (.pdf, .docx, .mp4, .gif…).

Bước 3: Phân nhóm yêu cầu thông tin tìm kiếm

Việc phân nhóm các yêu cầu về thông tin giúp giáo viên tìm kiếm hiệu quả và nhanh chóng hơn. Sự phân nhóm có thể bao gồm:

– Loại thông tin cần tìm sẽ thuộc chủ đề rộng hay hẹp, khái quát hay chuyên sâu.

– Từ/thuật ngữ/khái niệm định dùng trong câu lệnh cần điều chỉnh phù hợp để hạn chế nhiều cách hiểu do tính đa nghĩa của ngôn ngữ.

Bước 4: Chọn công cụ/phần mềm tìm kiếm phù hợp

Có thể linh hoạt trong chọn các công cụ tìm kiếm khác nhau để đạt được mục đích đặt ra đồng thời tích luỹ kinh nghiệm rèn luyện kĩ năng tìm kiếm. Các công cụ phổ biến đối với giáo viên hiện nay là Google và các trang web chuyên ngành, kho dữ liệu của Bộ GDĐT hoặc các nhà xuất bản,… Ngoài ra, giáo viên có thể tìm sự hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm hơn trong việc tìm kiếm thông tin có liên quan.

 

Bước 5. Đánh giá kết quả tìm kiếm

Lượng thông tin trên Internet rất phong phú, rất có lợi cho người tìm tin. Tuy nhiên, với bất kì thông tin nào tìm được trên Internet đều cần phải được đánh giá, kiểm tra độ khách quan, cập nhật và tính bản quyền… Việc đánh giá thông tin cần căn cứ vào:

– Kết quả tự kiểm chứng thông tin trong đó trước tiên nên tìm hiểu địa chỉ trang web thông tin;

– Sự phù hợp giữa thông tin với mục tiêu và nội dung dạy học;

– Thông tin về trình độ, thái độ và thành kiến của tác giả/nhóm tác giả/tổ chức công bố hay quản lí nguồn thông tin;

– Tính cập nhật của thông tin: thời điểm công bố thông tin, nội dung của thông tin.

– Tính sở hữu hay bản quyền của thông tin và sự cho phép khai thác, sử dụng nhằm mục đích dạy học, giáo dục trực tiếp cho học sinh.

Nếu kết quả tìm kiếm chưa đạt so với yêu cầu, giáo viên hãy xem xét lại các bước mình đã thực hiện, diễn đạt lại câu lệnh tìm kiếm, sử dụng các từ tìm kiếm khác, hoặc thậm chí xem xét lại nhu cầu thông tin của mình.

3. Kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm

- Cá nhân tôi và tổ Ngữ văn trường THCS Đồng Đen đã xây dựng được một học liệu số:

- Đặc biệt trong giáo án điện tử Powerpoint sẽ có rất nhiều bài, nhiều mẫu, nhiều thiết kế cho giáo viên lựa chọn phù hợp với trình độ của lớp mình

- Khi sử dụng học liệu số và giáo án điện tử thì dựa vào hai bản mô tả sau:

          + Bảng 1: Tổng hợp đường dẫn

Bài học kinh nghiệm

- Trong các môn được học ở THCS không phải môn nào, bài nào, phần nào của mỗi môn cũng đều có thể ứng dụng công nghệ thông tin để giảng dạy được. Và đương nhiên không phải bất cứ tiết nào, bài nào cũng biến thành bài giảng điện tử để trình chiếu được. Muốn ứng dụng bộ giáo án điện tử, học liệu điện tử thật sự hiệu quả phải chọn các nội dung, các vấn đề phù hợp.

-  Trong dạy – học, chỉ nên sử dụng công nghệ thông tin khi thật cần thiết và sử dụng với tỷ lệ ít hơn so với các dạng hoạt động và các phương tiện dạy học khác.

- Bộ giáo án điện tử, học liệu điện tử cần phải được thiết kế một cách khoa học, để qua từng slile chi tiết, học sinh phải nhận biết được những nội dung nào là nội dung chính cần ghi chép, nội dung nào là phần diễn giải của giáo viên.

- Trong quá trình giảng dạy, giáo viên là người hướng dẫn học sinh học tập chứ không đơn giản chỉ là người phát động, cung cấp thông tin. Do vậy, giáo viên phải biết đánh giá và lựa chọn thông tin, hình ảnh, đoạn phim phục vụ bài dạy có tính thiết thực, làm rõ nội dung bài dạy, tránh tham lam, nhồi nhét các loại thông tin, phim, ảnh không phù hợp làm giảm hiệu quả bài dạy.

-  Một điều đáng lưu ý là cần hiểu đúng bộ giáo án điện tử, học liệu điện tử chỉ là một phương tiện hỗ trợ đắc lực cho đổi mới phương pháp dạy học, bởi vì quá trình giáo dục con người không thể “công nghệ hóa” hoàn toàn được, có nhiều mặt giáo dục không thể quy trình hóa được như giáo dục nhân văn, giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mỹ... Xác định điều này, trong quá trình giảng dạy giáo viên tránh lạm dụng giáo án điện tử, học liệu điện tử xem công nghệ thông tin là độc tôn, là duy nhất.

Thông tin

Tên tác giả: Đinh Công Vân Sơn - THCS Đồng Đen


Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông