Giáo sư gốc Việt đưa robot Mỹ vào không gian

Được nhiều tổ chức quốc tế vinh danh, GS-TS Charles Cường Nguyễn không chỉ có các đóng góp quan trọng cho lĩnh vực robot ở Mỹ mà còn là nhà quản lý giáo dục khi giữ vị trí Hiệu trưởng Trường Kỹ sư - Đại học Công giáo Mỹ.

Ông Cường nhận bằng tiến sĩ của Đại học George Washington (Mỹ)

Ông Cường nhận bằng tiến sĩ của Đại học George Washington (Mỹ)

Ông cũng là người Việt đầu tiên được bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng một trường Đại học tại Mỹ. Nhân dịp GS Charles Cường Nguyễn về VN từ tháng 9 đến đầu tháng 10 vừa qua, Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông.

Thuyết phục NASA

Ông có thể kể lại quá trình để được tham gia vào các dự án lớn như dự án cánh tay robot của NASA?

Từ năm 1986, Cơ quan Không gian hàng không Mỹ (NASA) muốn thiết lập một trạm không gian để các phi hành gia có thời gian nghỉ ngơi và đi lại sửa những vệ tinh hư hỏng cũng như tiến hành nghiên cứu. Khi đó, NASA đặt ra 2 giải pháp thiết lập trạm không gian. Cách thứ nhất là đưa phi hành gia lên không gian xây dựng. Nhưng cách này rất nguy hiểm và có thể khiến nhiều phi hành gia mất mạng. Cách thứ hai là sử dụng robot.

Khi đó, tôi là một trong những giáo sư gốc Á đầu tiên của một Đại học Mỹ đề xuất phương án sử dụng robot để xây dựng trạm không gian. Tôi đã viết thư gửi NASA về đề xuất của mình. Theo đó, để thiết lập cấu trúc cho một trạm không gian, chúng ta cần bàn tay người máy có thể thao tác với độ chính xác lên đến 0,01 mm. Chính vì thế, giải pháp tôi đưa ra đồng nghĩa với việc phải chế tạo một trong những bàn tay robot có độ chính xác cao đầu tiên cho NASA.

Sau khi tôi trình bày, NASA quyết định đầu tư cho nghiên cứu này để phát triển bàn tay robot có độ chính xác cao. Đến năm 1994, NASA quyết định áp dụng bàn tay robot để xây dựng trạm không gian.

Đâu là khó khăn cho một người nhập cư để tham gia những dự án như thế tại Mỹ?

Vì mình là người gốc châu Á, nên điều đầu tiên là rất phải nỗ lực để có được sự tin tưởng của các đồng nghiệp Mỹ hay châu Âu. Thêm vào đó, để chinh phục được niềm tin của NASA hay các cơ quan khác của Mỹ cũng đầy khó khăn. Tôi cho rằng muốn chinh phục được phải đòi hỏi sự cần cù, làm việc siêng năng và quan trọng là chứng minh được năng lực bản thân.

Được biết, không chỉ có nhiều thành tựu trong nghiên cứu robot mà còn là một nhà quản lý giáo dục khi trở thành hiệu trưởng của Trường Kỹ sư thuộc Đại học Công giáo Mỹ (CUA) từ năm 2001. Hiện nay ông giữ chức vụ gì ở CUA?

Sau 16 năm làm hiệu trưởng (dean) cho Trường Kỹ sư - CUA thì nay tôi được trao vị trí Dean Emeritus. Có thể tạm hiểu đây là chức danh hiệu trưởng danh dự dành cho người từng có nhiều đóng góp trong vai trò hiệu trưởng ở đại học này. Đây là chức danh đến cuối đời. Từ trước đến nay, tôi là người thứ hai được trao cho vị trí Dean Emeritus ở CUA. Hiện tại, những hoạt động của tôi tại VN không chỉ đại diện cho trường kỹ sư mà là đại diện cho CUA.

