Đầu tư mạnh để thư viện truyền cảm hứng
Thư viện ở nhiều trường hiện không còn cảnh thiếu chỗ ngồi, chật chội, nóng bức, thiếu đầu sách tham khảo, mà hiện nay đã trở thành không gian học tập lý tưởng cho sinh viên.
Nhiều trường đại học (ĐH) xem đây như là “trái tim” của trường nên đã mạnh dạn đầu tư từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng để phục vụ cho sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu.
Thư viện trăm tỷ
Xóa bỏ những quy định về giờ giấc, thư viện mang tên Truyền cảm hứng (Inspire Library) vừa đưa vào hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng bố trí hẳn khu vực cho sinh viên học xuyên đêm và phục vụ 24/7 cho sinh viên, giảng viên.
Thư viện này được thiết kế theo tiêu chuẩn thư viện các trường ĐH thuộc tốp 500 của thế giới, kết nối với cơ sở dữ liệu của 9.000 thư viện lớn nhất trên toàn cầu. Tổng vốn đầu tư lên đến 129 tỷ đồng, tổng diện tích sàn xây dựng 8.678m².
Thư viện gồm 7 tầng, mỗi tầng được thiết kế với không gian riêng biệt và được đặt bằng những cái tên rất ấn tượng: tầng Nhẫn nại, tầng Nỗ lực, tầng Minh mẫn, tầng Tiến bộ, tầng Sáng kiến, tầng Trách nhiệm và tầng Ưu tú.
Không chỉ được đầu tư “khủng”, Thư viện Truyền cảm hứng có sức chứa hơn 2.000 người, có thể sử dụng cùng lúc các khu chức năng như: không gian học tập chung gồm 9 phòng thuyết trình, 8 phòng nghiên cứu cá nhân, 6 phòng học nhóm, 2 phòng xem phim, phòng hội thảo trực tuyến, không gian truyền thông sáng tạo...
Bên cạnh đó là không gian cho các dịch vụ thông tin, với khu vực trưng bày tài liệu mới, khu vực sử dụng máy tính, các điểm truy cập nhanh, các trạm in ấn đa chức năng, trạm mượn sách tự động. Không gian giao lưu học tập có các điểm gặp gỡ, khu vực cà phê, khu vực đọc giải trí, sảnh triển lãm…
Thư viện cũng trang bị các thiết bị quản lý tự động theo công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như: hệ thống phân loại tài liệu sau khi người đọc trả sách; máy làm sạch, diệt khuẩn cho tài liệu; máy mượn - trả sách tự động; cổng an ninh tài liệu; hệ thống kiểm soát ra vào, máy in đa chức năng.
Tất cả các khu trong thư viện đều tiếp nhận ánh sáng tự nhiên, phù hợp với từng nhu cầu học tập của sinh viên, từ học một mình cho đến học 2 người, nghiên cứu riêng hay thảo luận nhóm. Không gian cà phê cũng lãng mạn và thơ mộng. Do vậy, ngay từ khi khánh thành, không ít sinh viên đã nô nức đến thư viện trải nghiệm, học tập.
Tăng cả chất và lượng
Theo đánh giá mới đây của Bộ GD-ĐT, thư viện của nhiều trường ĐH hiện đã được đầu tư cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong đó, nhiều thư viện đã tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế như tại các trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Nguyễn Tất Thành, Thư viện Trung tâm ĐH Quốc gia TPHCM…
Sự đầu tư mạnh mẽ vào thư viện của nhiều trường hiện nay không chỉ đem đến điều kiện học tập hiện đại cho sinh viên, mà quan trọng là qua đó truyền cảm hứng cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh phát huy tính sáng tạo. Tuy đã đưa vào hoạt động khá lâu, đến nay thư viện Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) vẫn được nhiều sinh viên thích thú.
Thư viện trên 1.000m², hệ thống quản lý tự động hóa với hơn 24.000 bản tài liệu in; 16.000 tựa tạp chí khoa học điện tử; 2.000 bản luận văn trực tuyến và nhiều cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín. Thư viện được liên kết với Thư viện Trung tâm ĐH Quốc gia TPHCM và các trường thành viên khác…
Nhận định mới đây của Bộ GD-ĐT về 23 trường ĐH công lập thí điểm tự chủ cho thấy, những trường này đã quan tâm đầu tư cho thư viện rất nhiều. 23 trường tự chủ có đến 160 thư viện với tổng diện tích hơn 100.000m². Trong đó, xét về quy mô, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có số máy tính văn phòng, máy tính nối mạng, cùng số sách và cơ sở dữ liệu điện tử nhiều nhất.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM có số thư viện, diện tích giảng đường và thư viện, số sách tiếng Việt và nước ngoài, tạp chí bằng tiếng Việt, số máy tính và chỗ ngồi trong thư viện nhiều nhất. Trường ĐH Mở TPHCM có tạp chí nước ngoài nhiều nhất…
Không chỉ các trường công lập, theo khảo sát mới đây của Bộ GD-ĐT, nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng đã đầu tư rất mạnh cho thư viện. Hệ thống Trung tâm Thông tin - thư viện của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có tổng diện tích xây dựng hơn 16.000m², với giá trị đầu tư hơn 50 tỷ đồng, công suất phục vụ có thể đáp ứng hơn 1.700 sinh viên.
Hệ thống được chia thành 3 khu với nhiều công năng như: phòng đọc, phòng tra cứu thông tin, khu tự học, hội thảo, họp nhóm, tập gym… Cùng với đó, nhiều trường ĐH khác như Nam Cần Thơ, Đại Nam, FPT, Đông Á cũng dành rất nhiều kinh phí để đầu tư cho thư viện.
Tại miền Bắc, tòa nhà mới khánh thành của Trường ĐH Kinh tế quốc dân đang thu hút nhiều sự chú ý. Bên cạnh không gian học hiện đại, tòa nhà có 147 phòng chức năng, 6 phòng hội thảo, 96 phòng làm việc và 17 thang máy, được xây dựng theo phong cách Pháp. Trong đó, thư viện của trường được bài trí hiện đại và được Bộ GD-ĐT đánh giá là thư viện tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Thanh Hùng - SGGP