Kiến nghị xây trạm rửa xe tự động: Tái khởi động ý tưởng cũ cứu môi trường

Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng ở khu vực nội đô, Sở TN&MT Hà Nội kiến nghị xây dựng trạm rửa xe tự động tại các trục đường cửa ngõ Thủ đô, buộc xe vào nội thành được loại bỏ bùn đất.

Mô hình này được một số nước áp dụng thành công, nhưng để hiện thực hóa ý tưởng này vẫn là bài toán khó do các sở, ngành chồng chéo trách nhiệm, và thiếu chế tài xử lý phương tiện.

10a_CMCJ.jpg

Tái khởi động ý tưởng cũ cứu môi trường

Tại hội thảo tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN&MT đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm khói, bụi, không khí ở khu vực nội đô.

Theo ông Đông, tình trạng ô nhiễm có nguyên nhân do quá trình đô thị hóa nhanh, kéo theo các hoạt động xây dựng hạ tầng trên khắp thành phố, cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh... nên chất lượng môi trường không khí của thành phố có biểu hiện suy thoái, đặc biệt là ở khu vực nội thành, các trục đường giao thông chính, các công trường xây dựng.

Từ thực trạng trên, bên cạnh việc bổ sung các trạm quan trắc, Sở TN&MT cho biết, thành phố sẽ huy động nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng các trạm rửa xe tự động đặt tại các cửa ngõ ra vào trung tâm. Đây là một trong số những biện pháp đã được một số nước trên thế giới áp dụng giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí, ngay cả Hà Nội cũng từng cho thí điểm mô hình trên nhưng sớm rơi vào cảnh “đánh trống bỏ dùi”.

Cụ thể, năm 2000, nhóm nghiên cứu JICA (Nhật Bản) đã phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố tiến hành khảo sát, lập dự án giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi ở Hà Nội. Trong hàng loạt phương án nhóm nghiên cứu đưa ra, giải pháp xây dựng trạm rửa xe tự động tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô được nhiều người coi khả thi nhất.

Cty Môi trường đô thị khi đó đã trình thành phố 6 vị trí xây dựng trạm rửa xe gồm: Quốc lộ 1A (đoạn Pháp Vân - Đuôi Cá), Quốc lộ 5 (đoạn Ngọc Thụy - Gia Lâm), Quốc lộ 6 (đoạn Thanh Xuân), cao tốc Thăng Long (đoạn phía Nam cầu Thăng Long), đường Láng - Hòa Lạc (đoạn Mễ Trì- Tây Mỗ), Quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn- Mai Dịch). Năm 2005, Hà Nội đã đưa vào hoạt động trạm rửa xe tự động cho xe chở vật liệu trước khi vào thành phố tại Bến Bạc (Đông Ngạc, Nam Từ Liêm). Sau đó, một số trạm rửa xe chở vật liệu xây dựng khác cũng được xây dựng như trạm ở Chèm 1 và Chèm 2.

Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, các trạm rửa xe này được đánh giá không hiệu quả, và từ đó đến nay, không cơ quan nào nhắc tới những trạm rửa xe trên.

Trao đổi với PV, một chuyên gia lĩnh vực giao thông cho biết, Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ phương tiện phải sạch sẽ, nhìn rõ biển số trước khi lưu thông vào thành phố. Tuy nhiên, việc thiếu chế tài xử lý và thiếu kiên quyết của các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng xe bám đầy bùn đất, xe chở vật liệu xây dựng thoải mái ra vào gây ô nhiễm như hiện nay.

Loay hoay bài toán thực hiện

Việc tái khởi động ý tượng xây dựng trạm rửa xe đã được thực hiện từ tháng 8/2017, khi UBND thành phố Hà Nội có văn bản giao Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng tiêu chí lắp đặt trạm rửa xe tự động tại các cửa hàng xăng dầu ở những vị trí thuận lợi gần cửa ngõ Thủ đô. Tháng 10/2017, Sở Xây dựng Hà Nội đã trình tiêu chí lắp đặt trạm rửa xe tự động tại các trạm xăng dầu lên UBND thành phố.

Số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện có 36 cửa hàng xăng dầu tại các cửa ngõ Thủ đô. Tuy nhiên, những vị trí này chưa có đủ diện tích nên chưa buộc lắp đặt các trạm rửa xe tự động. Đối với 23 vị trí được quy hoạch xây mới khuyến cáo bổ sung lắp đặt mới các trạm rửa xe trên cơ sở tuân thủ các quy định về kinh doanh xăng dầu.

Sở Xây dựng xác định, trong số các loại xe lưu thông trên đường, các xe tải chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, bùn đất là đối tượng chính gây ô nhiễm môi trường nên cần ưu tiên xây dựng trạm rửa xe phục vụ rửa các xe nêu trên, đáp ứng tiêu chí làm sạch cơ bản bùn đất bám trên xe, không để phát tán bụi bẩn khi lưu thông.

Về công nghệ, Sở Xây dựng đề xuất sử dụng công nghệ rửa xe không tiếp xúc trực tiếp, dùng các vòi phun nước tự động áp lực cao bố trí ở các vị trí phù hợp phun thẳng vào xe.

Nhằm đảm bảo hiệu quả, Sở Xây dựng đề xuất, trước mắt xây dựng tại mỗi cửa ngõ ra vào thành phố 1 trạm rửa xe tự động tại cây xăng dầu đủ điều kiện, từ đó theo dõi, đánh giá hiệu quả và bổ sung các yêu cầu kỹ thuật cho phù hợp, trước khi triển khai toàn thành phố.

Về nguồn vốn, Sở Xây dựng đề xuất giao Sở KH&ĐT phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài chính xây dựng cơ chế đầu tư, khuyến khích xã hội hóa việc lắp đặt trạm rửa xe tự động tại 23 cây xăng dầu mới được quy hoạch.

Lắp đặt trạm rửa xe tự động buộc xe chở vật liệu rửa khi vào thành phố được xem là giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu ô nhiễm bụi, ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng trên lại là nhiệm vụ không đơn giản, đặc biệt là việc xây dựng chế tài buộc chủ phương tiện chở vật liệu, bùn đất tự giác rửa xe trước khi vào thành phố theo đúng quy định đã có ở Luật Giao thông đường bộ. Vì chưa rõ trách nhiệm, nên đến thời điểm này chưa có đơn vị nào đưa ra được lộ trình triển khai, cũng như công nghệ dự kiến sử dụng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện Sở Xây dựng chỉ là đơn vị được giao xây dựng tiêu chí lắp đặt trạm rửa xe tự động tại cửa hàng xăng dầu.

Để triển khai được kế hoạch trên cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng, bởi lắp đặt trong trạm xăng dầu phải tuân thủ đúng quy định về hoạt động xăng dầu thuộc Sở Công Thương quản lý, việc sử dụng nguồn nước nào để rửa - thu gom nước thải ở trạm xăng dầu ra sao lại thuộc TN&MT, trong khi đơn vị có chức năng xử lý vi phạm lại là Công an và Sở GTVT…

Cùng chung quan điểm, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội (Sở TN&MT) cho biết, muốn đề án rửa xe tự động phát huy hiệu quả cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đặc biệt là xây dựng chế tài xử lý với chủ phương tiện thuộc diện phải rửa sạch bùn đất bám trên xe. Cùng với tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Thanh tra giao thông phải xử phạt thật nặng phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông trong phố.

Ngọc Cương - Báo Tiền Phong