Mã số N2163: Ứng dụng công nghệ blokchain trong hoạt động kêu gọi từ thiện

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

Website từ thiện được xây dựng dựa trên công nghệ Blockchain sẽ giúp đơn vị, cá nhân quyên góp có thể quản lý dễ dàng, công khai, minh bạch thông tin tiền gửi cũng như tiền đã được sử dụng cho công tác thiện nguyện, tạo niềm tin cho người quyên góp.

Ngày nay, ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống đã có những bước phát triển mạnh mẽ, cùng với sự phát triển không ngừng về kỹ thuật và chất lượng thì nay các sản phẩm về công nghệ thông tin đã trở thành một công cụ hỗ trợ làm việc và giải trí thông dụng của con người không những ở công sở mà thậm chí còn ở ngay trong gia đình.

  Mạng internet là một trong những sản phẩm có giá trị và ngày càng trở nên thành một công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, với internet chúng ta đã thực hiện được nhiều công việc với tốc độ nhanh hơn nhiều so với cách thức truyền thống. Vì những lợi ích to lớn mà internet mang lại mà các dịch vụ cũng như số lượng người sử dụng truy cập vào internet hằng ngày là rất lớn.

Chính vì điều này mà các hoạt động xã hội như kêu gọi từ thiện ngày càng phổ biến và vấn đề to lớn trong việc kêu gọi từ thiện chính là tính minh bạch khi mọi người tham gia đóng góp vào một dự án từ thiện nào đó cần nắm rõ thông tin về dự án cũng như là những ai đã tham gia đóng góp cho dự án này. Vậy làm sao để mọi người đều có thể nắm rõ được thông tin về dự án kêu gọi từ thiện cũng như là những ai đã đóng góp cho dự án này?

 Thì chúng tôi quyết định thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động kêu gọi từ thiện” để xây dựng một website kêu gọi từ thiện đảm bảo được tính minh bạch, công khai cho các hoạt động quyên góp tiền từ thiện.

Blockchain là một giải pháp công nghệ dùng để phát triển những ứng dụng trên mô hình phi tập trung. Về mặt công nghệ, Blockchain là một chuỗi khối (cuốn sổ cái) ghi nhận lại toàn bộ lịch sử giao dịch một cách công khai trên một mạng lưới các máy tính ngang hàng theo thời gian. Blockchain có thể dùng với mục đích chống lại việc thay đổi dữ liệu. Sổ cái được dùng làm bằng chứng để chứng minh một giao dịch đã xảy ra tại một thời điểm. Toàn bộ các giao dịch sẽ được ghi nhận trong các khối dữ liệu gọi là Block, các khối này được liên kết với nhau bằng phương thức mã hóa và mở rộng theo thời gian.

Xét về khía cạnh xã hội, công nghệ Blockchain hướng đến việc “tạo dựng một hệ thống có niềm tin trong môi trường thiếu sự tin tưởng”. Blockchain cho phép xây dựng một nền tảng giao tiếp tin cậy, nơi mà tất cả mọi chủ thể tham gia đều có thể tự tin giao dịch trực tiếp với nhau mà không phải thông qua bất kỳ tổ chức trung gian nào.

Minh bạch hóa các giao dịch từ thiện.

Minh bạch và tự động là hai tính chất tự nhiên của công nghệ chuỗi khối (Blockchain), vì thế công nghệ Blockchain được cho là sẽ giúp theo dõi sự biến động các khoản quyên góp và hành trình sử dụng nguồn quỹ từ đóng góp của cộng đồng.

Công nghệ Blockchain có thể giúp người gây quỹ từ thiện xây dựng lòng tin với các nhà tài trợ, người nhận và các bên liên quan khác. Đồng thời, công nghệ này cũng giúp giảm chi phí hành chính thông qua việc tự động hóa và giảm bớt khâu trung gian, tạo ra sức mạnh tổng hợp rộng rãi và hoàn chỉnh giữa đông đảo những người tham gia trong hệ thống từ thiện. Khi ứng dụng Blockchain trong công tác quản lý quỹ từ thiện, các nhà tài trợ hoàn toàn có thể thấy được đường đi của khoản tiền mà họ đóng góp, bảo đảm rằng quy trình sử dụng tiền từ thiện có thể theo dõi, bất biến và đáng tin cậy.

Mọi động thái chuyển khoản của từng người tham gia đều sẽ được ghi nhận và tra cứu bất cứ lúc nào. Các giao dịch được kiểm chứng ngay lập tức bởi tất cả mọi người và sẽ không còn việc phải sao kê hoặc xin phép giấy tờ từ một tổ chức bất kỳ. Cũng không thể có chuyện cá nhân hoặc tổ chức từ thiện giữ số tiền đó nhiều tháng trời, hoặc họ giải ngân rất ít so với số tiền đã kêu gọi được mà không ai biết.

