Hỗ trợ tối đa không quá 1 tỷ đồng/dự án khởi nghiệp sáng tạo


Theo quy định của Bộ Tài chính, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, các bộ, ngành có thể hỗ trợ một phần kinh phí đối với các dự án sửa chữa lần đầu, lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin cho Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mức tối đa không quá 1 tỷ đồng/dự án.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 45/2019/TT-BTC quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đề án này được ban hành theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 844).

Kinh phí thực hiện Đề án 844 được bảo đảm từ nhiều nguồn. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ được bố trí trong dự toán NSNN hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Nguồn NSNN chi sự nghiệp khoa học và công nghệ được bố trí trong dự toán NSNN hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp quản lý của Luật NSNN để thực hiện một số nội dung cụ thể.

Trong đó, có hỗ trợ một phần kinh phí đối với các dự án sửa chữa lần đầu (gồm sửa chữa, cải tạo, mua sắm lắp đặt trang thiết bị của dự án), lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin trong trường hợp đơn vị đã có sẵn mặt bằng, cơ sở hạ tầng cho Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách hàng năm, Bộ trưởng các bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định phê duyệt cụ thể các dự án. Mức hỗ trợ tối đa không quá 1 tỷ đồng/dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thông tư cũng quy định cụ thể nhiều nội dung và mức chi, như: chi tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chi phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chi để phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Về mức chi hỗ trợ đối với doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thông tư nêu rõ, hỗ trợ một phần kinh phí cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp; sử dụng không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở nước ngoài... Trong đó ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thành tích xuất sắc, đạt thứ hạng cao tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp quốc gia hoặc quốc tế.

Cụ thể: Hỗ trợ kinh phí cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp tối đa không quá 1 năm/DN, số DN được hỗ trợ không quá 10 DN/năm.

Hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (gồm: đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác, thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính...), mức kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 80 triệu đồng/DN...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày  5/9/2019.

Theo Minh Anh - Thời báo Tài chính Việt Nam

Bài gốc

Xem thêm