Trung Quốc muốn có hệ thống nhận diện cá nhân chỉ trong vài giây

Chính quyền Trung Quốc đang triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu cho công nghệ nhận diện để có thể nhận biết gương mặt của từng công dân chỉ trong vài giây.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), mục tiêu của dự án này là đạt tới độ chính xác 90% của công nghệ. Tuy nhiên thực tế họ cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về kỹ thuật cũng như những lo ngại về vấn đề bảo mật.

Có thể nói, nếu hoàn thành, đây sẽ là hệ thống nhận diện "khủng" nhất thế giới khi có khả năng xác thực gương mặt của từng người trong số 1,3 tỉ dân Trung Quốc chỉ trong vòng 3 giây.

Dự án này từng được Bộ Công an Trung Quốc triển khai từ năm 2015 trên cơ sở hợp tác với một công ty bảo mật có trụ sở tại thành phố Thượng Hải.

Tuy nhiên theo một số nguồn tin gần gũi với dự án này, hệ thống đó không thể kết nối với mạng lưới camera giám sát an ninh và sẽ sử dụng tiện ích đám mây để kết nối với các trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu được đặt tại nhiều nơi trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.

Một số nhà nghiên cứu cho biết, hiện chưa rõ khi nào hệ thống này có thể hoàn thành vì quá trình thực hiện nó đang vấp phải nhiều khó khăn do những hạn chế kỹ thuật của công nghệ nhận diện và số dân quá lớn.

Hiện tại, các hệ thống nhận diện tương tự đã hoạt động được ở một quy mô nhỏ hơn, trong đó có những cơ sở dữ liệu của cảnh sát và kho dữ liệu số chứng minh nhân dân của tỉnh và thành phố.

Tuy nhiên những hệ thống này đều hoạt động độc lập và ở một cấp độ quy mô nhỏ hơn nhiều so với mục tiêu mà dự án nhận diện tổng quát kỳ vọng.

Phần dữ liệu nòng cốt của hệ thống nhận diện quốc gia bao gồm dữ liệu chân dung của từng công dân Trung Quốc. Khối dữ liệu này lên tới 13 terabyte.

Theo các tài liệu kỹ thuật đăng tải trên trang web của Bộ Công an và trong cuốn sách về nội dung này của các nhà nghiên cứu, dung lượng của toàn bộ cơ sở dữ liệu với những thông tin cá nhân chi tiết của tất cả các công dân Trung Quốc phải không được vượt quá 90 terabyte.

Phó giáo sư Chen Jiansheng thuộc Đại học Thanh Hoa, một thành viên của đơn vị giám sát kỹ thuật cho dự án, cho biết hệ thống sẽ phải xây dựng trên một quy mô chưa có tiền lệ vì không có đất nước nào có dân số đông như Trung Quốc.

Cũng theo ông Chen Jiansheng, hệ thống này được phát triển nhằm phục vụ mục đích an ninh và chính phủ sẽ sử dụng nó trong các việc như truy nã các đối tượng nghi phạm bỏ trốn và trong nhiều dịch vụ quản lý hành chính công khác.

Theo những luật hiện hành, các dữ liệu phục vụ cho hệ thống này bị cấm sử dụng cho các mục đích thương mại khác tại Trung Quốc.

Đỗ Dương - Báo Tuổi trẻ