TP.HCM nên phát triển nông nghiệp công nghệ cao và vành đai xanh

Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia trước ý kiến TP.HCM có nên duy trì phát triển nông nghiệp hay chuyển đổi toàn bộ đất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và đô thị.

fes_gwaz.jpg

Theo các chuyên gia, TP.HCM là trung tâm kinh tế và khoa học công nghệ của cả nước, vai trò của nông nghiệp TP là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình kiểu mẫu để liên kết với các địa phương, trở thành trung tâm cung cấp giống, khoa học kỹ thuật, mô hình và trung tâm liên kết chuỗi sản xuất với các tỉnh thành miền Đông và ĐBSCL.

Một chuyên gia kinh tế phân tích trong khi chúng ta mơ xây dựng Thủ Thiêm như “Phố Đông” của Thượng Hải (Trung Quốc) thì ngay tại vùng sa mạc khô cằn là Dubai lại xây dựng một vườn hoa Dubai Miracle - lớn nhất thế giới với diện tích hơn 7 ha, thu hút đến 1,5 triệu lượt khách mỗi năm. Không chỉ thế, hằng năm người dân khắp thế giới đổ về Mỹ, Nhật Bản để ngắm hoa anh đào. Hà Lan cũng phát triển ngành trồng hoa và kết hợp du lịch nổi tiếng thế giới.

Gần hơn với chúng ta, Thái Lan cũng nổi tiếng với các tour du lịch ngắm hoa. Nói vậy để thấy, trồng hoa cũng là một lĩnh vực trong nông nghiệp, nếu chúng ta biết cách khai thác, đó sẽ là nguồn lợi khổng lồ so với việc phát triển công nghiệp mà đặc biệt là công nghiệp lạc hậu như hiện nay.

KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích diện tích bê tông hóa ở TP.HCM ngày càng tăng, trong khi diện tích cây xanh không tăng, thậm chí còn giảm. Hậu quả là nhiệt độ ngoài trời ở khu vực trung tâm luôn cao hơn vùng ven và cao hơn các tỉnh thành khác từ 1 - 2 độ C. Đây là thực tế mà người dân sống ở TP.HCM đều có thể cảm nhận được.

“Nếu TP chuyển đổi đất nông nghiệp ở vùng ven thành đất phi nông nghiệp, tôi liên tưởng TP.HCM đến một ngày nào đó cũng giống Mexico City (Mexico). Ở Mexico City, chúng ta chạy xe hơi mấy tiếng đồng hồ vẫn chưa ra khỏi TP và chỉ thấy toàn bê tông với bê tông”, ông Sơn lo lắng.

Ông Sơn kể từng tham gia với các nhà đầu tư nước ngoài quy hoạch đô thị khu vực phía bắc Hà Nội và đưa vào đó khái niệm Vành đai xanh (VĐX). Theo đó, diện tích đất nông nghiệp ở vùng ven được giữ lại để ngăn cách các đô thị. Từ khu vực trung tâm đô thị hướng ra vùng ven, gần VĐX mật độ xây dựng sẽ giảm dần.

Khu vực giáp ranh giữa đô thị và VĐX sẽ là các đô thị nông nghiệp phục vụ cho người nông dân hoặc các đô thị cao cấp cho người giàu ở trung tâm, mô hình du lịch sinh thái... chỉ được xây dựng thấp tầng.

Bên ngoài đó là VĐX mà nông dân có thể trồng lúa, cây ăn trái, cây cảnh… Tuy nhiên, chủ đầu tư gặp khó khăn về kinh tế không thể triển khai dự án này. Sau đó, chủ đầu tư dự án Phú Mỹ Hưng đã mang ý tưởng này sang Trung Quốc. Hiện nay mô hình đô thị này đã trở thành mô hình kiểu mẫu trong quy hoạch và phát triển đô thị ở nước này.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng nhận xét: “Cái mà chúng ta nên bảo vệ và quy hoạch phát triển là một VĐX cho TP.HCM”. Theo ông, thứ nhất, về mặt môi trường, nó giúp cải thiện chất lượng không khí, thoát nước.

Nếu làm ngược lại, nó sẽ bị bê tông hóa hết và nhiệt độ đô thị tăng, ngập lụt do mưa kết hợp triều cường càng nghiêm trọng hơn. Thứ hai, về mặt kinh tế, chúng ta đang nghĩ rằng đất nông nghiệp giá rẻ, lợi ích kinh tế thấp; chuyển sang loại hình phi nông nghiệp để nâng giá thu lợi cao hơn. Tuy nhiên, nếu phá vỡ cảnh quan tự nhiên, TP bị ngập lụt, triều cường, mưa bão… thiệt hại về kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều.

Thứ ba, nếu bê tông hóa, TP sẽ mất bản sắc đặc trưng của nó. Phát triển sai lầm sẽ trả giá rất lớn. Ưu tiên số một phải là phát triển VĐX cho TP.HCM chứ không phải là xóa bỏ nó. VĐX cung cấp nơi cho người dân đến vui chơi thư giãn. Không thân thiện với môi trường, chúng ta rất khó sống. Nếu chúng ta không sớm quy hoạch một VĐX, người dân sẽ tự chuyển đổi và một thời gian không lâu sau chúng ta không còn đất để quy hoạch phát triển VĐX nữa.

Chí Nhân - Báo Thanh niên