Lợi ích khi ứng dụng Blockchain vào công tác từ thiện.

Tính minh bạch: mỗi giao dịch tiền mã hóa đều là duy nhất, đồng nghĩa rằng việc kiểm tra giao dịch đó trên Blockchain là rất đơn giản. Độ minh bạch càng cao thì càng làm tăng độ tin cậy cho người quyên góp và càng khuyến khích họ quyên góp nhiều hơn, tăng cường uy tín và danh tiếng cho tổ chức từ thiện.

Tính toàn cầu và phi tập trung: phần lớn các mạng lưới Blockchain đều mang tính phi tập trung cao, có nghĩa là họ không bị phụ thuộc vào các chính phủ hay tổ chức tập trung nào cả. Do đó, quỹ gây được có thể được chuyển trực tiếp từ người quyên góp tới tổ chức từ thiện.

Các thỏa thuận số: Blockchain giúp cho việc lưu trữ và chia sẻ dữ liệu số trở nên dễ dàng hơn, và cũng có thể được dùng để đảm bảo rằng các tài liệu, hợp đồng sẽ không bị sửa đổi khi không có sự đồng ý của các thành viên tham gia.

Tiết kiệm chi phí: công nghệ Blockchain sở hữu tiềm năng đơn giản và tự động hóa các khâu trong quy trình từ thiện. Giúp tiết kiệm chi phí tổng thể nhờ cắt giảm bớt các bên trung gian.

Đối tượng chính của website kêu gọi từ thiện của chúng tôi bao gồm 2 nhóm đối tượng chính:

Người kêu gọi từ thiện: là bao gồm các cá nhân hay tổ chức từ thiện, giúp cho mọi người có thể tạo các dự án kêu gọi từ thiện và có thể theo dõi tiến độ, chỉnh sửa, cập nhật thông tin cũng như là các thông tin về dự án từ thiện.

Người đóng góp cho các dự án từ thiện: là bao gồm các cá nhân hay tổ chức giúp cho mọi người có thể đóng góp từ thiện hoặc có thể theo dõi tiến độ của các dự án từ thiện cũng như là các thông tin về dự án từ thiện trên website.

Chức năng quản trị của website : Người quản trị có quyền tìm, thêm, sửa, xóa, duyệt tài khoản người dùng, các dự án trên website, tin tức trên website; tìm kiếm, quản lý thông tin admin, kiểm tra lịch sử giao dịch của dự án,…

 

Nếu bạn muốn kêu gọi mọi người hỗ trợ cho cá nhân hay khu vực nào đó chịu tác động của thiên tai, hay kêu gọi để xây trường cho các em vùng xa, và rất nhiều vấn đề khác với mong muốn hỗ trợ họ.

Mỗi dự án được tạo ra sẽ được kết nối với Smart contract trong Blockchain với điều kiện trong thời gian lập ra phải kêu gọi đủ số tiền cần thiết ban đầu.

Người dùng muốn đóng góp thì sẽ chuyển tiền vào Smart contract thông qua website sử dụng ví Tronlink. Sau khi chuyển tiền, Smart contract sẽ giữ lại tiền và đợi cho đến khi dự án thỏa điều kiện ban đầu lập ra thì cho phép chủ sở hữu dự án rút tiền và tiến hành giải ngân.

Họ sẽ đem số tiền đấy dùng vào mục đích ban đầu lập ra dự án. Hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, xây trường học,… Sau khi giải ngân thành công thì người lập dự án sẽ cập nhật các thông tin mà họ đã hỗ trợ vào trong dự án, để những người đóng góp có thể theo dõi.

Sau cùng với mỗi dự án thành công thì chúng ta đã hỗ trợ được cho thêm một trường hợp cần sự giúp đỡ từ cộng đồng.

Đối với mô hình từ thiện áp dụng Blockchain thì mang lại sự tin tưởng cao hơn so với mô hình từ thiện truyền thống. Vì tất cả lịch sử giao dịch của dự án đều được lưu trữ trên Blockchain, không thể thay đổi. Và mọi giao dịch đều được giám sát bởi tất cả mọi người; cung cấp sự minh bạch, công khai trong hoạt động từ thiện.

Tron (TRX) được biết đến là mạng lưới Public Blockchain phân quyền, có khả năng mở rộng và băng thông tốt.  Dự án mang đến một không gian tiềm năng mà ở đó, các nhà phát triển có thể tạo ra những Smart Contract và phát triển ứng dụng phi tập trung dApp trên hệ sinh thái của họ. Hiểu đơn giản, người dùng hoàn toàn có thể tự do xuất bản, lưu trữ và sở hữu dữ liệu ở dạng phân quyền tự trị, quyết định việc phân phối, đăng ký cũng như thúc đẩy nội dung. Đặc biệt, Tron hỗ trợ người dùng chia sẻ thông tin dữ liệu lên Internet dễ dàng, không phải thông qua bất kỳ nền tảng mạng xã hội trung gian nào (như Facebook, Youtube, Amazon,…). Đồng thời, TRON còn cho phép mọi người sáng tạo nội dung bằng cách giải phóng, lưu hành và xử lý những tài sản số, tạo nên một hệ sinh thái nội dung giải trí ấn tượng và chất lượng nhất có thể.

