5 công nghệ chủ lực của một thành phố thông minh

Càng ngày càng có nhiều người chuyển từ những vùng nông thôn lên thành phố để sinh sống và làm việc. Ước tính đến năm 2050, có đến 86% dân số các nước phát triển sống ở thành thị.

City.png

Với tình hình gia tăng dân số thành thị rất nhanh trong tương lai, việc sử dụng hiệu quả các tài nguyên của thành phố là cực kì quan trọng. Sau đây là năm công nghệ được cho là chủ lực của một thành phố thông minh, giúp cho quá trình đô thị hóa diễn ra thuận lợi.

1. Hệ thống năng lượng thông minh

Các hệ thống năng lượng tiên tiến sẽ giám sát và điều khiển việc sử dụng năng lượng, từ đó quản lí và lưu trữ năng lượng hiệu quả hơn.

Tập đoàn mạng Cisco ước tính rằng, các thành phố được vận hành bằng công nghệ thông tin có thể tiết kiệm đến 30% năng lượng trong vòng 20 năm.

Các thành phố cũng có thể giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng hiệu quả năng lượng hơn bằng việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, kiểm soát nguồn cung cấp nước, và áp dụng các hệ thống quản lí rác thải hiện đại.

2.  Hệ thống giao thông linh hoạt

Hệ thống này giúp tìm ra những giải pháp giao thông ổn định hơn. Theo báo cáo của tập đoàn cung cấp dịch vụ nghề nghiệp Deloitte, một người Mĩ trung bình mất 34 giờ đồng hồ kẹt xe mỗi năm.

Với tình hình phát triển nhanh của các thành phố hiện nay, các giải pháp giao thông mới cần được phát triển để duy trì sự linh hoạt. Đi bộ, đi xe đạp và các hình thức di chuyển kết hợp có thể phần nào giải quyết vấn đề giao thông.

Đặc biệt hơn cả, thông tin được thu thập từ các dự án dữ liệu lớn có thể được dùng để xác định hình thức lái xe và chuyển động, qua đó giúp giảm nguy cơ tai nạn.

Việc tìm ra những giải pháp mới và tiên tiến sẽ giúp giảm chi phí và cải thiện môi trường cũng như sức khỏe của cư dân thành phố.

3. Cơ sở hạ tầng thông minh

Đây chính là yếu tố nền tảng cho mọi giải pháp thông minh. Việc phát triển đô thị và các khu vực sẽ được hoạch định và thiết kế cho phù hợp với nhu cầu tương lai bằng việc sử dụng công nghệ mới để chuyển dữ liệu thô thành thông tin.

Các hệ thống hiện có cũng có thể được cải thiện bằng việc phân tích dữ liệu từ các cảm biến, hình mẫu giao thông, và hệ thống dò tìm.

shutterstock_434588023-e1481762757473.jpg

4. Hệ thống dịch vụ công tiện lợi

Bằng việc kết nối cư dân thành phố với chính quyền nhờ công nghệ giao tiếp tiên tiến, các thành phố sẽ trở nên an toàn và sạch sẽ hơn, trong khi tiêu chuẩn chung của thành phố cũng được cải thiện.

Nếu các cư dân có thể trình báo về các vấn đề liên quan đến rác thải hoặc cơ sở hạ tầng, chính quyền có thể nhanh chóng giải quyết hơn những vấn đề mà ngay cả họ cũng chưa tự nhận thức được.

5. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến

Trong quá trình thay đổi để đáp ứng tình hình dân số gia tăng, sự phát triển các dịch vụ y tế tiên tiến sẽ giúp mang lại chất lượng phục vụ cao hơn trong tương lai.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe thông minh sẽ giúp giảm chi phí, đồng thời kết nối người dùng với các cơ sở y tế để có thể cung cấp thông tin cần thiết về bệnh nhân.

Việc cho phép các cơ sở chăm sóc sức khỏe tiếp cận thông tin bệnh nhân đa chiều sẽ giúp các bác sĩ hợp tác với bệnh nhân theo những phương pháp mới, qua đó chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.

Một thành phố thông minh sẽ phản ứng trước thách thức gia tăng số tốt hơn so với một thành phố truyền thống. Bằng cách sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, chính quyền các thành phố có thể tiết kiệm ngân sách, cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai.

Quốc Huy (Theo readwrite)