Làm thế nào để có tư duy đổi mới sáng tạo?

Xã hội chúng ta có một nghịch lý là những gì thiết thực, bổ ích, có khả năng tác động sâu sắc trên diện rộng lại ít được dạy trong nhà trường, điển hình như phương pháp luận về tư duy đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Đó là lời nhận xét của Tiến sĩ (TS) Trần Lương Sơn trong khóa học về Phương pháp tổ chức hoạt động ĐMST, diễn ra tại Saigon Innovation Hub. Khóa học do Trung tâm tiết kiệm năng lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức trong 5 ngày: 20, 22, 27, 29 và 30/9/2016.

Thương trường không phải là chiến trường

TS Trần Lương Sơn cảm thấy ngạc nhiên khi phương pháp tư duy mới lạ này chỉ được giới thiệu với số đông qua các buổi hội thảo và thuyết trình ngắn ngủi. 

“Cách đây 20 năm, tôi tình cờ được học về phương pháp luận ĐMST. Nội dung này rất hay và tôi tự hỏi tại sao nó không được đưa vào trường học, tại sao nó không được dạy cho trẻ em? Và 20 năm sau, thế giới dường như vẫn còn thờ ơ với nó”, TS nói.

Trong buổi học, TS Sơn đã khái quát chung về ĐMST và nêu lên vai trò của công nghệ trong việc đổi mới các ngành công nghiệp và tạo ra sự cạnh tranh.

Theo TS thì môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn đang vận hành theo lối cũ, đó là kiểu tư duy “chặt, hút, đào” (chặt cây, hút dầu khí, đào đất khai thác mỏ).

TS Sơn nói: “Đối với những nước khôn ngoan thì họ giữ lại những nguồn tài nguyên có thể cạn kiệt đó và mua của nước khác hoặc tránh dùng chúng. Họ tập trung khai thác và sử dụng tài nguyên trí tuệ, vì đó là cách đầu tư thông minh và hiệu quả nhất”.

TS cũng nêu lên một bất cập ở nước ta, chính là lối suy nghĩ thích tranh giành hay bắt chước ý tưởng của người khác hơn là tạo ra thứ gì mới hoàn toàn.

“Câu khẩu hiệu đã đi vào đầu biết bao thế hệ người kinh doanh đó là: Thương trường chính là chiến trường. Nhưng điều đó không đúng, trong môi trường kinh doanh mới, mà thế giới đang áp dụng thì thương trường là một hệ sinh thái.

Trong đó, các công ty phụ thuộc lẫn nhau và cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh”, TS cho biết. Và để tạo ra một môi trường kinh doanh mới, theo TS Trần Lương Sơn, thì mỗi người buộc phải tư duy theo kiểu “con nhà nghèo”, tức là phát triển mà không phụ thuộc vào đất đai, tài nguyên; không phụ thuộc vào sự “xin cho” quyền kinh doanh.

Phải làm những sản phẩm, dịch vụ chưa từng có và phương thức kinh doanh cũng phải mới lạ.

Công ty lớn khó sáng tạo

TS Sơn cho biết rằng ĐMST dường như là thuộc tính của các công ty khởi nghiệp.

Vì với vốn liếng ít ỏi ban đầu, chỉ có tư duy sáng tạo mới có thể giúp sản phẩm của các công ty vừa và nhỏ mang tính đột phá và thành công trên thị trường. Và nếu như gặp sự cố thì các công ty này cũng có thể dễ dàng vượt qua.

Trong khi đó, với các công ty lớn, một dự án thất bại cũng có thể là dấu chấm hết cho tất cả các hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp đã có chỗ đứng cũng thường bằng lòng với những ưu thế sẵn có của thị trường hơn là đi tìm một giải pháp mới.

Một trong những lý do ngăn cản mọi người hướng đến việc tạo ra những ý tưởng hay ho đó chính là sức ỳ trong tư duy. Đây là một trạng thái tâm lý, trong đó đối tượng hay tình huống được tiếp nhận và xem xét theo một cách cố hữu, loại trừ các phương án khác, TS cho hay.

“Những người làm trong ngành khoa học vũ trụ đã từng đau đầu vì việc giải bài toán: làm thế nào để viết được trong không gian?

Vì trong môi trường phi trọng lượng bút mực không thể dùng để viết được. Họ đã tiêu tốn rất nhiều tiền của và thời gian để nghiên cứu nhưng không thành công. Trong khi đáp án vô cùng đơn giản, đó chính là dùng một cây bút chì”. Đây là ví dụ TS nêu ra để minh họa cho sức ỳ trong tư duy của con người.

Để có thể sở hữu được tư duy ĐMST, TS Sơn giới thiệu đến mọi người những công cụ tư duy của SIT (System Inventive Thinking). 5 công cụ hữu ích trong lý thuyết SIT đó là: tách ra (subtraction), thêm vào (multiplication), chia ra (division), thống nhất chức năng (task unification) và phụ thuộc đặc tính (attribute dependency).

Những ứng dụng của SIT trong quản lý rất phong phú. Đó là dùng để xây dựng chiến lược, phát triển sản phẩm mới, giải quyết vấn đề quản lý, phát triển chiến lược marketing, cắt giảm chi phí và nâng cao năng suất, quản lý tính bền vững, tạo ra ý tưởng cho doanh nghiệp xã hội, quản lý sáng tạo nội bộ, đào tạo về sáng tạo, tổ chức và quản lý các sự kiện về sáng tạo…

TS Sơn cũng gợi ý các doanh nghiệp nên thành lập các ban gọi là Ban chiến lược và Ban sáng tạo. Những ban này sẽ phụ trách việc đưa ra các ý tưởng, xem xét tính khả thi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cho công ty. Những đơn vị này thật sự rất cần thiết để thúc đẩy tư duy ĐMST trong doanh nghiệp.

Bích Trâm (theo Khampha)

Tin tứcQuântin tức