Một bài báo về việc GS Cường tham gia dự án của NASA

Một bài báo về việc GS Cường tham gia dự án của NASA

Nỗ lực góp phần nâng tầm Đại học Việt

Ông có thể chia sẻ thêm về các hoạt động tại VN?

Tôi đại diện cho CUA làm việc với các trường THPT chuyên tại VN để thực hiện các hội thảo liên quan giáo dục. Tôi cũng tham gia tư vấn cho chương trình đảm bảo chất lượng cho các trường đại học như Trường đại học Bách khoa TP.HCM và Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Hồi cuối tháng 9, tôi cũng có tổ chức một hội thảo ở Trường đại học Bách khoa TP.HCM cùng các lãnh đạo của trường phụ trách mảng đảm bảo chất lượng đào tạo. Các hoạt động ở một số trường Đại học VN mà tôi thực hiện là thuộc Chương trình BUILD-IT được bảo trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thông qua kết hợp cùng Đại học bang Arizona (Mỹ). Mục tiêu của chương trình là cùng nâng cao chất lượng cho Đại học VN đạt chuẩn của Hệ thống Đại học ASEAN (ASEAN University Network - AUN).

Sắp tới, tôi dự kiến về VN từ 2 - 3 lần mỗi năm để thực hiện chương trình này. Các trường Đại học có thể sử dụng bộ tiêu chí của AUN cho chuẩn phát triển. Hiện chỉ có 2 trường Đại học ở VN sắp đạt chuẩn AUN.

Trong chương trình BUILD-IT thì tôi là người đứng đầu nhóm 4 là nhóm chuyên về chất lượng. Còn một số nhóm khác thì lo về chính sách, nghiên cứu...

Ông nhận xét các trường đại học VN gặp thách thức gì để đạt chuẩn AUN?

Muốn đạt tiêu chuẩn AUN thì phải thiết lập hệ thống tương xứng và đến nay chúng ta vẫn chỉ mới bắt đầu. Việc thiết lập hệ thống chính là khó khăn, thách thức. Và một thách thức khác là cách thức làm việc theo quy trình đảm bảo chất lượng vẫn chưa phổ biến ở VN, nên cần có thời gian thay đổi.

Ông Cường cùng vợ

Ông Cường cùng vợ

Khi tham gia những chương trình hỗ trợ nâng cao chất lượng Đại học ở VN, ông có còn tham gia nghiên cứu?

Thực ra sau khi không còn trực tiếp điều hành Trường Kỹ sư - CUA thì tôi có thời gian nhiều hơn, nên tôi vẫn tiếp tục tham gia một số dự án robot. Hiện tại, tôi cùng các cộng sự phát triển robot phục vụ trong vật lý trị liệu. Lâu nay, mỗi khi cần tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân, người ta cần phải có người chuyên trách hỗ trợ. Thực tế này gây khó khăn về nhân lực và chi phí. Chính vì thế, chúng tôi phát triển robot để hỗ trợ tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân với các nội dung được lập trình để phần tập phù hợp cho từng bệnh nhân. Nhờ đó, bệnh nhân dễ dàng tập luyện mà không lệ thuộc về thời gian.

Cánh tay robot mà tôi phát triển cho trạm không gian của NASA còn được dùng làm nền tảng cho dự án lần này, và trước đây còn giúp hoàn thiện hệ thống gắn bom cho máy bay chiến đấu của không quân Mỹ. Tiếp đến, nền tảng công nghệ này còn giúp phát triển hệ thống cánh tay robot điều khiển từ xa cảm nhận được phản ứng. Đây là công nghệ Telerobotics. Ví dụ, khi điều khiển cánh tay trong không gian, người điều khiển tại trái đất vẫn cảm nhận được các phản hồi nếu như cánh tay trên đụng hay va chạm gì đó. Trong tương lai, nước Mỹ sẽ dần thay thế bằng công nghệ robot.

Từng tham gia phát triển công nghệ tối tân tại Mỹ và cũng có hoạt động ở VN, ông nhận xét thế nào về mặt bằng công nghệ ở VN?

