Ý tưởng làm giấy từ thân cây chuối giành giải nhất cuộc thi SV-STARTUP 2020

   

Vượt qua hơn 600 dự án, nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh giành giải nhất cuộc thi SV-STARTUP 2020 với ý tưởng làm giấy từ cây chuối.

img4624.JPG

Các sản phẩm từ nhựa nilon mang lại nhiều tiện ích và đang được rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách và xả thải bừa bãi thì nó sẽ trở thành tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của con người.

Hiện nay trên thế giới, cứ mỗi phút có một triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm có 5 ngàn tỷ túi nilon được tiêu thụ.

Ở 2 thành phố của Việt Nam là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.

Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới phân hủy hết. Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Thời gian qua, nhiều nước trên thế giới sử dụng phế phẩm nông nghiệp làm nguồn nguyên liệu cho sản xuất giấy và thùng carton.

Việt Nam là nước có sản lượng nông nghiệp dồi dào, mỗi năm có khoảng 60 đến 70 triệu tấn phế phẩm nông nghiệp được tạo ra. Thế nhưng, có khoảng 80% phế phẩm nông nghiệp chưa được sử dụng mà chủ yếu là thải trực tiếp ra ngoài môi trường hoặc là đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường, cản trở dòng chảy.

Với ý tưởng biến phế phẩm nông nghiệp thành giấy rồi từ giấy dùng để sản xuất bao bì, túi giấy, cũng như các sản phẩm khác thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần, cô trò khoa Công nghệ và Thực phẩm Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã đạt giải nhất cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đại học Thủy Lợi ngày 22/12/2020.

Nói về dự án này, em Trịnh Ngọc Vân Anh, một thành viên trong dự án cho biết nguyên liệu là từ thân cây chuối, một loại cây rất quen thuộc ở Việt Nam.

“Em thấy rằng vấn đề về túi nilon và rác thải nhựa đang là vấn đề nan giải đối với nhiều quốc gia trên thể giới. Chính vì vậy, nhóm chúng em cùng cô giáo đã nghiên cứu ra một giải pháp có thể thay thế túi nilon và rác thải nhựa bằng các phế phẩm nông nghiệp.

Nhà em trồng rất là nhiều cây chuối, nhưng chỉ để lấy quả, còn thân chuối thì đem bỏ. Em đã thử suy nghĩ xem là có thể sử dụng thân cây chuối này để làm những sản phẩm có ích hay không.

Nhìn chung là giấy được làm từ Xenlulôzơ, bất kỳ cây nào có Xenlulôzơ đều có thể làm được giấy. Tuy nhiên độ dài sợi của Xenlulôzơ khác nhau nên sẽ tạo được giấy có độ dai và độ bền chắc khác nhau”.

Với mục đích biến những thân cây chuối tưởng chừng như không có công dụng gì thành giấy, cô trò khoa Công nghệ Hóa Học và Thực phẩm Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tiến hành bắt tay vào nghiên cứu.

Theo đó, thân cây chuối sau khi được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời sẽ được cắt nhỏ với chiều dài khoảng 0,5 cm đến 1 cm rồi tiếp tục đem đi phơi hoặc sấy khô.

Sau đó, đem trộn với Natri Cacbonat rồi nấu ở nhiệt độ 100 độ C. Tiếp theo đem hỗn hợp này đi rửa, nghiền mịn và trộn với bột keo để thực hiện việc làm giấy.

Bột keo này cũng được làm từ các phụ phẩm nông nghiệp là những củ khoai đã bị hư hỏng.

Em Trịnh Ngọc Vân Anh cho biết, giấy sau khi được tạo ra có thể cung cấp cho các cơ sở sản xuất để tạo thành các sản phẩm đóng gói hoặc túi giấy. Những sản phẩm này hoàn toàn thân thiện với môi trường, dễ phân hủy.

“Những sản phẩm giấy này hoàn toàn bằng hữu cơ nên phân hủy rất nhanh. Lâu nhất khoảng một tháng là đã phân hủy hết. Những chất tẩy trắng chúng em cũng không dùng”.

Nói về những khó khăn khi thực hiện dự án, em Trịnh Ngọc Vân Anh cho biết khó khăn lớn nhất là vấn đề thời gian:

“Vì còn đang là sinh viên nên chúng em rất là bận. Chúng em vừa phải hoàn thành các môn học trên lớp, vừa phải tập trung nghiên cứu để tìm ra các loại giấy có chất lượng tốt nhất. Có những hôm chúng em phải ở lại phòng thí nghiệm đến tận 10 giờ tối. Sau đó về nhà phải chuẩn bị cho môn học ngày mai trên lớp".

Vân Anh cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng em ra Hà Nội và cũng lần đầu cảm nhận được cái rét của miền Bắc. Do không quen với thời tiết nên các thành viên bị cảm lạnh, các thành viên phải chăm lo cho nhau, chăm sóc nhau, yêu thương nhau như một gia đình”.

Với sự nỗ lực của mình, dự án của nhóm học sinh Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi SV-STARTUP 2020.

Nói về những học trò của mình, cô Hoàng Thị Tuyết Nhung, giảng viên hướng dẫn của dự án không giấu được sự xúc động:

“Đây là một dự án đầy tâm huyết của cả cô và trò. Cô trò đã đi cùng nhau gần hai năm. Trong giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các em sinh viên vẫn không nản lòng, vẫn cố gắng cùng cô thực hiện, ngày đêm tìm hiểu ra cách làm giấy.

Lúc đầu, nhóm không nghĩ sẽ nhận được giải thưởng cao trong cuộc thi này vì những sản phẩm của nhóm tạo ra rất nhỏ bé, đơn giản trong cuộc sống hằng ngày.

Tuy nhiên, sau khi đón nhận nhiều sự quan tâm của khách tham quan tại gian hàng, nhóm nhận thấy sản phẩm giấy xanh có tiềm năng lớn nếu được tiêu thụ trên thị trường.

Hy vọng dự án sẽ được nhiều người quan tâm sau khi đạt giải thưởng SV-STARTUP 2020. Vì như thế, lối sống xanh của người Việt Nam sẽ càng được lan tỏa nhiều hơn. Giải thưởng này là động lực rất lớn cho các bạn sinh viên thực hiện nhiều dự án hơn nữa trong tương lai”.

Với ý tưởng biến phế phẩm nông nghiệp thành giấy, hi vọng cô và trò khoa Công nghệ và Thực phẩm Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh sẽ được nhiều đơn vị quan tâm để có thể liên kết sản xuất nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế rác thải nhựa dùng một lần như hiện nay.

Ngoài ra, việc làm này cũng giúp thu mua nguồn phế phẩm nông nghiệp đang bị đốt bỏ hoặc thải ra môi trường, từ đó giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

Đình Hùng