Mã số N3011: Học sinh chung lưng xây dựng thành phố thông minh

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này

Trong nỗ lực xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, hiện đại, ngành giáo dục TP.HCM đã có những đóng góp nhất định, không chỉ đổi mới trong dạy và học, học sinh thành phố đã chủ động trong tiếp cận công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học, giải quyết những vấn đề tồn tại của đời sống.  Trong số đó, nhiều học sinh đã trở thành những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho học sinh TP.HCM ghi tên mình vào “bảng vàng” học sinh thành phố và cả nước.

Nguyễn Hoàng Bảo Việt - nhân tố duy nhất đại diện học sinh TP.HCM giành giải ba cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nguyễn Hoàng Bảo Việt - nhân tố duy nhất đại diện học sinh TP.HCM giành giải ba cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phó Bí thư Đoàn trường “noi gương Bác”

Nguyễn Hoàng Bảo Việt (lớp 11A1, Trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận) hiện là Phó Bí thư Đoàn trường. Mới đây, Việt đã vinh dự đại diện cho học sinh TP.HCM tham dự cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 do Bộ GD-ĐT tổ chức và xuất sắc giành giải ba toàn quốc.

Gặp Việt sau cuộc thi khi cậu vừa từ Hà Nội trở vào Sài Gòn, gương mặt thư sinh hiền lành như vẫn còn “vương mùi hoa sữa” đất kinh kỳ, vẫn rưng rưng niềm xúc động, Việt nói “Hà Nội đẹp quá chị ạ! Cuộc thi là cầu nối đưa em một lần nữa được đặt chân ra Hà Nội, thăm lăng Bác, thăm nơi Bác làm việc… Mới thấy rằng, những bài học về Người có lẽ mình có học cả đời cũng không đủ…”.

Cuộc thi xoay quanh những tư tưởng, lời dạy, phong cách chuẩn mực của Bác với thanh niên, học sinh. Cạnh đó là những thông tin về Đại hội Đảng lần thứ 12.

Để vượt qua hơn 40 ngàn thí sinh trên toàn quốc, bước vào vòng chung kết, Việt cho hay, suốt cả tháng trời trước đó gần như “ăn ngủ” ở thư viện để đọc những cuốn sách về Bác gắn với lứa tuổi thanh niên, học sinh. “Nói học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, ai cũng nghĩ đó là vấn đề lớn lao, uyên bác.

Thật ra, ở mỗi lứa tuổi khác nhau đều có thể học tập và làm theo Bác qua những việc làm cụ thể. Đối với lứa tuổi học sinh, đó là việc luôn cố gắng phấn đấu, học tập, rèn luyện để trở thành người công dân tốt, lương thiện xây dựng Tổ quốc”, Việt chiêm nghiệm.

Tuy nhiên, cậu cũng cho rằng, khi học theo Bác không chỉ là học trên lý thuyết, sách vở, lời nói suông mà cần phải hoàn thiện mình qua hành động. Ở lứa tuổi học sinh, ngoài việc nỗ lực học tập văn hóa thì cần phải rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội. “Kiến thức chỉ bộ xương.

Còn kỹ năng lại là canxi, hỗ trợ cho bộ xương thêm vững chắc. Kỹ năng đó cần phải được rèn luyện qua quá trình, thông qua các hoạt động Đoàn, hoạt động phong trào, hành trình thiện nguyện, để mỗi người biết cách cư xử hòa nhã, xây dựng tình bạn đẹp, để biết nhận sai khi mắc lỗi không đùn đẩy trách nhiệm, để biết kiểm soát bản thân, biết phê bình và tự phê bình. Đó còn là đức tính giản dị, tiết kiệm, khiêm nhường…”.

Từ nhận thức đó, trong học tập, Việt luôn cố gắng để đạt được kết quả tốt khi 10 năm liền đều là học sinh giỏi. Trong đó, ở hai môn tiếng Anh và lịch sử mang lại cho cậu niềm say mê nhất. “Lịch sử là cội nguồn của dân tộc. Học lịch sử để hiểu hơn, yêu hơn, trân trọng hơn Tổ quốc mình. Như Bác đã dạy “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Vì vậy, học lịch sử cũng là học theo Bác. Còn tiếng Anh để mỗi người có thể kết nối với năm châu trong thời toàn cầu hóa, lĩnh hội những tinh hoa của thế giới về xây dựng đất nước cũng như lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc đến bạn bè năm châu”.

Trong vai trò là Phó Bí thư Đoàn trường, từ những điều học được ở Bác, Việt luôn nỗ lực để “truyền tải” một cách nhẹ nhàng, gần gũi nhất đến các bạn đoàn viên trong trường. Tiêu biểu như: Hành trình theo chân Bác, Hội thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và đất nước Việt Nam, thiết kế những lời dạy của Bác bằng hình ảnh…

Đặt trong bối cảnh TP.HCM đang xây dựng thành đô thị thông minh, hiện đại, Việt cho hay, trách nhiệm của mỗi học sinh là tự học, rèn được “tâm trong, trí sáng và hoài bão lớn”. “Tâm trong là suy nghĩ tích cực; Trí sáng là xây dựng bản lĩnh vững vàng; Còn hoài bão lớn là ước mơ và nỗ lực thực hiện ước mơ góp sức mình cho đất nước. Đặc biệt, khi mạng xã hội phát triển, lứa tuổi học sinh dễ dàng bị lôi kéo, tác động bởi những tư tưởng thù địch, chống phá. Có tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn để chúng ta - những công dân nhỏ tuổi biết phân biệt đúng sai, có sự kiên định với lý tưởng cách mạnh…”, Việt nhắn nhủ.

Thủ lĩnh học sinh THPT

Hoàng Tôn Bảo Trâm (lớp 12N, Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2) lại được bạn bè nể phục, mến mộ bởi nỗ lực tự học đáng nể và sự năng nổ trong các hoạt động phong trào Đoàn. Vừa qua, Trâm đã xuất sắc lọt Top 6 Hội thi Đi tìm thủ lĩnh học sinh THPT do Thành đoàn TP.HCM tổ chức. Cô bạn còn là lớp phó học tập đầy tận tâm của lớp 12N.

Ở vai trò là lớp phó học tập, với Trâm đây không chỉ là trọng trách mà còn là mục tiêu để bản thân phấn đấu. Trâm cho hay “Lớp phó học tập mà học dở thì không xứng đáng. Vẫn biết rằng không ai hoàn hảo cả, đôi khi em cũng “quê” lắm khi nhiều vấn đề bạn bè hỏi mà mình không biết rõ. Nhưng, từ sự quê đó lại là động lực để giúp em tự trau dồi thêm bản thân, cố gắng rèn luyện bản thân hơn”.

Hoàng Tôn Bảo Trâm (thứ 3 từ phải qua) trong chiến dịch Hoa phượng đỏ 2018.

Hoàng Tôn Bảo Trâm (thứ 3 từ phải qua) trong chiến dịch Hoa phượng đỏ 2018.

Nhiều năm liền, Trâm đều tự học tiếng Anh bằng cách học trên mạng, học ở các quán cà phê có người nước ngoài. Có năng khiếu với Bộ môn ngữ văn, Trâm miệt mài đọc nhiều sách, theo dõi các trang Facebook về môn học để chia sẻ những bài ôn tập hay cho lớp. Vào các kỳ thi, Trâm thường hẹn bạn bè ra quán cà phê để “phụ đạo” cho những học sinh yếu, đưa ra các hướng lưu ý ôn tập. Ở bộ môn này, Trâm từng đạt HCV, HCB kỳ thi Olympic 30-4. “Tự học là kỹ năng lớn nhất mà mỗi người cần có để hoàn thiện bản thân, không bằng lòng và tự mãn với những điều mình đã có. Tự học với mỗi học sinh vừa là trách nhiệm cho mình mà còn là trách nhiệm đóng góp cho đất nước”, Trâm bày tỏ.

Không chỉ đi đầu trong học tập, cô bạn lớp phó học tập còn luôn “tiên phong” trong các hoạt động Đoàn, ý thức lan tỏa văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Các chiến dịch tình nguyện hè, chiến dịch Hoa phượng đỏ, tạo mảng xanh, hỗ trợ sân chơi cho thiếu nhi của trường… đều luôn có dấu ấn Trâm.

Với Trâm, hoạt động phong trào Đoàn, hoạt động tình nguyện chính là “chất xúc tác” để bản thân trưởng thành, lớn lên, biết yêu thương, trân trọng, biết nhận ra trách nhiệm của mình với thành phố, với đất nước. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Là học sinh, sẵn sức trẻ thì chỉ cần có ý chí và hoài bão lớn cùng trái tim nhiệt huyết, mỗi người hoàn toàn có thể góp sức mình xây dựng thành phố thông minh, hiện đại”, Trâm chia sẻ.

Đặc biệt, bằng vốn tiếng Anh tự học, Trâm luôn ý thức “xuất khẩu” văn hóa Việt Nam đến người nước ngoài. Khi tiếp xúc ở quán cà phê, trong những buổi làm thêm… Với Trâm, đó cũng là cách để “làm đẹp” cho đất nước bằng sức của mình.

Link tham khảo: https://www.giaoduc.edu.vn/hoc-sinh-chung-lung-xay-dung-thanh-pho-thong-minh.htm

 

Thông tin

Tên tác giả Yến Hoa
Địa chỉ Báo Giáo dục TP.HCM
Điện thoại
Email

Đơn vị tài trợ

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này