Qua làm việc thực tế với các trường Đại học ở VN, tôi thấy mặt bằng công nghệ ở nước ta còn khá thấp. Đó là vì chúng ta còn thiếu nhiều máy móc tối tân. Bên cạnh đó, cách dạy ở Đại học VN còn mang nặng tính lý thuyết, thiếu sự kết nối với các doanh nghiệp để nâng cao tính ứng dụng.

VN còn nhiều khó khăn, thiếu điều kiện tài chính để có thể sớm sở hữu các thiết bị hiện đại, nhưng thế giới lại đang trong kỷ nguyên bùng nổ công nghệ. Vậy làm thế nào để VN có thể theo kịp?

Theo tôi, cách thứ nhất là chúng ta phải tận dụng các chương trình cải tiến chất lượng đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực ở VN.

Thứ hai, rất nhiều tập đoàn ở Mỹ muốn đầu tư vào VN nên họ rất cần đào tạo nhân lực cho VN. Đây cũng chính là một cơ hội nếu chúng ta liên kết với các tập đoàn lớn. Khi chứng minh được hiệu quả khi đầu tư vào VN, chắc chắn các tập đoàn toàn cầu sẵn bỏ tiền đưa máy móc về VN. Họ sẵn sàng đầu tư các phòng thí nghiệm hiện đại để sinh viên, học sinh nghiên cứu sáng tạo mà không phải tốn chi phí.

Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là ngay từ cấp học nhỏ, chúng ta nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách tăng cường kỹ năng thực hành cho học sinh, sinh viên. Đó chính là lý do mà kỳ này về VN, tôi đã đại diện CUA để đến nói chuyện với các trường trung học chuyên ở VN như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và chuyên Trần Đại Nghĩa (ở TP.HCM), Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội). Qua các hoạt động này, CUA muốn đưa sinh viên sang học ngay từ năm nhất. Tôi rất mong có thể góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo cho VN.

Cám ơn ông!

Làm việc trong dự án robot của NASA

Làm việc trong dự án robot của NASA

Tiểu sử

Sinh năm 1954 tại Đà Nẵng.

Năm 1971: du học bậc Đại học tại CHLB Đức.

Năm 1978: nhận bằng kỹ sư điện tử, đạt danh hiệu thủ khoa của Đại học Konstanz (Đức) rồi sang Mỹ.

Năm 1980: nhận bằng thạc sĩ của Đại học George Washington (Mỹ).

Năm 1982: được trao học vị tiến sĩ khoa học cũng tại Đại học George Washington.

Năm 1987: được phong PGS tại Đại học Công giáo Mỹ (CUA).

Năm 1992: trở thành giáo sư ngành kỹ thuật điện tử của CUA.

Từ năm 2001 - 2017: Hiệu trưởng Trường Kỹ sư - CUA.

Từ năm 2004 - 2007: Giám đốc Quỹ giáo dục VN (VEF).

Từ năm 2017 - nay: GS và là Hiệu trưởng danh dự (Dean Emeritus) của Trường Kỹ sư - CUA.

Các giải thưởng được trao:

- Giải thưởng Nghiên cứu xuất sắc của CUA (1989).

- Giải thưởng Giám đốc dự án xuất sắc của Trung tâm không gian Kennedy - Mỹ (1996).

- Giải thưởng Vinh danh của Đại học George Washington (2002).

- Giải Vinh danh trọn đời của Tổ chức World Automation Congress (2004).

- Giải thưởng Tầm nhìn lãnh đạo của Tổ chức Nghiên cứu và đào tạo kỹ thuật quốc tế (2007).

- Giải Thành tựu trọn đời của Liên hội Kỹ sư và kiến trúc sư thủ đô Washington - Mỹ (2009).

- Được bổ nhiệm làm thành viên Hội Tiến bộ khoa học Mỹ (2009).

- Giải thưởng Di sản châu Á của Hiệp hội Di sản châu Á (2014).

Ngô Minh Trí - Báo Thanh niên