Mã số N2136: Biện pháp giúp học sinh chậm phát triển trí tuệ học tốt môn Toán ở trường Tiểu học lớp 3

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

1.  Đặt vấn đề

      - Giáo dục đối với người khuyết tật có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đảm bảo cho người khuyết tật có quyền học tập. Tuy nhiên, mỗi người tiếp nhận một phương thức giao dục khác nhau đảm bảo phát huy hiệu quả tối đa. Đặc biệt đối với người khuyết tật, lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp là vấn đề quan trọng tác động trực tiếp vào khả năng nhận thức, tiếp thu và hiệu quả của giáo dục.

          - Giáo dục sẽ giúp người khuyết tật có được những tri thức, kiến thức, sự hiểu biết về tự nhiên, về xã hội và giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Đối với từng dạng tật cụ thể, giáo dục còn giúp cho người khuyết tật có thể phục hồi chức năng, phát triển về trí tuệ, phát triển về nhận thức, hành vi,… Qua đó, người khuyết tật sẽ tự tin và chủ động hơn trong cuộc sống, mang lại cho họ những nhận thức mới mẻ và đúng đắn để vượt qua mọi rào cản, khó khăn của cuộc sống, khẳng định năng lực bản thân.

          - Đối với trẻ bình thường việc lĩnh hội các kiến thức nói chung và kiến thức về toán nói riêng đôi khi cũng không dễ, nhưng lại rất khó đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ. Vì thế, để trẻ tiếp thu tốt hoạt động làm quen với toán, người giáo viên cần phải tìm ra phương pháp, biện pháp phù hợp đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ. Điều này làm tôi băn khoăn suy nghĩ và nghiên cứu đề tài: “Một số biện pháp giúp học sinh chậm phát triển trí tuệ học tốt môn Toán” nhằm giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh về các mối liên hệ về số lượng, kích thước, hình dáng, vị trí không gian một cách hiệu quả.

II. BIỆN PHÁP CƠ BẢN SÁNG KIẾN

Biện pháp 1: Nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Sự hình thành mối quan hệ có điều kiện ở trẻ chậm phát triển trí tuệ rất khó khăn và chậm trễ so với trẻ bình thường. Mặt khác mối liên hệ mới được hình thành lại không bền vững và dễ bị mất đi. Nguyên nhân của tình trạng này là do yếu chức năng khép kín của vỏ bán cầu đại não. Vì vậy trẻ chậm phát triển trí tuệ rất khó tiếp thu kiến thức mới và chóng quên những kiến thức đã được hình thành. Nhiệm vụ của quá trình dạy toán là phải hình thành được mối liên hệ đó và giữ lại được trong vỏ não, tức là tạo ra được đường mòn trong não bộ bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi trẻ mới làm quen với kiến thức kĩ năng mới thì thời gian lặp lại là thường xuyên, dần dần giáo viên sẽ giãn cách thời gian để tránh nhàm chán mà vẫn củng cố lại được các kiến thức kĩ năng đó. Tuy nhiên giáo viên cũng cần chú ý đặc điểm riêng của từng trẻ để sử dụng phương pháp này một cách hiệu quả mà không mất thời gian.

Biện pháp 2: Sử dụng đồ dùng dạy học, đồ chơi có hiệu quả trẻ chậm phát triển trí tuệ rất kém khả năng khái quát hóa và trừu tượng hóa. Thường trẻ tư duy những hình ảnh rất cụ thể, vì thế trong giờ dạy toán nhất thiết phải có giáo cụ trực quan như tranh ảnh, mô hình, hình vẽ, sơ đồ hoặc vật thật. Bằng phương pháp này sẽ lôi cuốn sự chú ý của trẻ và giúp trẻ nắm kiến thức một cách tích cực, không thụ động. Điều quan trọng là giáo viên phải biết sử dụng giáo cụ trực quan một cách hợp lý, sinh động thì mới nâng cao hiệu quả của bài dạy. Thực tế chỉ ra rằng, giờ học toán có giáo cụ trực quan sẽ giúp cho học sinh hiểu bài và khắc sâu những kiến thức đã học được giữ lại trong trí nhớ trẻ bền lâu hơn.

Biện pháp 3: Quan sát. Quan sát giúp trẻ gần gũi với sự vật, hiện tượng xung quanh. Trẻ sẽ ghi nhận được hình ảnh qua tri giác nhìn. Bằng tri giác nhìn sẽ làm cho trẻ chú ý, kết hợp với những câu hỏi gợi ý của giáo viên, trẻ sẽ so sánh và rút ra được kết luận về những điều cần biết, như việc hình thành biểu tượng phải – trái; trước – sau trong không gian.

Biện pháp 4: Hợp tác nhóm. Để có thể học được các kỹ năng, trẻ không cần phải luôn luôn được dạy một thầy một trò mà có thể tham gia vào học trong các nhóm nhỏ. Việc học trong nhóm nhỏ sẽ kích thích khả năng học hỏi thông qua quan sát của trẻ. Khi dạy theo nhóm nhỏ, giáo viên cần phải phân chia thời gian và sự chú ý của mình cho các nhóm. Phương pháp học sinh hướng dẫn lẫn nhau có nhiều ưu điểm ở cả môi trường chuyên biệt và môi trường giáo dục hòa nhập. Phương pháp này tạo nên những ảnh hưởng tích cực cho cả người dạy và người học. Những trẻ được bạn bè kèm đạt kết quả học tập cao hơn, những trẻ kèm cho bạn mình học cũng nắm chắc nội dung bài học. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp trẻ chậm phát triển trí tuệ có sự tương tác qua lại tích cực với nhau và với trẻ bình thường trong môi trường giáo dục hòa nhập.

