Nobel Hóa học cho nghiên cứu kính hiển vi electron nhiệt độ thấp

Ngày 4/10, giải Nobel Hóa học 2017 đã được trao cho các nhà khoa học Jacques Dubochet, Joachim Frank và Richard Henderson vì nghiên cứu kính hiển vi electron nhiệt độ thấp.

3 nhà khoa học đạt giải Nobel Hóa học năm 2017. Ảnh: Nobel Prize.

3 nhà khoa học đạt giải Nobel Hóa học năm 2017. Ảnh: Nobel Prize.

Theo AFP, giải Nobel Hoá học được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao cho Jacques Dubochet (Đại học Lausanne, Thụy Sĩ), Joachim Frank (Đại học Columbia, Mỹ) và Richard Henderson (Đại học Cambridge, Anh) nhờ việc phát triển kính hiển vi electron nhiệt độ thấp cho các cấu trúc phân giải cao của tế bào trong dung dịch, giúp đơn giản hoá và cải thiện hình ảnh của các phân tử hoá sinh.

Chúng ta có thể sớm có hình ảnh chi tiết ở mức độ phân tử của nhiều cấu trúc phức tạp trong cuộc sống.

“Phương pháp này đã đưa ngành sinh hoá vào kỷ nguyên mới”, thông báo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển cho biết.

Những hình ảnh chi tiết này đóng vai trò then chốt cho việc hiểu về cấu trúc sinh hoá. Các đột phá khoa học thường dựa vào việc hình ảnh hoá thành công các vật thể “không thể nhìn thấy” bằng mắt thường của con người.

Các bản đồ sinh hoá cho tới lúc này hiện vẫn có rất nhiều khoảng trống do công nghệ hiện tại chưa thể thể hiện được hình ảnh các cấu trúc ở cấp phân tử.

Độ phân giải của tế bào tăng lên đáng kể khi quan sát bằng phương pháp mới. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển.

Độ phân giải của tế bào tăng lên đáng kể khi quan sát bằng phương pháp mới. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển.

Kính hiển vi electron nhiệt độ thấp đang thay đổi những điều này. Các nhà nghiên cứu giờ có thể đông cứng các dịch chuyển của phân tử sinh học và thể hiện bằng hình ảnh các quá trình này – điều vốn không thể trước đây.

Điều này đóng vai trò quyết định trong việc hiểu hoá học của cuộc sống cũng như là thúc đẩy phát triển của y dược.

Nobel Hóa học là giải thưởng thứ 3 được trao trong chuỗi sự kiện Nobel. Trước đó, giải Nobel Y sinh đã được trao cho những khám phá về cơ chế phân tử kiểm soát nhịp sinh học, trong khi giải Nobel Vật lý được dành cho công trình khám phá sóng hấp dẫn.

Theo Thanh Tuấn - Duy Anh (Zing)