Kiều bào hiến kế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Nhằm thu hút nhiều nguồn lực phát triển TP.HCM, trong đó phát huy tiềm lực của các DN, trí thức kiều bào, ngày 19/10, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị: 'Kiều bào góp ý với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP.HCM'.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Hoa Xô, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh chương trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng năng suất cao, hiệu quả và phát triển bền vững. Theo đó, thành phố đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật trồng, vật nuôi; giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất, hướng tới trở thành Trung tâm giống cây, giống con chất lượng cao của khu vực Nam Bộ.
TP.HCM hiện có 740 DN, 73 HTX và 229 tổ hợp tác đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số DN, HTX đã tổ chức sản xuất giống, hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, xây dựng các thương hiệu nông sản an toàn, cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội.
Theo định hướng một số công tác trọng tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố đến năm 2020, TP.HCM kêu gọi các nguồn lực xã hội đẩy mạnh cải thiện chất lượng cây, con giống, tập trung phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tập trung các cây trồng vật nuôi chủ lực của thành phố, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, sức cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Dương Hoa Xô cũng nhấn mạnh, do đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn, nên cần có vai trò đi đầu của DN, chứ không thể yêu cầu điều này ở người nông dân.
Tuy nhiên, ông Tony Lâm, kiều bào Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp và công nghệ cao U.S Farm, chỉ ra rằng, có một rào cản khi kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp là yêu cầu máy móc nhập về phải được sản xuất từ năm 2011 trở lại đây. Những máy móc này có giá trị có thể lên đến 10 tỷ đồng. Trong khi một ekip làm nông nghiệp cần tới khoảng 10 chiếc máy như vậy, điều này đã gây khó cho nhà đầu tư. Ông Lâm cho rằng những máy móc này chỉ hoạt động trên đồng ruộng, không ảnh hưởng tới giao thông, nên nhà nước cần có chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Ông Tony Lâm cũng cho biết đang ấp ủ dự án công viên thảo dược chuyên về nấm thuốc và nấm sạch với quy mô từ 5-10 ha. Nhưng để làm được điều này cần có sự chung tay và hỗ trợ từ nhiều phía.
“Việt Nam có những nông dân lãi tới 15 tỷ mỗi năm nhờ áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật cao vào những mô hình trồng trọt chăn nuôi. Tuy nhiên, việc phát triển này cũng còn manh mún, chưa tập trung và đầu ra vẫn còn bấp bênh” – ông Lâm nói.
Theo đó, ông Lâm nhận thấy ở Việt Nam đang có sự đổi mới hàng ngày. Những thay đổi này luôn được các kiều bào trên thế giới cũng như nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Do vậy, nếu có thêm sự tạo điều kiện của chính quyền thành phố thì không có lý do gì Việt Nam lại thua các nước khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay Hàn Quốc…
Tại hội thảo, các kiều bào cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại một số nước như Nhật, Australia, Hà Lan… và một số công nghệ hiện đại đang được áp dụng trong nông nghiệp.
Góp ý về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP.HCM, TS Nguyễn Quốc Bình- kiều bào Canada, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học Tp.HCM, cho rằng, thành phố nên hoạch định chính sách để phát triển sản phẩm nông nghiệp có giá trị thu nhập cao với sản phẩm cần chú trọng là rau, quả, hoa, cá cảnh…
Cụ thể, ở cây trồng, TP.HCM có thể quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp có chất lượng cao phục vụ thị trường thành phố, kiểm soát khắt khe sản xuất và chất lượng, nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Sản phẩm có chứng nhận quy trình sản xuất, giống, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sản phẩm… Ví dụ thị trường thành phố cần sản phẩm sạch, hữu cơ thì có thể dùng nguồn nước sạch từ hồ Dầu Tiếng và hình thành vùng rau, trái cây ngắn ngày ở Củ Chi, Hóc Môn; kiểm soát chặt số lượng sản xuất và chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường và làm tăng giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng công nghệ chế biến sau thu hoạch hiện chưa được chú trọng, hầu hết nông dân trồng đều mang sản phẩm đi bán mà không qua sơ chế. Do đó, cần nghiên cứu các công nghệ chế biến hoặc hỗ trợ chế biến sau thu hoạch. Đồng thời có chính sách hỗ trợ DN xây dựng nhà máy chế biến một số sản phẩm rau quả trên địa bàn thành phố.
Ban quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao đang kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực:
Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại Cần Giờ (89,7ha) tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ.
Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành trồng trọt và sau thu hoạch (23,3 ha) tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi.
Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành trồng trọt mở rộng (200 ha) tại khu đất liền kề với Khu nông nghiệp công nghệ cao 88,2 ha hiện hữu và phía sau trại chăn nuôi heo Đồng Hiệp diện tích 206 ha thuộc xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi.
Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành chăn nuôi tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh (170,4 ha).
Nguyễn Hiền - Báo Tiền Phong