Tiêu chuẩn sẽ hỗ trợ phát triển toàn diện đô thị thông minh

Phát biểu tại hội thảo “Tiêu chuẩn giúp thành phố thông minh hơn”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng đã nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn cho một thành phố thông minh.

864thu-truong-tran-van-tung-do-thi-thong-minh.jpg

Hội thảo được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường – Chất lường tổ chức ngày 13/10 nhân dịp kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10 với chủ đề: “Tiêu chuẩn giúp thành phố thông minh hơn”.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, việc xây dựng thành phố thông minh là vấn đề không hề đơn giản. Mỗi thành phố phải đối mặt với những thách thức riêng và đòi hỏi kết hợp nhiều giải pháp. Tuy nhiên, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng tiêu chuẩn sẽ hỗ trợ cho sự phát triển đô thị thông minh một cách hiệu quả và toàn diện.

Trên thực tế việc xây dựng thành phố thông minh đang được nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam thực hiện. Chính vì thế, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đã có kế hoạch xây dựng bộ tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh nhằm phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả, môi trường sống thân thiện và phát triển KT-XH bền vững.

Nói về thông điệp của Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm nay, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cho rằng, với tiêu chuẩn, chúng ta có thể từng bước làm cho các thành phố thông minh hơn. Các hòn đảo thông minh riêng lẻ có thể cùng phát triển và kết nối với nhau.

Tiêu chuẩn cũng mở ra cánh cửa rộng hơn cho việc lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ. Chúng giúp tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy sự đổi mới. Theo một cách tiếp cận hệ thống, tiêu chuẩn cho phép tích hợp các cấu trúc hoặc giải pháp từ các nhà cung cấp khác nhau.

“Các tiêu chuẩn quốc tế giúp mọi thứ cùng hoạt động an toàn và trơn tru ở mọi cấp độ của thành phố. Tiêu chuẩn cung cấp nền tảng cho việc tiếp cận nguồn điện cũng như tất cả các thiết bị, hệ thống điện, điện tử. Tiêu chuẩn hỗ trợ công nghệ thông tin và truyền thông, từ đó cho phép thu thập, trao đổi và phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin.

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là tiêu chuẩn cung cấp hướng dẫn quan trọng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống đô thị, bao gồm các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, giao thông thông minh, quản lý chất thải được cải thiện, xây dựng cộng đồng bền vững và nhiều hơn thế nữa” - ông Hải nói.

Trong khuôn khổ hội thảo và lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới, nhiều tham luận của các đại biểu đến từ Bộ Xây dựng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Công ty Viễn thông Viettel… đã nói lên vai trò của hệ thống tiêu chuẩn về đô thị thông minh, bền vững cũng như hướng tiếp cận tiêu chuẩn quy hoạch nhằm phát triển mô hình đô thị thông minh Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định tiêu chí, định hình phát triển bền vững đô thị thông minh là vô cùng quan trọng, sẽ là căn cứ để các đô thị của Việt Nam tiến tới thành phố thông minh một cách bền vững và khả thi.

Phương Nguyên - Khoa học phát triển