Trung Quốc tạo ra giống gạo nước mặn, sẽ mở rộng sản xuất ra Đông Nam Á

Các nhà khoa học tại Trung Quốc mới tạo ra một số giống lúa mới có thể sống được trong điều kiện nước biển pha loãng.

saltwater-rice-variety (1).jpg

Nhóm nghiên cứu dự định sẽ mở rộng quy mô ra khu vực Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để tận dụng hàng triệu héc-ta đất bị bỏ hoang do nhiễm mặn.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu giống lúa chịu mặn trong nhiều thập kỷ, nhưng đây là lần đầu tiên lúa nước mặn thu về sản lượng đủ lớn để đem bán ra thị trường. Đây là kết quả quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, dẫn đầu là giáo sư 87 tuổi Yuan Longping.

Cụ thể, để tìm ra giống lúa sinh trưởng tốt nhất trong điều kiện đất kiềm nhiễm mặn và nước biển pha loãng, các nhà nghiên cứu đã tiến thành trồng 200 giống lúa tại Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Nhóm nghiên cứu đã bơm nước mặn từ biển Hoàng Hải (gần Thanh Đảo), sau đó pha loãng với nồng độ muối 3% và bơm vào các ruộng lúa. Nồng độ muối sẽ dần dần được tăng lên tới 6%.

Các nhà khoa học dự kiến năng suất đạt khoảng 4,5 tấn lúa/héc-ta, nhưng kết quả thu được đã vượt mức mong đợi. Trong 200 giống lúa thử nghiệm, có bốn giống lúa phát triển nổi bật, cho về năng suất 6,5 đến 9,3 tấn/héc-ta.

Hiện tại có một số giống lúa dại có thể tồn tại được trong môi trường nhiễm mặn, nhựng năng suất chỉ đạt 1,125 đến 2,25 tấn/héc-ta.

“Nếu nông dân gieo trồng các giống lúa chịu mặn hiện nay, họ có thể chỉ thu về 1.500 kg/héc-ta. Năng suất này không những không có lợi nhuận mà còn không đáng công sức bỏ ra,” ông Yuan cho biết. “Nông dân sẽ có động cơ để trồng lúa hơn nếu năng suất đạt gấp đôi.”

Ông Yuan Longping được mệnh danh là “Cha đẻ của giống lúa lai” ở Trung Quốc. Ông đã nghiên cứu các giống lúa lai từ những năm 1970, thời kỳ Trung Quốc bùng nổ dân số. Hiện trên thị trường nước này có 20% giống lúa lai là sản phẩm của Yuan Longping.

Trung Quốc hiện có 100 triệu héc-ta đất không thể canh tác được do nồng độ muối cao. Các nhà khoa học hi vọng giống lúa nước mặn sẽ giúp tận dụng được những diện tích đất này cho ngành nông nghiệp.

⅕ trong số 100 triệu héc-ta đất kiềm này sẽ được dùng để trồng giống lúa mới. Dự kiến, chỉ cần 1/10 số diện tích đất hoang nói trên được sử dụng để trồng lúa, sản lượng thu về có thể đạt 50 triệu tấn – đủ ăn cho 200 triệu người và đưa sản lượng lúa của Trung Quốc tăng thêm 20%.

Rice-Varieties-889x582.jpg

Không chỉ vậy, giống lúa chịu mặn sẽ được dùng cho khu vực Nam Á và Đông Nam Á, nơi có hàng triệu héc-ta đất bị bỏ hoang vì nhiễm mặn. Nhóm nghiên cứu dự định sẽ phát triển thêm các giống lúa của mình cũng như cải tiến phương pháp canh tác để lúa chịu mặn sẽ sớm trở thành một trong những loại cây trồng chính trong các khu vực này.

Nhóm nghiên cứu của Yuan Longping hiện đang hợp tác với công ty Yuan Ce Biological Technology nhằm bán gạo nước mặn có tên gọi “Yuan Mi” ra thị trường nước này. Lúa nước mặn trên thị trường Trung Quốc có giá 50 nhân dân tệ/kg (~170.000 VNĐ/kg), cao hơn 8 lần so với gạo thông thường. Người tiêu dùng có thể mua các bao nhỏ khối lượng 1 kg, 2 kg, 5 kg hoặc 10 kg.

Tuy giá cao nhưng các nhà phân phối cho biết, từ tháng Tám đến nay, họ đã bán được 6 tấn gạo nước mặn nhờ mùi vị ấn tượng và mới lạ của nó. Dự kiến công ty Yuan Ce Biological Technology sẽ đạt doanh thu 10 triệu nhân dân tệ (~34 tỷ VNĐ) vào cuối năm nay. Giá gạo sẽ giảm dần khi công ty nông dân mở rộng sản xuất.

Người tiêu dùng rất hứng thú với những lợi ích về sức khỏe mà gạo nước mặn mang lại. Theo tờ Tân Hoa Xã, gạo nước mặn giàu canxi và các vi chất dinh dưỡng, vì những chất này có nhiều trong nước mặn.

Không chỉ vậy, nồng độ muối trong nước đóng vai trò như một chất khử trùng giúp lúa ít bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh cũng như bị côn trùng phá hoại. Nhờ đó, nông dân có thể tiết kiệm thời gian và chi phí phun thuốc trừ sâu.

Niên Hồ