Biện pháp 5: Tổ chức trò chơi Trò chơi sẽ lôi cuốn các em vào các hoạt động, thông qua đó giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng và dễ dàng, đúng với câu nói “học mà chơi, chơi mà học”. Ngoài ra trò chơi trong quá trình học toán có một ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nhân cách, rèn luyện khả năng tư duy, ngôn ngữ phát triển, xử lý tình huống nhanh chóng và chống mệt mỏi. Mục đích: Phát triển khả năng quan sát, ghi nhớ của chúng.

Biện pháp 6: Phát huy tính tích cực của trẻ: Nhằm tạo điều kiện phát huy tính tích cực của trẻ giúp trẻ nhớ và khắc sâu các kiến thức đã học. Giáo viên phải tìm những trò chơi giúp trẻ tự tìm tòi khám phá. Để đạt được điều này tôi đã đề ra một số giải pháp giúp trẻ từ thế hoạt động thụ động sang thế chủ động nhằm phát huy mạnh mẽ năng lực của từng cá nhân cũng như tính tích cực, năng động theo từng mức độ của trẻ, làm cho mỗi giờ hoạt động trở nên lý thú, nhiều bất ngờ trẻ tích luỹ nhiều kiến thức, kỹ năng được học:

- Giải pháp 1: Phát triển các giác quan trong hoạt động làm quen với toán. Bồi dưỡng cho trẻ các năng lực hoạt động trí óc, khả năng tư duy năng lực điều khiển các cơ bàn tay, cơ ngón tay giúp trẻ phát triển xúc giác thông qua trò chơi “Đoán xem hình gì?” Ví dụ: Cho trẻ nhắm mắt sờ vào hình tròn trẻ đoán là hình gì? Gọi tên hình. Hoặc cho trẻ kết lại thành từng đôi theo ý thích. Một trẻ nhắm mắt, một trẻ dùng ngón tay trỏ phải vẽ một hay nhiều hình tròn bất kỳ lên lưng, tay, chân…bạn. Trẻ nhắm mắt phải đoán là hình gì? Có bao nhiêu hình bạn vừa vẽ? Phát triển thị giác cho trẻ.

- Giải pháp 2: Xây dựng chương trình phù hợp với khả năng của trẻ. Xây dựng chương trình theo từng chủ điểm và phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ chậm phát triển trí tuệ. Thường xuyên khen ngợi, động viên khi trẻ làm tốt. Sử dụng lời nói với trẻ ngắn gọn, dứt khoát, rõ ràng.

 

3. Hiệu quả mang lại

           Qua những phương pháp, biện pháp đã nêu trên tôi áp dụng vào cho học sinh lớp mình và trẻ có những tiến bộ như sau:

- Trẻ đã tự tin và mạnh dạn hơn khi thực hiện các bài tập, các câu hỏi, không còn rụt rè như trước nữa và khi thực hiện trẻ đã biết phân biệt đâu là đúng đâu là sai.

- Trong các giờ học, trẻ đã mạnh dạn trả lời các câu hỏi của thầy cô.

- Trẻ đã biết thực hiện các bài tập theo yêu cầu: Khoanh tròn, điền số, nối hình với số lượng hình tương ứng…

- Trẻ đã biết lắng nghe, biết chờ đợi đến lượt của mình thực hiện các trò chơi.

- Trẻ nhận biết số và hình ở mọi lúc mọi nơi, phát âm cũng tương đối.

 

4. Đề xuất và khuyến nghị

          Để thực hiện tốt hoạt động dạy toán thông qua việc thực hiện các biện pháp trên đã phần nào đạt được một số kết quả như đã nêu. Bản thân tôi xin có một số đề xuất sau:

Đối với giáo viên dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ:

 - Luôn tìm tòi sáng tạo, kết hợp linh hoạt các biện pháp, phương pháp, hình thức tổ chức cho các hoạt động thật phong phú, lôi cuốn, phát huy tính sáng tạo, tích cực của học sinh.

- Tạo mọi điều kiện trẻ được tự do vận động, giao tiếp và tiếp xúc với thế giới xung quanh.

- Khuyến khích, động viên trẻ kịp thời.

- Tăng cường phương tiện hỗ trợ đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ.

- Tạo điều kiện cho giáo viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các trường bạn, tham gia các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo về giáo dục trẻ khuyết tật nói chung và giáo dục trẻ Khả Năng Áp Dụng nói riêng.

Đối với gia đình và cộng đồng:

- Kết hợp chặt chẽ với giáo viên và nhà trường.

          - Quan tâm hỗ trợ đúng mức về mọi mặt cho sự tiến bộ của học sinh.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng tránh phân biệt đối xử, kì thị người khuyết tật.

Thông tin

Tên tác giả: Nguyễn Anh Khoa - Trường Tiểu học Phạm Văn Hai


Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông