Đề án Đô thị thông minh của TP.HCM đang được triển khai ra sao?
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đã triển khai có hiệu quả Giai đoạn 1 của Đề án đô thị thông minh với 4 cấu phần trọng tâm.
Triển khai hiệu quả Giai đoạn 1 Đề án đô thị thông minh
Liên quan đến đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, tại buổi gặp mặt báo chí mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đã triển khai có hiệu quả Giai đoạn 1 của Đề án với 4 cấu phần trọng tâm.
Trong đó, hiện TPHCM đã thành lập quy chế khai thác kho dữ liệu dùng chung và hệ dữ liệu mẫu được đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung.
Về cấu phần thứ 2, xây dựng Trung tâm Điều hành chỉ huy của Thành phố được đặt tại Trụ sở UBND Thành phố, đã giao cho Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông chịu trách nhiệm xây dựng đề án và trình ban điều hành vào sau Tết Nguyên đán về các giai đoạn tiếp theo. Theo đó, đây không chỉ là một hệ thống đặt tại trụ sở UBND Thành phố mà còn gắn kết với các trung tâm điều hành chỉ huy ở các sở, ngành.
Đối với cấu phần thứ 3 là Trung tâm Dự báo và Mô phỏng phát triển kinh tế xã hội tại Viện Nghiên cứu phát triển của Thành phố đã bước đầu phát huy hiệu quả trong chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 11 với việc dự báo các chỉ tiêu tăng trưởng, các kịch bản tăng trưởng phát triển kinh tế trong vòng 5 năm tới.
Trung tâm An ninh, an toàn mạng-Cấu phần thứ 4, được lập dưới dạng công ty cổ phần, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn sẽ giữ cổ phần chi phối, trên 51%.
“Ở các giai đoạn tiếp theo, sau khi xem xét các đề án, Thành phố sẽ triển khai đấu thầu để chọn lựa nhà đầu tư, nhà thầu của các trung tâm”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.
Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM, vừa qua 2 đơn vị thí điểm việc hình thành đô thị thông minh là Quận 1 và Quận 12 đã có báo cáo kết quả thực hiện thí điểm. Sắp tới, qua Giai đoạn 2 sẽ triển khai đại trà, trên cơ sở kinh nghiệm, những mặt học được và những mặt cần tiếp tục hoàn thiện của 2 quận này.
Song song đó, hiện các sở, ngành cũng đều chủ động triển khai các đề án ứng dụng CNTT giả quyết những vấn đề của sở ngành mình. “Như Công an Thành phố sắp tới sẽ triển khai Trung tâm điều hành chỉ huy. Hay Sở Giao thông vận tải đã triển khai Trung tâm Điều hành Giao thông thông minh. Sở Y tế rất tích cực ứng dụng CNTT trong xây dựng bệnh ánh điện tử…”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu ví dụ.
TPHCM trở thành TT tài chính, phải nằm trong chiến lược quốc gia
Xung quanh vấn đề đưa TPHCM trở thành Trung tâm tài chính, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện Thành phố đang triển khai phối hợp với Đại học Fulbright để xây dựng Đề án trung tâm tài chính của quốc gia đặt tại TPHCM.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã tiếp nhận nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trên thế giới để báo cáo, đề nghị với Trung ương đưa nội dung này vào Chiến lược phát triển kinh tế quốc gia thời gian tới, “chứ không phải xây dựng một Trung tâm tài chính của TPHCM, bởi tài chính-tiền tệ như mạch máu của cả nền kinh tế, cả đất nước mà TPHCM không thể tách riêng ra được”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Tương tự, việc chọn Thủ Thiêm là trụ sở cho Trung tâm tài chính chỉ đơn thuần coi đây là một địa điểm cụ thể để tổ chức nơi làm việc, còn việc xây dựng Trung tâm tài chính đầy đủ cần một đề án chi tiết, theo hướng dựa trên cơ sở kiến thức tài chính tiền tệ, nhưng đồng thời cũng phải tham quan, khảo sát ở những quốc gia đã triển khai tốt mô hình trung tâm tài chính để rút ra bài học cho mình.
Thành phố lớn cần các tập đoàn lớn và thương hiệu mạnh
Theo Chủ tịch Thành phố, TPHCM đang tập trung phát triển những sản phẩm chủ yếu của mỗi ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ thành thế mạnh. “Muốn nâng cao sự cạnh tranh của nền kinh tế Thành phố, phải có sản phẩm và thương hiệu đủ mạnh”, vị lãnh đạo Thành phố khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Phong, trong số những thương hiệu mạnh của quốc gia được Tạp chí Forbes lựa chọn hằng năm qua nhiều tiêu chí thì những thương hiệu của DN sản xuất tại TPHCM chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn.
Vấn đề là, mặc dù hiện tại Thành phố có tới 390.000 DN, nhưng tỷ lệ DN siêu nhỏ lại chiếm tới 88%, DN mạnh có vốn đăng ký từ 100 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm khoảng 2%. Số DN có vốn trên 1.000 tỷ vỏn vẹn khoảng hơn 700 DN.
“Sắp tới Thành phố sẽ đối thoại hằng tuần, hằng tháng và hình thành một hội đồng phát triển đối với từng lĩnh vực, trong đó, gồm những DN, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học, các sở ngành để lắng nghe những vấn đề của DN từng lĩnh vực để tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Có như vậy mới hình thành được các tập đoàn mạnh, tạo ra các sản phẩm có sức lan toả lớn, có thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh với thương trường quốc tế”, ông Phong nêu giải pháp.
Chín nhóm giải pháp thực hiện Năm văn hoá
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, trên cơ sở Nghị quyết của Thành uỷ, năm 2020 được xác định là năm đẩy mạnh các hoạt động văn hoá và xây dựng nếp sống văn mình đô thị.
UBND Thành phố sẽ tập trung 9 nhóm giải pháp chủ yếu. Cụ thể, công bố danh mục các sự kiện văn hoá thường niên; tổ chức đối thoại văn hoá và hội thảo về phát triển văn hoá của Thành phố.
Nhóm giải pháp thứ 3 là tiếp tục tổ chức Lễ hội âm nhạc quốc tế “Hò dô” mà vừa qua đã có kết quả tốt đẹp, thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách và nghệ sĩ quốc tế tới tham dự; thứ 4 là nâng cấp Lễ hội áo dài của Thành phố.
Việc hoàn tất thủ tục đầu tư, triển khai các công trình văn hoá của Thành phố, như: Nhà hát giao hưởng vũ kịch, rạp xiếc, trung tâm biểu diễn văn hoá đa năng, nhà hát nghệ thuật truyền thống cũng được tập trung thực hiện.
Đồng thời với việc xây dựng, đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hoá; nâng cao, trùng tu tôn tạo di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị Thành phố. Đặc biệt, TPHCM đang làm thủ tục hồ sơ đề nghị công nhận Địa đạo Củ Chi là di sản văn hoá vật thể của thế giới.
Giải pháp thứ 7 là hoàn thành các đề án về văn hoá. Hiện Sở VHTT đã hoàn thành và sẽ triển khai vào năm 2020, nhằm nâng chất phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển văn hoá đọc, nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện.
TPHCM cũng dự kiến chọn ngày 2/7 trở thành ngày hội của Thành phố. Xung quang việc xây dựng hoạt động văn hoá, nếp sống văn minh, TPHCM cũng tập trung thực hiện thiết kế cụ thể những việc phải làm về trật tự đô thị, trật tự xây dựng, không xả rác bừa bãi.
Theo Thu Lê (VGP)