Ban điều hành ICT nỗ lực thắp lửa khởi nghiệp cho sinh viên
Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, chương trình kết nối doanh nghiệp với sinh viên đã được tổ chức tại 12 trường Đại học, Cao đẳng với sự tham gia của hơn 20 chuyên gia và gần 5000 sinh viên.
Những kết quả trên cho thấy nỗ lực của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM và Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TP.HCM trong việc đưa tinh thần, kiến thức khởi nghiệp vào trong các trường Đại học, xây dựng môi trường thuận lợi cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh WHISE 2017, Hội Tin học TP.HCM (HCA) đã tổ chức buổi báo cáo tổng kết hoạt động kết nối doanh nghiệp với sinh viên có chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT – Viễn thông”.
Đánh giá cao vai trò của CNTT trong phong trào khởi nghiệp, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết: “Vừa qua, chương trình Speedup 2017 đã hỗ trợ 11,75 tỷ đồng cho 14 startup trên cả nước trong đó có 8 dự án thuộc lĩnh vực CNTT”.
Từ tháng 5/2017 đến nay, chương trình kết nối đã được tổ chức tại 12 trường Đại học, Cao đẳng ở TP.HCM và thành phố mới Bình Dương. Tại những buổi giao lưu, các chuyên gia, nhà tư vấn, doanh nhân có kinh nghiệm khởi nghiệp đã mang đến cho các bạn sinh viên những kiến thức và kinh nghiệm khởi nghiệp, khơi nguồn ý tưởng cũng như phát triển sản phẩm từ ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời thông qua chương trình, các bạn sinh viên sẽ được trao đổi với các chuyên gia về thực tế nhu cầu nhân lực, các xu thế ngành nghề nổi bật, kỹ năng mềm... Những kiến thức đó là cơ sở để các bạn trẻ tự hoàn thiện, định hướng và tìm được môi trường học hỏi, thực tập hay các vườn ươm phù hợp.
Ngoài ra, chương trình cũng đã trao 60 suất học bổng chuyên ngành có trị giá gần 1 tỷ đồng cho các bạn sinh viên.
Từ góc nhìn của một giảng viên, thầy Lê Xuân Trường, Trưởng khoa CNTT Đại học Mở TP.HCM chia sẻ: “Ý thức được vai trò của kiến thức khởi nghiệp với sinh viên, nhà trường đã chủ động đưa những kiến thức này vào trong chương trình đào tạo.”
Bên cạnh những kết quả được ghi nhận, đại diện các doanh nghiệp, trường Đại học và các cơ sở ươm tạo tham gia buổi tổng kết cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu của hoạt động khởi nghiệp trong môi trường đại học.
Ông Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm ĐH Quốc Gia TP.HCM, cho rằng trách nhiệm của các trường Đại học không phải là tạo được bao nhiêu startup mà quan trọng nhất là tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để sinh viên trở thành doanh nhân khởi nghiệp. Do đó, việc đào tạo tư duy khởi nghiệp cho sinh viên là điều hết sức cần thiết.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Phí Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn CNTT P.A.T kiêm Phó chủ tịch HCA, đề xuất: “Cần tạo khung pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp đặt hàng với các trường cũng như cách đánh giá học phần, trả lương cho các em sinh viên tham gia.”
Ông Tuấn còn cho biết Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT sẵn sàng kết nối, giúp các bạn sinh viên tìm được địa chỉ thực tập, học hỏi phù hợp.
Phạm Sơn - Báo Khám phá