Tăng cường kết nối là ưu tiên hàng đầu trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

Chúng ta đã có nhiều chính sách, chương trình thúc đẩy khởi nghiệp nhưng các startup vẫn chưa biết có những hỗ trợ gì, phải liên hệ ở đâu.

Ông Nguyễn Khắc Thanh mong muốn các thành phần trong hệ sinh thái tích cực đóng góp ý kiến để cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST thành phố

Ông Nguyễn Khắc Thanh mong muốn các thành phần trong hệ sinh thái tích cực đóng góp ý kiến để cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST thành phố

Đó là tồn tại lớn nhất trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp theo nhận định của những người trong cuộc tại tọa đàm “Các chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”.

Nằm trong khuôn khổ “Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh năm 2017” – WHISE 2017, buổi tọa đàm do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM tổ chức là cơ hội để đại diện các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố cùng trao đổi và tìm ra giải pháp cho những vướng mắc hạn chế sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết Sở KH&CN đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp điển hình như chương trình SpeedUp 2017 đã hỗ trợ trên 11 tỷ đồng cho 14 dự án khởi nghiệp, chuẩn bị trình thành phố chương trình hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất cho các trường đại học, vườn ươm, trung tâm ươm tạo...

Ngoài ra, 4 Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cho các lĩnh vực trọng điểm của thành phố cũng đã được thành lập. 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp được liên kết, 938 dự án khởi nghiệp với 300 sản phẩm khởi nghiệp được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư.

Những kết quả trên được đại diện các đơn vị ghi nhận. Tuy nhiên, các đại biểu tham gia tọa đàm cũng chỉ ra một thực tế: Những thông tin về khởi nghiệp còn chưa thực sự đến được với cộng đồng startup.

Với góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu cho rằng cần có một Cổng thông tin khởi nghiệp, ĐMST của thành phố. Cổng thông tin này có sự hợp tác của thành phố và các doanh nghiệp dẫn dắt để cung cấp đến cộng đồng những thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, chính sách, pháp luật, nguồn đầu tư, mô hình kinh doanh mới...

Đồng thời, việc xây dựng, phát triển mạng lưới doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đã có sản phẩm và các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cũng là một biện pháp quan trọng để thúc đẩy tìm ra các sản phẩm giải quyết những nhu cầu thực tế, có thể ứng dụng ngay tại thành phố.

Cũng có chung nhận định các chính sách hỗ trợ vẫn chưa thực sự tới được với startup nhưng ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM kiêm Phó Chủ tịch Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT nhấn mạnh vai trò của các Ban điều hành. Theo ông, các Ban điều hành phải thực sự là cầu nối giữa chính quyền với cộng đồng khởi nghiệp, giúp startup nhận được hỗ trợ một cách hiệu quả nhất.

Sự cần thiết phải thúc đẩy mạng lưới kết nối cũng là chia sẻ của các thành phần khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST như TS Nguyễn Hải An – Giám đốc Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, ông Phạm Thái Sơn – Phó Chủ tịch Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp lĩnh vực Nhựa – Cao su – Hóa chất, PGS.TS Nguyễn Tấn Tiến – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách khoa...

Ghi nhận những ý kiến trên, ông Nguyễn Khắc Thanh kết luận: “Hệ sinh thái khởi nghiệp gồm nhiều thành phần cộng sinh với nhau trong đó các Ban điều hành đóng vai trò dẫn dắt, kết nối. Các Ban điều hành cần chủ động đề xuất kế hoạch và Sở KH&CN sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành với các ban điều hành, các doanh nghiệp dẫn dắt để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST.”

Phạm Sơn - Báo Khám phá