Mã số N3010: Giáo viên sáng chế thiết bị đào tạo nghề

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này

Với lòng nhiệt huyết, sáng tạo, một số giáo viên trường nghề đã cho ra lò nhiều sản phẩm, mô hình phục vụ giảng dạy lý thuyết, thực hành. Những sản phẩm ấy không chỉ mang lại hiệu quả đào tạo mà còn tiết kiệm chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị.

Bộ thí nghiệm vi điều khiển - mô hình đào tạo tự làm của giáo viên Trường CĐ Nghề TP.HCM.

Bộ thí nghiệm vi điều khiển - mô hình đào tạo tự làm của giáo viên Trường CĐ Nghề TP.HCM.

Những sản phẩm, mô hình hiện đang sử dụng hiệu quả trong các trường nghề phải kể đến như: Mô hình giám sát điện trên hệ thống ô tô có chức năng giám sát - hệ thống mạng CAN và cổng GATEWAY, mô hình bảo trì và sửa chữa máy phay CNC (Trường CĐ Lý Tự Trọng); mô hình thiết bị dạy học phay CNC (Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM); mô hình hệ thống lạnh cấp đông IQF (Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức); mô hình thực hành chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời (Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ); mô hình ứng dụng thực tập cảm biến (Trường CĐ Nghề Đồng An)…

Giảm chi mua sắm trang thiết bị đào tạo

Mỗi sản phẩm, mô hình là một công trình tâm huyết của những cá nhân, tập thể trong thời gian cọ xát thực tế để dày công thiết kế, chế tạo nhằm khắc phục nhược điểm, sự lỗi thời của các sản phẩm, mô hình đào tạo trước đó. Anh Nguyễn Minh Quang (kỹ sư chế tạo cơ khí thuộc Công ty CP Cơ điện Phương Nam) cho rằng để thiết kế, chế tạo một thiết bị đào tạo là không khó nếu chuyên tâm và có tinh thần trách nhiệm.

Năm 2019, nhà giáo Huỳnh Cảnh Thanh Lam (Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ) cùng cộng sự đã giới thiệu mô hình thực hành chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời. Đây được xem là một trong những mô hình đã và đang áp dụng thành công, giải quyết được bài toán chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị thực hành trong khi nguồn ngân sách cấp cho các trường còn hạn hẹp. Tác giả mô hình chia sẻ: Qua thời gian giảng dạy, chúng tôi không thể ngồi yên khi nhận thấy mô hình thực hành thiếu sinh động, người học dễ nhàm chán. Thế là chúng tôi bắt tay thiết kế và cho ra mô hình mới. Để đầu tư cho mô hình chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời phải mất một khoản kinh phí khá lớn, trong khi đó chúng tôi tự làm thì chi phí không đáng kể. Hay bộ thí nghiệm vi điều khiển của giáo viên Trường CĐ Nghề TP.HCM đã mang đến cho người học những buổi thực hành sinh động, lôi cuốn.

Ông Phạm Hữu Lộc (Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM) cho rằng thiết bị đào tạo tự làm cũng là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Từ điều kiện thực hành thực tế, giáo viên đã thiết kế, chế tạo nhiều thiết bị khắc phục được những hạn chế gặp phải, đặc biệt là giảm một phần chi phí đầu tư trang thiết bị. Ở góc độ khác, ông Nguyễn Quang Nguyên (Khoa Điện - Điện tử, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM) nhìn nhận: Không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư trang thiết bị, khi tự làm thiết bị đào tạo còn là cơ hội để người học cùng tham gia thực hành thiết kế và chế tạo. Trong quá trình trực tiếp làm việc, các em có thêm nhiều kiến thức chuyên môn, áp dụng hiệu quả lý thuyết đã học, qua đó khuyến khích, hun đúc tinh thần sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm, thiết bị hữu dụng cho xã hội.

Thương mại hóa sản phẩm tự làm

Qua các lần tổ chức Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá cao chất lượng sản phẩm, mô hình của các trường bám sát mục tiêu và chương trình đào tạo. Đặc biệt có những mô hình, sản phẩm có thể áp dụng giảng dạy lý thuyết, thực hành ở nhiều bộ môn, nhiều modul - các ứng dụng đa chức năng ấy là yếu tố để giảm chi phí đầu tư cho nhà trường. Trong quá trình thiết kế cũng như chế tạo, giáo viên còn ứng dụng các công nghệ mới nhất vào sản phẩm, mô hình - đây là một trong những yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm đào tạo ra thị trường.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cũng đánh giá cao sự cống hiến hết mình của đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp qua các mô hình, sản phẩm sáng tạo. Mỗi sản phẩm, mô hình phục vụ đào tạo là một công trình tâm huyết, càng trân trọng hơn khi họ phải vừa dạy vừa làm vì người học. “Những năm gần đây, nhiều thiết bị đào tạo tự làm của giáo viên trường nghề tập trung vào các nhóm chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngành nghề trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như điện - điện tử, công nghệ ô tô, cơ khí và tự động hóa. Từ các mô hình, sản phẩm đó, các trường có thể nhân rộng phục vụ đào tạo theo hướng thương mại hóa sản phẩm”, ông Lâm lưu ý.

Với vấn đề thương mại hóa, ông Huỳnh Kim Tước (CEO Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, SIHUB - Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM) cam kết SIHUB sẽ làm cầu nối thương mại hóa các thiết bị đào tạo tự làm của giáo viên trường nghề. “Thực tế trong các trường CĐ-ĐH hiện nay có nhiều công trình nghiên cứu, sản phẩm đào tạo có tính ứng dụng cao, có thể thương mại tốt nhưng vì nhiều lý do khách quan vẫn còn nằm trong ngăn kéo. Nếu không thương mại được không chỉ lãng phí về công sức, tiền bạc mà còn kìm hãm sức sáng tạo của người thầy”, ông Tước bày tỏ.

Bài, ảnh: Trần Trọng Tri

(Báo Giáo dục TP.HCM)

Link tham khảo: https://www.giaoduc.edu.vn/giao-vien-sang-che-thiet-bi-dao-tao-nghe.htm

 

Thông tin

Tên tác giả Trần Trọng Tri
Địa chỉ Báo Giáo dục TP.HCM
Điện thoại
Email

Đơn vị tài trợ

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này