Ví TronLink.: là một loại ví trực tuyến được cài từ extensions giúp lưu trữ, gửi và nhận TRX và một số loại coin nhất định từ Tron Network. Ngoài ra TronLink còn giúp cho người sử dụng dễ dàng tương tác với các ứng dụng Dapp tốt hơn. TronLink hỗ trợ các token như: TRC-20, TRC-10.Khi người dùng tạo ví mới trong TronLink thì sẽ được cung cấp 12 từ khóa giúp cho việc bảo mật tài khoản, người tạo cần lưu giữ 12 từ khóa này thật kỹ và không chia sẽ nó cho bất kỳ ai vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc đăng nhập vào ví TronLink. Ngoài ra, người dùng cũng không nên cung cấp mật khẩu hay thông tin tài khoản cho bất kỳ ai không đáng tin cậy.

Ví TronLink được sử dụng trong website từ thiện để tạo các dự án từ thiện, giúp cho các dự án từ thiện có thể liên kết đến smart contract để mọi người có thể tham gia đóng góp cho dự án và nếu dự án được kêu gọi thành công thì người dùng có thể rút tiền từ smart contract về ví TronLink để lưu trữ và sử dụng theo mục đích đề ra.

Ví TronLink ngoài việc sử dụng để tạo các dự án từ thiện thì người dùng còn có thể dùng để quyên góp tiền cho các dự án kêu gọi từ thiện trên website, nếu một dự án không kêu gọi thành công thì người dùng có thể nhận lại số tiền đã quyên góp cho dự án đó thông qua ví TronLink.

Tronscan: là công cụ tra cứu Blockchain dành riêng cho mạng Tron. Thông qua công cụ này, người dùng có thể sử dụng để tra cứu, tìm kiếm và xác thực các thông tin về giao dịch, số dư ví, hợp đồng thông minh,... trên mạng Tron.  Bên cạnh chức năng chính là khám phá Blockchain, Tronscan còn hỗ trợ người dùng thực hiện việc tạo token, bỏ phiếu (voting), triển khai các hợp đồng thông minh,... Nhờ có Tronscan, người dùng tiền điện tử có thể đọc và nắm bắt tất cả những gì trong “cuốn sổ cái” Tron một cách đơn giản, hiệu quả và minh bạch.

Tại trang chủ của Tronscan, người dùng hoàn toàn có thể khám phá được rất nhiều thông tin liên quan đến Tron Blockchain một cách nhanh chóng, chính xác nhất. Dựa vào địa chỉ ví, chúng ta có thể tra cứu toàn bộ giao dịch của ví đó (địa chỉ nhận, địa chỉ gửi, block, trạng thái, số tiền,…). Mọi người đều có thể xem toàn bộ giao dịch chuyển tiền của dự án.

Dựa vào mã giao dịch (hash), chúng ta có thể tra cứu được toàn bộ thông tin chi tiết liên quan đến giao dịch đó (người gửi, người nhận, số tiền giao dịch, thời gian, kết quả, trạng thái giao dịch, block,…). Mọi người đều có thể xem chi tiết từng giao dịch trong lịch sử chuyển tiền của dự án.

Trang chi tiết dự án sẽ hiển thị các mô tả chi tiết về dự án (ai là chủ sở hữu, số tiền kêu gọi, tiến trình dự án, lịch sử quyên góp,…). Lịch sử giao dịch của dự án trên website: cung cấp thông tin chuyển tiền vào dự án từ thiện trên website, chứa các thông tin như: họ tên người gửi, số tiền, mã giao dịch, trạng thái giao dịch… Dựa vào mã giao dịch, chúng ta có thể xem toàn bộ thông tin về giao dịch đó trên Blockchain thông qua Tronscan. Toàn bộ thông tin chi tiết về giao dịch chuyển tiền, rút tiền của dự án từ thiện đều được lưu trữ trên Blockchain và được tra cứu bằng Tronscan. Cung cấp sự rõ ràng, minh bạch và công khai cho tất cả mọi người.

 

Thông tin

Tên tác giả:

1. Quách Thị Bích Nhường

2. Trần Văn Ninh

3. Huỳnh Văn Thảo

4. Nguyễn Minh Hiếu

5. Trần Văn Thuận


Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông